Ký ức Điện Biên của cựu thanh niên xung phong Hà thành

Ở tuổi 90, ông Trần Khắc Lộng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt'… vượt qua hàng chục 'chảo lửa' trên đường hành quân, trực tiếp tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Ông Trần Khắc Lộng - Cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mộc Miên

Một thời hoa lửa

16 tuổi, chàng trai trẻ Trần Khắc Lộng gác bút nghiên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Cuộc hành binh 300km đến trận địa phục vụ chiến đấu đối với các thanh niên xung phong (TNXP) là những năm tháng không thể nào quên.

Là y tá phục vụ cứu chữa cho các chiến sĩ TNXP ở ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La), nơi được mệnh danh là “chảo lửa” trên tuyến đường bảo đảm giao thông cho chiến dịch. Đây là cửa ngõ của sức người, vũ khí, xe cộ, thiết giáp và pháo binh tiến về Điện Biên Phủ, nơi quân địch tập trung bắn phá ác liệt suốt ngày đêm.

Ông Trần Khắc Lộng đảm nhận nhiệm vụ cứu chữa cho các thương binh ngã ba Cò Nòi, phụ trách tuyến từ đèo Chẹn qua ngã ba Cò Nòi đến T100. Dù đêm hay ngày, khi có người bị thương, ông Lộng phải tìm đường đến để cấp cứu, nhẹ thì cấp cứu theo dõi, nặng thì phải tổ chức chuyển anh em thương, bệnh binh về tuyến sau cứu chữa.

Giữa mưa bom ác liệt có những lần ông Lộng bị thương nhưng vẫn sẵn sàng nằm chờ, nhường cơ hội cấp cứu cho các thương binh trước rồi chờ đến lượt đồng đội băng cho mình sau. Có lần ông bị ngất sau khi băng bó xong.

Ngoài nhiệm vụ cứu thương, ông Lộng tham gia cùng TNXP đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch. “Sau mỗi trận đánh của địch, chúng tôi tập trung gánh đá, vá đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Cuộc chiến của chúng tôi ở các cung đường, đèo núi, thác ghềnh, cầu phá để đảm bảo giao thông cho cả một vùng rộng lớn phục vụ cho chiến dịch” - ông Lộng hồi tưởng.

Mặt trận Điện Biên Phủ toàn thắng, một số đơn vị TNXP ở lại với nhiệm vụ mới, tiếp tục mở đường dọc sông Nậm Na, từ Ma Lù Thàng đến thị trấn Lai Châu dài 82km, xây dựng đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Lào Cai… Một số đơn vị xây dựng nhà máy xà phòng, thuốc lá, nhà máy cao su, gỗ Cầu Đuống, diêm Thống Nhất… Nhiều đồng chí có trình độ văn hóa cấp 2, cấp 3 về Hà Nội tiếp tục sự nghiệp học hành.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 2.200 người là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến và 159 gia đình thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn TP. Ảnh: Mộc Miên

Cống hiến cho ngành y nước nhà

Hòa bình lập lại, ông Lộng tự học bổ túc văn hóa ban đêm đến hết cấp 3 rồi thi đỗ vào Đại học Y dược Hà Nội… Sau 6 năm học, ông được trường phân công làm cán bộ giảng dạy. Ngoài vai trò giảng dạy, ông còn tham gia công tác Đảng, Đoàn, phấn đấu, cống hiến cho ngành y nước nhà. Năm 1971, ông Lộng được điều động về công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương, cử đi học tổ chức quản lý y tế tại Đức.

Trong giai đoạn từ tháng 8/1992 đến tháng 7/1997, ông Trần Khắc Lộng được giao trọng trách Giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam, người tiên phong xây dựng quỹ Bảo hiểm y tế ở Việt Nam thành công. Ông cũng là Tổng giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam đầu tiên cho đến khi nghỉ hưu với huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Những ngày tháng 5 lịch sử, ký ức Điện Biên năm xưa được nhắc lại như một bản hùng ca bất diệt về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.

Ông Trần Khắc Lộng kể: “Ngày ấy, trên đường hành quân vào trận địa, những TNXP trải lá ra đường, tranh thủ ăn trên đường hành quân. Khi đến khe suối, tranh thủ uống nước và lấy nước vào các ống tre, ống bương để lúc nào khát có nước để uống. Cuộc hành quân ngày vào rừng tránh máy bay địch, đêm đổ ra đường hành quân.

Vất vả, khó khăn là thế họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, vui tươi chờ ngày chiến thắng. Dọc đường hành quân có hình ảnh bộ đội, dân công hỏa tuyến, công nhân cầu đường, các đoàn xe đạp thồ, xe kéo pháo, xe vận tải… cùng hát bài hò “Hò lơ, hò lờ”, âm vang khắp nẻo đường ra trận mạc.

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên, ông Trần Khắc Lộng cùng đồng đội trở lại Điện Biên. Ký ức ngày trở về rưng rưng niềm xúc động, bên các tấm bia liệt sĩ, những người lính Điện Biên nghiêng mình thắp nén hương thơm tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng, hy sinh cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại.

“Giữa mùa hoa ban trắng trên đất Điện Biên anh hùng, chúng tôi tự hào là chiến sĩ Điện Biên” - ông Trần Khắc Lộng bày tỏ.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-uc-dien-bien-cua-cuu-thanh-nien-xung-phong-ha-thanh-379702.html