Một lần được gặp vị tướng huyền thoại - đại biểu Quốc hội

Trưa hôm đó, Thủ trưởng Nguyễn Chơn xuống bếp kiểm tra bữa ăn của bộ đội rồi ở lại dùng bữa với Ban chỉ huy Đại đội trong sự ngỡ ngàng, xúc động của chúng tôi, vì lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một vị tướng nghiêm khắc nhưng rất gần gũi, thân mật, thương yêu lính như vậy. Sau này chúng tôi tìm hiểu được biết, tướng Nguyễn Chơn là một vị chỉ huy huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng do Pol Pot cầm đầu. Một nhà quân sự tài ba và cũng là một nhà chính trị xuất sắc.

Ngỡ ngàng, xúc động

Tháng 3.1979, sau khi cùng đơn vị hành quân từ chiến trường K ra mặt trận Lạng Sơn trong chiến dịch không vận lớn nhất của quân đội ta, tôi được cử đi dự khóa huấn luyện vũ khí mới, hiện đại do các sĩ quan Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Xong khóa học, chúng tôi đi tiếp nhận lô vũ khí do Liên Xô viện trợ vừa cập cảng hải Phòng. Đó là những khẩu pháo phòng không tự hành bọc thép bánh xích mang tên ZCY 23-4M cải tiến, phiên bản mới nhất, có trang bị radar, hệ thống máy tính điện tử, 4 khẩu pháo tự động được thiết kế để tiêu diệt máy bay và mục tiêu mặt đất, thích nghi tác chiến trong đội hình bộ binh cơ giới.

Thiếu tướng Nguyễn Chơn (ngồi giữa) ở chiến trường K. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Nguyễn Chơn (ngồi giữa) ở chiến trường K. Ảnh tư liệu

Đại đội tôi đóng quân cách Bộ chỉ huy Sư đoàn bộ binh cơ giới 304 (thuộc Quân đoàn 2) chừng gần một cây số, ngay cạnh làng Phan, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Thời chiến, lại là đơn vị có trang bị vũ khí hiện đại nên chúng tôi được lệnh canh gác cẩn mật cả ngày lẫn đêm, không cho bất cứ ai không phận sự được tiếp cận.

Một buổi sớm cuối tuần, khi trời ấm dần trong cái rét ngọt đầu đông, lính trực gác của đại đội chặn một người đàn ông lạ mặt, vóc nhỏ con, mặc đồ bộ đội, định xâm nhập vào khu vực đóng quân của đơn vị, đòi gặp người chỉ huy đại đội. Được tin báo, Đại đội trưởng của tôi cứ tưởng là lính đơn vị làm chuyện gì có lỗi với dân làng nên người dân đến phản ánh, bắt đền. Anh ấy ra chào người đàn ông nọ rồi nghiêm nghị hỏi: “Anh là ai, gặp tôi có chuyện gì?”. Người đàn ông lạ từ tốn trả lời: “Mình là Tư lệnh Quân đoàn 2, biết đây là đơn vị vũ khí mới, mình đến thăm!”.

“Xin lỗi, anh ở đây chờ một chút”. Nói xong, Đại đội trưởng liếc nhìn chiến sĩ trực gác như để lưu ý, rồi lập tức bước nhanh trở vào nhà Ban chỉ huy đại đội, vừa đi vừa nghi ngờ nghĩ bụng: “Quái lạ, Thủ trưởng Quân đoàn mà sao ăn mặc giống như nông dân, không đeo quân hàm, lại đi một mình không có lính bảo vệ, hay tay này mạo danh!?”. Nghĩ vậy nhưng anh ấy vẫn quay điện thoại hữu tuyến loại “cối xay tiêu” nghe rột rột gọi khẩn lên trực ban Sư đoàn.

Sau khi xác định đó đúng là Thiếu tướng Nguyễn Chơn - Tư lệnh Quân đoàn 2, anh Đại đội trưởng của tôi vội chỉnh đốn trang phục, nhấc dùi cui sắt đánh kẻng báo động toàn đơn vị, rồi chạy ra, làm động tác đứng nghiêm, đưa tay lên chào Thủ trưởng theo tác phong điều lệnh quân đội:

- Báo cáo Thủ trưởng Quân đoàn, tôi, Chuẩn úy..., Đại đội trưởng Đại đội 14 có mặt chờ mệnh lệnh đồng chí.

Ông khoát tay bảo: “Được, mình vào thăm anh em thôi mà, không cần nghi thức gì đâu”, xong ông cùng Đại đội trưởng tiến vào doanh trại.

Sau khi nghe kẻng báo động, chúng tôi đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu trên xe, pháo cũng được lệnh tập hợp đội hình trước sân Ban chỉ huy Đại đội để đón chào Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn. Tôi nhận nhiệm vụ giới thiệu với Thiếu tướng về tính năng chiến đấu của pháo tự hành ZCY 23 - 4M, đang định chạy lên làm động tác báo cáo theo điều lệnh nhưng Thủ trưởng Nguyễn Chơn cũng gạt đi. Bàn tay ấm áp của vị Tướng quân vỗ nhẹ lên vai tôi như động viên bảo: “Cậu giới thiệu ngắn gọn nhé!”.

Sau khi tìm hiểu tính năng chiến đấu của pháo phòng không tự hành và tình hình đơn vị, ông đi một vòng thăm doanh trại. Trưa hôm đó, Thủ trưởng Nguyễn Chơn xuống bếp kiểm tra bữa ăn của bộ đội rồi ở lại dùng bữa trưa với Ban chỉ huy đại đội trong sự ngỡ ngàng, xúc động của chúng tôi, vì lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một vị Tướng quân nghiêm khắc nhưng rất gần gũi, thân mật, thương yêu lính như vậy. Quả đúng là “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Khắc ghi tài năng và đức độ

Sau này chúng tôi tìm hiểu được biết, Tướng Nguyễn Chơn là một vị chỉ huy huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng do Pol Pôt cầm đầu. Ông chỉ huy đánh trăm trận trăm thắng, lập nhiều chiến công hiển hách gắn với những giai thoại: “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”... Kẻ thù khiếp hãi khi nghe tên ông. Ông được phong Anh hùng LLVTND năm 1970 và nhiều huân, huy chương, huy hiệu cao quý khác.

Tướng Nguyễn Chơn là nhà quân sự tài ba và cũng là một nhà chính trị xuất sắc. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất (Khóa VI, nhiệm kỳ 1976 - 1981) và đại biểu Quốc hội Khóa VIII; là Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Mải lo đánh giặc, khi tuổi đã ngũ tuần ông mới lập gia đình. Nhân duyên đưa ông gặp và đem lòng yêu thương người con gái nổi tiếng: Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý, khi đó cũng đang là đại biểu Quốc hội Khóa VI. Hai người đã nên duyên vợ chồng, một đám cưới đặc biệt được tổ chức giữa năm 1977. Đặc biệt vì lẽ, trong đám cưới, cô dâu, chú rể được nhận quà quý của Bác Hồ là hai chiếc đồng hồ Poljot và mấy mét vải do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác mang đến tặng theo như lời Bác đã nói với Anh hùng Trần Thị Lý trước đây khi chị có vinh dự được gặp Bác: “Lúc nào cháu xây dựng gia đình, báo cho Bác biết để Bác đến chúc mừng”.

Tài năng và đức độ của Thượng tướng Nguyễn Chơn được lịch sử khắc ghi và các thế hệ noi theo.

NGUYỄN VÂN HẬU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/mot-lan-duoc-gap-vi-tuong-huyen-thoai--%C2%A0dai-bieu-quoc-hoi-i338086/