Lưu ý ôn thi tốt nghiệp phần đọc hiểu môn Ngữ văn từ đề tham khảo

Học sinh chú ý một số kĩ năng khi làm bài phần đọc hiểu để có thể đạt điểm cao môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Phương pháp ôn thi tốt nghiệp phần đọc hiểu môn Ngữ văn từ đề tham khảo

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có cấu trúc quen thuộc, học sinh đã được thầy cô giáo hướng dẫn luyện tập nhiều trên lớp và làm các bài kiểm tra thường xuyên, định kì.

Tuy vậy, để có thể đạt điểm cao môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 thì đòi hỏi học sinh phải nắm vững kỹ năng làm bài.

Kĩ năng làm bài phần Đọc hiểu

Câu 1, xác định thể thơ của đoạn trích là một câu hỏi dễ, học sinh chỉ cần trả lời đúng thể thơ tự do là được trọn điểm.

Liên quan đến thể thơ, học sinh lưu ý, sách giáo khoa Ngữ văn 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nêu, các thể thơ có thể phân chia thành 3 nhóm chính:

1. Các thể thơ dân tộc gồm: lục bát, song thất lục bát và hát nói; 2. Các thể thơ Đường luật gồm: ngũ ngôn và thất ngôn (tứ tuyệt và bát cú); 3. Các thể thơ hiện đại gồm: năm tiếng (chữ), bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ-văn xuôi,…

Câu 2, chỉ ra biện pháp tu từ qua những dòng thơ: bay như chưa biết mình từ nước/ chưa từng hóa cơn mưa/chưa từng có phút giây cuồng nộ/ vô ưu bay, chẳng để ai ngờ...

Kiến thức về tu từ tương đối khó so với trình độ của học sinh. Nhưng, đây chỉ là câu hỏi ở mức nhận biết, các em chỉ cần nắm vững một số biện pháp tu từ đã được học như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, phép điệp, liệt kê,... là có thể làm tốt câu hỏi này.

Đối với câu 2 đề thi tham khảo, học sinh có thể trả lời 1 trong 6 biện pháp tu từ (từ dễ nhận diện đến khó nhận diện) theo thứ tự như sau:

1. So sánh ((đám mây) bay như chưa biết mình từ nước); 2. Điệp ngữ (chưa từng - chưa từng), điệp cấu trúc (chưa từng hóa cơn mưa - chưa từng có phút giây cuồng nộ); 3. Liệt kê (chưa từng hóa cơn mưa, chưa từng có phút giây cuồng nộ); 4. Nhân hóa (mây) chưa từng có phút giây cuồng nộ, (mây) vô ưu bay chẳng để ai ngờ; 5. Dấu chấm lửng (... chẳng để ai ngờ); 6. Ẩn dụ (mây cũng là người).

Học sinh cần lưu ý, biện pháp tu từ đó được thể hiện qua những từ ngữ nào. Nếu thí sinh chỉ gọi tên biện pháp tu từ mà không không chỉ ra các từ ngữ đi kèm sẽ không có điểm (0 điểm).

Câu 3, nêu nội dung của những dòng thơ: đã có lúc ghì mình sát đất/ rồi bay theo mộng mị kiếp người/ hòa tất thảy vào đời sống khác/ lại làm mây di tản lưng trời.

Để lấy trọn điểm ở câu hỏi này, học sinh cần hiểu nghĩa đen và nghĩa bóng của đoạn thơ. Nghĩa đen là nghĩa vốn có của từ, còn nghĩa bóng được suy ra từ nghĩa đen, mang tính hình tượng, ẩn dụ.

Căn cứ vào nội dung đoạn thơ, có thể hiểu nghĩa đen như sau: Khổ thơ cho thấy sự hòa mình, hóa thân của những đám mây trong nhiều trạng thái tồn tại. Cùng với đó, thể hiện sự tuần hoàn vô tận của tự nhiên, vũ trụ.

