Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Tiếp tục tạo ra những tác phẩm xứng tầm

Chiến thắng Điện Biên đã lùi xa 70 năm, nhưng giá trị, tầm ảnh hưởng của sự kiện này chưa bao giờ vơi cạn trong suy nghĩ của người Việt Nam cũng như trong cảm hứng sáng tạo của các văn nghệ sĩ.

Khẳng định giá trị to lớn đó, coi chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và mảnh đất, con người Điện Biên hôm nay trong mối quan hệ có tính kết nối chặt chẽ giữa truyền thống và đương đại, các văn nghệ sĩ xác định trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục tạo ra nhiều tác phẩm xứng tầm với chiến thắng Điện Biên. Hànôịmới Cuối tuần xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:
Hiện thực Điện Biên, chất liệu Điện Biên còn nhiều lắm

Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca, đã đi vào thơ như một chốn thiêng liêng và cũng rất trữ tình. Nếu có cuộc “diễu binh” thơ Điện Biên thì chắc chắn người ta sẽ thấy “Giá từng thước đất” của Chính Hữu; “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu; “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; “Thóc mới Điện Biên” của Chế Lan Viên; “Mộ Bế Văn Đàn” của Xuân Diệu; “Hai mươi năm múa điệu xòe hoa” của Văn Thảo Nguyên; “Trở lại Điện Biên” của Anh Ngọc; “Hoa hồng ở Điện Biên” của Nguyễn Đức Mậu; “Đêm rượu Điện Biên” của Vương Trọng; “Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh” của Bằng Việt…

Những người làm thơ về Điện Biên có lẽ chủ yếu là các nhà thơ kháng chiến. Vậy thì, Điện Biên Phủ có còn là lực hút hấp dẫn khó cưỡng lại với những người làm thơ trẻ hôm nay không? Tôi thấy, không nhiều lắm những thi phẩm viết về Điện Biên Phủ của các tác giả trẻ. Hiếm có những bài thơ ấn tượng, những trường ca nổi bật về Điện Biên Phủ của những người làm thơ thuộc thế hệ sau năm 1975, đặc biệt ít ỏi với đội ngũ tác giả thời đổi mới tính từ cái mốc 1986. Vì sao vậy? Có phải những giá trị của quá khứ và lịch sử không còn đủ sức lay động tâm thức, tình cảm người làm thơ? Dấu vết quá khứ không đủ sắc nét để chạm vào tâm hồn người sáng tác? Hay, chất liệu sống về vùng đất ấy không đủ đầy cho những dự định thi ca chẳng mang nhiều tính thời thượng như thơ về tình yêu đau buồn, thế sự quanh co?... Tất cả dồn tụ, cộng hưởng lại tạo ra những trở ngại ngăn cản cảm hứng đi đến, thâm nhập và viết về Điện Biên của nhà thơ trẻ.

Vậy thì, để có thêm các tác phẩm hay về Điện Biên Phủ làm xúc động lòng người thì người làm thơ trẻ cần có cách tiếp cận, thâm nhập mới, kỹ và sâu. Sao cho lịch sử của vùng đất lừng lẫy năm châu thấm sâu vào họ, làm bùng dậy những cảm hứng mạnh mẽ, những giục giã chân thành, từ đó các nhà thơ trẻ miệt mài đi tìm một Điện Biên mới cho riêng mình. Một Điện Biên ánh xạ hồi quang lịch sử và rung rinh âm sắc mới làm nền tảng cho những thi phẩm xúc động, ấn tượng về mảnh đất, con người nơi này. Những trại sáng tác, những cuộc thi thơ về Điện Biên thật cần thiết với các tác giả trẻ, tôi nghĩ thế. Kết nối xưa - nay bằng những không gian và thời gian của nghệ thuật, trong đó có thi ca, sẽ là cơ hội cho các tác phẩm mới khai sinh. Hiện thực Điện Biên, chất liệu Điện Biên còn nhiều lắm, nếu biết khai thác thì chắc chắn các nhà thơ trẻ sẽ làm nên những tác phẩm mới giàu tính khám phá cả về nội dung và hình thức.

Nhà văn Hà Đình Cẩn:
Thể hiện tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ với cái nhìn mới mẻ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đề tài lớn, nguồn cảm hứng của văn học nghệ thuật suốt 70 năm qua. Ngoài các loại hình ca, múa, nhạc, hội họa, thơ, văn học… ca ngợi, phản ánh về chiến dịch với nhiều tác phẩm đỉnh cao thì điện ảnh và sân khấu chưa có dịp thể hiện nhiều, chưa làm thỏa mãn kỳ vọng của xã hội.

Khi cuộc chiến tại lòng chảo Điện Biên diễn ra, chúng ta mới chỉ có một tổ quay phim của nhóm Nguyễn Tiến Lợi, chủ yếu dùng làm tư liệu cho các bộ phim tài liệu sau này. Hoạt động chính của điện ảnh bấy giờ để lại những thước phim vô giá, là nhóm quay phim Xô viết Roman Karmen, sau này chúng ta biết đến thành quả của họ qua phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Mãi đến ngày hòa bình thì mới có phim truyện về Điện Biên Phủ, trong đó có phim “Hoa ban đỏ” khá ấn tượng của Điện ảnh Quân đội.

Trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, văn học, nhạc, đặc biệt là thơ và ca khúc nở rộ với đề tài Điện Biên; hầu hết các tác giả có được sự thành công về đề tài Điện Biên vốn là người có mặt trong các đơn vị trực tiếp chiến đấu trong trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến chín năm, như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hồ Phương, Lương Ngọc Trác… Riêng về sân khấu thì sau này mới có, như vở chèo “Mối tình Điện Biên”, kịch nói “Bài ca Điện Biên” và một vài vở kịch chưa thành công lắm. Trong "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm" chỉ có các vở kịch ngắn, các hoạt cảnh của văn công Trung ương và văn công các đại đoàn vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa biểu diễn ngay trên trận địa, trong giao thông hào của bộ đội, như Đội văn công Đại đoàn 312 của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Là chiến dịch lịch sử vang danh địa cầu, Điện Biên Phủ cần có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn xứng với tầm vóc của chiến thắng. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật cần chờ đợi tài năng mới xuất hiện, chờ đợi các sự kiện của chiến tranh trở nên chín muồi, cô đọng, có tầm khái quát. Điều này cần thời gian, không thể tính ngày, tính tháng, tính năm, mà có khi phải trải qua quá trình ngưng tụ rất nhiều năm.

Điện Biên Phủ không bao giờ phai mờ trong tình cảm của nhân dân. Điện Biên Phủ là niềm tự hào của dân tộc, nên là một đề tài không bao giờ cũ, vẫn luôn là đề tài lớn ở phía trước với những người sáng tác. Vì thế, những tác phẩm về Điện Biên rung chuyển địa cầu sẽ tiếp tục ra đời hôm nay và ngày mai. Muốn thế, các nhà làm phim, làm kịch nên chọn lọc thông tin, thai nghén ý tưởng và chung tay thể hiện tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ với cái nhìn mới mẻ, phù hợp với thị hiếu đương đại. Tôi tin, nếu được đầu tư thỏa đáng và các văn nghệ sĩ làm việc với tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần chuyên nghiệp, không lâu nữa chúng ta sẽ có tác phẩm điện ảnh, sân khấu xứng với tầm vóc chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-tiep-tuc-tao-ra-nhung-tac-pham-xung-tam-665580.html