'Hòn ngọc' giữa biển trời Tổ quốc

Từ cửa biển Sa Kỳ ra đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ 15 hải lý, chưa đầy 30 cây số đường biển, trên con tàu cao tốc mà chúng tôi cứ tưởng như vượt hải trình nghìn dặm. Chỉ mong cho con tàu nhanh cập bến Lý Sơn, nên chúng tôi bị cảm giác đánh lừa như thế. Bởi vậy, đứng trên mũi tàu, khi nhìn thấy hòn đảo phía xa xa, lấp lánh như viên ngọc giữa trùng khơi, ai cũng reo lên mừng rỡ.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Sáng

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Sáng

Tàu vừa cập cảng, tôi và nhiều du khách thập phương trên con tàu Hòa Bình bị cuốn hút ngay bởi vẻ đẹp mê hồn của Lý Sơn.

- Lần đầu ra với Lý Sơn phải không? - Bàn tay ấm áp, nụ cười thân thiện của người sĩ quan Biên phòng làm tôi thêm dâng trào bao cảm xúc, thấy Lý Sơn vừa lạ, vừa thân quen lắm.

Anh là Thiếu tá Lâm Đình Hiếu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi ra đón chúng tôi ngay tại cầu cảng.

- Lý Sơn đẹp quá, anh ạ, chẳng khác nào bức tranh thủy mặc giữa biển trời Tổ quốc - Tôi trầm trồ.

- Anh chỉ nhìn khách du lịch cứ ùn ùn đổ xuống từ các chuyến tàu cao tốc thì biết. Vào những ngày cuối tuần còn đông hơn nhiều đấy - Chàng sĩ quan Biên phòng hào hứng giới thiệu.

Thiếu tá Lâm Đình Hiếu gắn bó với Lý Sơn gần chục năm nay, nên mỗi cung đường, mép biển, hoàn cảnh gia đình từng hộ trên đảo, anh thuộc đến nằm lòng. Đó là điều hiển nhiên ở mỗi người lính nơi đất thiêng chưa đầy 10km2 giữa biển trời mênh mông, tình cảm quân dân gắn bó sâu nặng, tạo sức mạnh bền vững cho đảo nhỏ.

Cùng người lính Biên phòng tham quan, khám phá hòn đảo, tôi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những ngọn núi nguyên sinh, những tảng đá lớn, những bãi san hô lung linh sắc màu. Nước biển ở đây trong xanh đến độ người ta có thể nhìn thấu tận đáy biển. Trước khi ra với Lý Sơn, tôi đã được nghe kể nơi đây hiện lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, khẳng định sự xuất hiện và cắm mốc chủ quyền của người Việt ở Lý Sơn cách đây hàng nghìn năm. Chủ quyền thiêng liêng ấy thấm đẫm mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của biết bao thế hệ trai tráng người Việt trong những chuyến đi Hoàng Sa mà bao người mãi mãi không trở về, linh khí thành hồn thiêng biển đảo.

Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, soạn năm 1776, có đoạn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến đảo ấy. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người ở xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản”. Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đời từ đó.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm đến Nhà lưu niệm Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nơi trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về cuộc sống, sinh hoạt của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, như: Xơ đay (dùng để sửa chữa khi tàu thuyền bị hỏng), lu đựng nước, thẻ tre, dây mây, chiếu cói… cùng hệ thống bản đồ, tài liệu lịch sử, tranh ảnh liên quan... Các châu bản triều Nguyễn được trưng bày tại đây khẳng định việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có lẽ, bất cứ ai khi đặt chân đến Lý Sơn cũng từng nghe về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và không thể không cảm nhận từ nơi đây sự đau đáu đến da diết về một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc-Hoàng Sa.

Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của Lý Sơn, cụ Nguyễn Văn Thọ, người tự nguyện trông coi đình làng An Hải trên đảo Lý Sơn cảm kích lắm. Cụ kể rằng, đình làng An Hải được xây dựng hơn 300 năm trước và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ra đời từ đó. Lễ thiêng được tổ chức vào ngày 8/2 âm lịch để tưởng nhớ các chiến sĩ trong Đội hùng binh Hoàng Sa và cầu mong cho những người ra biển được an toàn trở về. Qua hàng trăm năm tồn tại, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn ngày càng thiêng liêng và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của huyện đảo Lý Sơn đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hồng Sáng

Những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ, du lịch của huyện đảo Lý Sơn đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hồng Sáng

Mời tôi thưởng thức lộc đình là những cốc chè xanh thơm mát, cụ Thọ tiếp tục tái hiện lịch sử mà sinh động như người trong cuộc: “Ngày xưa, Đội hùng binh Hoàng Sa mỗi lần đi làm nhiệm vụ, phải bám trụ trên quần đảo mấy tháng trời để đo đạc, xây dựng các công trình trên các đảo, đánh bắt sản vật quý, thu nhặt hàng hóa, khí cụ trên những con tàu gặp nạn trôi dạt vào đảo, mang về nộp cho triều đình. Khi ra đi, ngoài lương thực, nước ngọt, củi đốt, mỗi người đều mang theo hai chiếc chiếu cói, 7 que tre, vài sợi dây mây. Một chiếc chiếu dùng để trải nằm, một chiếc để đắp khi đêm xuống cho đỡ lạnh. Lỡ có mệnh hệ gì thì chiếu, que tre và dây mây dùng để bó người xấu số”.