Từ đó ta suy ra nghĩa bóng của đoạn thơ: Đoạn thơ đã tái hiện hành trình của những đám mây cuối trời: gắn chặt với cuộc đời con người từ thực tế nhiều vất vả lo toan đến bao mộng mơ nhẹ nhàng.

Đoạn thơ thể hiện quan điểm của tác giả về nhân sinh: chúng ta cần đón nhận mọi việc một cách nhẹ nhàng, cần xem tận cùng khó khăn hay đỉnh cao của mơ ước đều là qui luật của đời sống, như mây tán rồi lại tụ, có lúc bay thấp có lúc bay cao. (Đáp án câu 3 tham khảo của thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường Đại học Sư phạm hành phố Hồ Chí Minh).

Như thế, câu trả lời cần có 2 nội dung rõ ràng: 1. Hành trình của đám mây; 2. Hành trình của đời người. Học sinh trả lời thiếu ý sẽ bị trừ điểm, có thể sẽ bị mất một nửa số điểm.

Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông có đăng tải gợi ý đáp án (đọc hiểu) đề thi minh họa môn Ngữ văn năm 2024 nhưng chỉ nêu nghĩa đen của đoạn thơ là không đúng. Học sinh sinh phải có năng lực giải mã ngôn ngữ thơ để trả lời đúng nội dung câu hỏi.

Câu 4, rút ra bài học lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả về Những đám mây cuối trời.

Thí sinh cần trả lời 2 câu hỏi: 1. Học theo đám mây cuối trời là học điều gì? 2. Khi học theo điều đó thì chúng ta sẽ được gì?

Gợi ý: Cuộc sống còn nhiều thử thách, lắm chông gai, chúng ta cần sống lạc quan, vui vẻ, nhẹ nhàng, sống hết mình, đừng than thân trách phận. Khi vượt qua những khó khăn, bất trắc thì hạnh phúc, sự yên bình sẽ đến với chúng ta.

Thí sinh lưu ý cần trả lời câu hỏi bằng một đoạn văn ngắn khoảng 3-4 câu hoặc 4-5 dòng, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo yêu cầu về chính tả, ngữ pháp.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu chiếm 3/10 điểm toàn bài thi môn Ngữ văn. Ngữ liệu và nội dung câu hỏi phần Đọc hiểu đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2024 khá dễ so với năng lực chung của học sinh. Các em nắm vững những lưu ý như trên thì có thể dễ dàng đạt từ 2,5 - 3 điểm.

Đề thi tham khảo - dùng để luyện tập

Đọc văn bản sau:

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu..

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về, mình mẹ lặng im.

Đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao

Xin hát về Người, đất nước ơi!

Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi!

Suốt đời lam lũ

Thương lũy tre làng bãi dâu, bến nước

Yêu trọn tình đời, muối mặn gừng cay

[…]

Đất nước tôi

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ.

(Đất nước, Tạ Hữu Yên)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ sau:

Đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao

Câu 3. Nêu nội dung của những dòng thơ sau:

Đất nước tôi

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ.

Câu 4. Từ đoạn thơ trong bài thơ Đất nước, anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân?

Gợi ý đáp án đề luyện tập tham khảo

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Biện pháp tu từ ẩn dụ: "bão giông", "nắng lửa".

Câu 3. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất lạc quan: Đất nước tôi/ Sáng ngời muôn thuở/ Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ. Qua đó, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã bày tỏ niềm tin tưởng về tương lai tươi sáng của dân tộc.

Câu 4. Rút ra bài học cho bản thân: Bài thơ "Đất nước" nhắc nhở chúng ta về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", trân trọng những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước. Từ đó, tuổi trẻ cần ra sức phấn đấu để chung tay xây dựng đất nước, gìn giữ Tổ quốc trường tồn.

Bạn đọc chú ý đón xem tuyến bài về kĩ năng làm bài thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 trên Tạp chí Công dân và Khuyến học.

Phan Thế Hoài

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/luu-y-on-thi-tot-nghiep-phan-doc-hieu-mon-ngu-van-tu-de-tham-khao-179240501102136826.htm