Mỹ vất vả tìm cách chặn sự suy giảm năng suất khai thác dầu

Năng suất khai thác dầu của Mỹ đã suy giảm đến mức đáng báo động và phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng này.

Năng suất khai thác trong ngành dầu đá phiến của Mỹ đã suy giảm mạnh trong hai năm qua, khiến các nhà sản xuất phải tìm kiếm công nghệ mới nhằm đảo ngược tình trạng nói trên.

Tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ thường không đủ khả năng chi trả chi phí ban đầu cao và dần rút lui khỏi thị trường, điều này cũng làm giảm mạnh sản lượng khai thác.

Thực trạng trên của ngành dầu đá phiến Mỹ đã được hãng thông tấn Anh Reuters đề cập, họ đã nêu lên thực trạng đáng buồn sau khi tham khảo ý kiến từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia phân tích trong ngành.

Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ gần đây thậm chí còn vui mừng khi sản lượng khai thác trong quý đầu tiên năm nay ít nhất vẫn giữ được ở mức 13 triệu thùng mỗi ngày. Khi mọi thứ ổn định, đây là một thành tựu.

Nguyên nhân dẫn tới nhận định trên là do tốc độ suy giảm sản lượng đã tăng nhanh kể từ năm 2020, do hiện tượng nứt vỡ thủy lực ở các giếng có khoảng cách gần nhau, gây ảnh hưởng đến địa chất và áp lực, từ đó làm cho việc khai thác tài nguyên khó khăn và tốn kém hơn.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Enverus Intelligence Research (EIR), sự sụt giảm tốc độ khai thác ở các mỏ dầu đá phiến của Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong thập kỷ vừa qua.

Mong muốn tìm kiếm sự “thịnh vượng và tiết kiệm” của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã gây ra những hậu quả sâu sắc mà cho tới bây giờ mới thực sự cảm nhận được rõ ràng.

Với sự trợ giúp của hoạt động khai thác quá mức, kết quả ban đầu đạt được đó là công nghệ mới giúp tăng công suất của các giếng cũ, tuy nhiên việc thăm dò những mỏ mới đầy hứa hẹn lại bị "bỏ hoang" hoàn toàn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ (EIA) cho biết vào tháng trước rằng những tiến bộ trong công nghệ khoan ngang và bẻ gãy thủy lực đã tăng năng suất giếng khai thác trong năm qua, giúp các nhà sản xuất nội địa duy trì sản lượng từ các giếng cũ.

Mặc dù vậy, cách làm này theo nhận xét chính là con đường trực tiếp dẫn đến sụp đổ trong thời gian tới. Trên thực tế, đây được xem như khởi đầu cho sự kết thúc của lĩnh vực từng phát triển bùng nổ.

Trong hơn hai năm “tiết kiệm” cho hoạt động khoan và thăm dò, quá nhiều vấn đề đã tích tụ và mức đầu tư cần thiết đã vượt xa mọi giới hạn có thể tưởng tượng được.

Trong thời đại có những yêu cầu khắt khe về môi trường, sẽ không có ai chịu bỏ số tiền lớn như vậy vào một lĩnh vực bị chỉ trích như khai thác cạn kiệt tài nguyên hóa thạch.

Do đó, việc các công ty Mỹ vội vã cố gắng giải quyết vấn đề liên quan đến sản xuất cho thấy cảm giác về một cuộc khủng hoảng đang đến gần, từ đó làm xấu đi môi trường đầu tư và tâm trạng chung trong ngành.

Tuy nhiên bước đi sắp tới của các doanh nghiệp năng lượng Mỹ vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt khi chính quyền Washington chịu áp lực từ châu Âu về việc phải giúp đồng minh nhanh chóng độc lập với nguồn năng lượng từ Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-vat-va-tim-cach-chan-su-suy-giam-nang-suat-khai-thac-dau-post574593.antd