Nhìn ra xa xăm mặt biển sóng vỗ ầm ào, cụ Thọ nói như lời nguyền thế hệ: “Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng công cuộc chinh phục Hoàng Sa của các thế hệ không bao giờ ngừng nghỉ. Người dân Lý Sơn luôn ghi lòng, tạc dạ những người đã ngã xuống vì chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa, vẫn thành tâm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với tất cả lòng thành kính và biết vô hạn...”.

Lý Sơn không chỉ là hòn đảo của lịch sử, truyền thống, văn hóa, mà còn là hòn đảo giàu tiềm năng du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm du khách thập phương. Thật vui trong hành trình khám phá Lý Sơn, tôi được đồng hành cùng chị Phạm Thị Hương, nữ chủ tịch UBND đầu tiên của huyện đảo.

- Các anh chị leo lên ngọn Thới Lới trước mặt, sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Lý Sơn - Chủ tịch huyện đảo trong vai hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Quả đúng như lời chị Hương, đứng trên đỉnh núi Thới Lới nhìn về phía Bắc, biển trời trải ra mênh mông vô tận. Nhìn về phía Đông - Nam, làng mạc trù phú, lô xô mái ngói, mái tôn. Ấn tượng nhất là những cánh đồng trồng tỏi, trồng hành với đủ các mảng miếng sắc màu đậm nhạt, chẳng khác nào bức tranh sơn mài được phối màu một cách công phu. Phía xa xa, khu neo đậu tránh trú bão là chi chít các loại tàu, thuyền, như những quân cờ rải ra san sát trên mặt biển trong xanh. Đứng bên cột cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Thới Lới, trong tâm tưởng chúng tôi như vẫn thấy Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, luôn sẵn sàng ra khơi giữ biển đảo, dẫu có bão giông, sóng quật bởi thiên nhiên và lòng người.

Hình như tạo hóa cũng chiều lòng người mà địa hình Lý Sơn cao về phía Bắc và thấp về phía Nam. Núi Thới Lới và núi Giếng Tiên đột khởi, sừng sững như hai tiền đồn trấn giữ hai đầu Đông và Tây đảo. Dải đồi núi đá phía Bắc dựng thành vách trấn chặn những luồng gió Đông - Bắc dữ dằn khắc nghiệt, chở che cho cả dải đất phía Nam đảo, nơi người dân Lý Sơn yên ấm mưu sinh, tụ hội thành làng, thành phố.

Theo chị Hương, ngoài khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Lý Sơn còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách thập phương bởi các sản phẩm nông nghiệp có một không hai. Không có nơi đâu như hòn đảo này, những loài cây cho hương vị độc đáo nhờ được chăm bón bằng đất núi lửa và vụn san hô lấy lên từ đáy biển.

Nói về Lý Sơn, người ta nghĩ ngay đến “vương quốc hành tỏi”. Trò chuyện với bà con đang miệt mài làm việc trên cánh đồng ven biển, tôi biết được rằng, cái hương vị đặc biệt mà tỏi Lý Sơn có được chính bởi nhờ cát lấy từ biển. Mỗi mùa trồng tỏi, người dân trên đảo phải lấy cát biển rải đều trên mặt ruộng, sau đó đặt từng nhánh tỏi giống trong cát. Cây tỏi nhú mầm, lớn lên từ trong cát biển mặn mòi. Cùng nắng trời, gió biển, nước tưới và màu mỡ từ nền đất nham thạch, hành tỏi Lý Sơn cần mẫn hút những khoáng chất để làm nên cái vị cay, thơm, mà đặc hữu là “tỏi cô đơn”, “tỏi một tép”.

Vì chủ quyền thiêng liêng của dân tộc mà bao đời người dân Lý Sơn đã chung đúc lòng quả cảm trước bão tố. Tất cả những đường nét, sắc màu, tính cách ấy được bồi tụ hàng nghìn năm, tạo nên một Lý Sơn vững chãi như đá núi, hùng cứ mà kiêu sa, hồn hậu mà thiêng liêng giữa trùng khơi.

Với diện tích khiêm tốn, bình quân hơn 2.000 người trên một cây số vuông, mật độ dân số ở Lý Sơn chẳng kém gì các thành phố sầm uất trong đất liền. Vì vậy mà người Lý Sơn có thói quen tiết kiệm từng tấc đất, từng giọt nước ngọt. Quả thực, nhìn cái cách người dân trên đảo chăm bón, xoay vòng mảnh đất ít ỏi của mình, mới thấy hết sự chuyên cần, nhẫn nại, chắt chiu, chịu thương chịu khó của người dân trên đảo. Hết mùa tỏi lại trồng hành. Thu hoạch hành xong, không trồng tỏi, thì chuyển sang trồng ngô, lạc, đậu, đỗ. Mùa nào thức nấy, chẳng bao giờ họ cho đất nghỉ ngơi.

Có lẽ, sự khó khăn của cuộc sống làm người dân Lý Sơn càng đồng cam, cộng khổ, gắn bó máu thịt tình làng, nghĩa đảo. Cuộc mưu sinh giữa biển cả, nơi sự dối lừa, chao chát không có chỗ ẩn nấp, khiến tính cách họ trở nên phóng khoáng và chất phác. Tạm biệt Lý Sơn, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Thới Lới, tôi càng thấy điều đó hiện hữu xa gần mà mãi mãi với hòn đảo thân yêu.

Nguyễn Hồng Sáng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hon-ngoc-giua-bien-troi-to-quoc-post458268.html