Kỳ vọng từ công nghệ thần kinh

Sau khi bị chẩn đoán mắc hội chứng teo cơ một bên (ALS), một bệnh nhân sống tại bang Pennsylvania - Mỹ được cấy ghép công nghệ giao diện não - máy tính (BCI) hồi tháng 8 năm ngoái.

Cho phép não bộ kết nối với máy tính, công nghệ đầy hứa hẹn này được kỳ vọng có thể hỗ trợ những người mất chức năng điều khiển vận động như bệnh nhân tên Mark nêu trên (đài CNN không tiết lộ danh tính đầy đủ). Ông là người thứ 10 trên thế giới được cấy ghép BCI cho đến giờ.

Nỗ lực thương mại hóa BCI đang gặp nhiều rào cản, nhất là khi bản thân công nghệ này vẫn còn không ít hạn chế. Dù vậy, công nghệ BCI vẫn là niềm hy vọng đối với những người mắc ALS. Căn bệnh chưa thể chữa trị này khiến ông Mark phải phụ thuộc vào người khác vì ông không thể thực hiện những thao tác như cầm nắm hoặc lái xe…

Sau khi được cấy ghép thiết bị BCI của Công ty Synchron (Mỹ) vào tháng 8-2023, ông Mark ban đầu cảm thấy thất vọng khi chưa thể sử dụng công nghệ này tức thì. Mất 2 tháng để phục hồi và làm quen, ông không thể quên niềm vui khi lần đầu tiên BCI hoạt động như ý muốn.

Ông Mark đang tham gia cuộc thử nghiệm công nghệ BCI của Công ty Synchron (Mỹ) Ảnh: CNN

Trong vài tháng trở lại đây, ông làm việc với nhà trị liệu Maria Nardozzi của Synchron, xây dựng "từ điển chuyển động" được BCI sử dụng để đọc sóng não và chuyển chúng thành hành động trên máy tính.

Ông Mark, 66 tuổi, hiện đã thành thạo chương trình cho phép ông báo cáo tình hình sức khỏe nếu cần. Mục tiêu tiếp theo của ông là học cách sử dụng công nghệ để mở ứng dụng giải trí và nhắn tin.

Theo Giám đốc điều hành Tom Oxley của Synchron, một số bệnh nhân sử dụng BCI hiện có thể nhắn 5-10 từ/phút, một "thành tích đáng chú ý" khi tốc độ nhắn tin của hầu hết người bình thường là 5-20 từ/phút.

Tiềm năng của BCI đã thôi thúc một số công ty tham gia cuộc đua phát triển công nghệ y khoa "đến từ tương lai" này. Hai nghiên cứu riêng biệt từng được công bố trên Tạp chí Nature cho thấy các thiết bị cấy ghép não sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người bị liệt giao tiếp hiệu quả bằng cách chuyển đổi tín hiệu thần kinh thành văn bản hoặc lời nói.

Trong bối cảnh cuộc đua thương mại hóa BCI nóng lên từng ngày, giới hoạch định chính sách không thể không chú ý.

Vào tháng 7 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã triệu tập một hội nghị có sự hiện diện của giới chính trị gia và các bên liên quan để thảo luận những vấn đề liên quan công nghệ thần kinh. Hội nghị kết thúc với lời kêu gọi xây dựng một khuôn khổ toàn diện để khai thác tiềm năng và giải quyết rủi ro xoay quanh công nghệ mới nổi này.

Cao Lực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-tu-cong-nghe-than-kinh-196240512211949932.htm