Giá vàng đảo chiều tăng trở lại sau 3 phiên giảm sâu

Sau 3 phiên giảm khá sâu thì giá vàng hôm nay đã quay đầu tăng khi giá thế giới đảo chiều.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng giá giao dịch mỗi lượng vàng SJC với mức tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Theo đó, vàng miếng tại doanh nghiệp này đang được niêm yết mức 87,30 – 89,80 triệu đồng/lượng.

Tại DOJI, mức tăng đối với vàng SJC là 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, lên 87,30 – 88,80 triệu đồng/lượng.

Bảo Tín Minh Châu tăng 250 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, lên 87,35 – 89,40 triệu đồng/lượng;

PNJ tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 800 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, lên 87,30 – 89,60 triệu đồng/lượng; Phú Quý tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, lên 87,30 – 89,00 triệu đồng/lượng...

Giá vàng trong nước đảo chiều tăng trở lại

Giá vàng trong nước đảo chiều tăng trở lại

Tương tự, giá vàng nhẫn sáng nay cũng tăng khoảng 300 – 400 nghìn đồng/lượng so với phiên liền trước. Theo đó, nhẫn 9999 của SJC đang được niêm yết giá mua - bán tại 74,90 – 76,60 triệu đồng/lượng;

Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 75,35 – 76,85 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 75,38 – 76,73 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Phú Quý 75,35– 76,75 triệu đồng/lượng...

Trên thế giới, sau khi giảm do áp lực chốt lời, giá vàng phiên ngày 14/5 (đêm qua, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam) đã phục hồi trở lại và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng khi chuyển sang phiên châu Á.

Cụ thể, giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh 2.357 USD/ounce, tăng khoảng 18,5 USD/ounce trong phiên.

Giá vàng tăng sau dữ liệu lạm phát có phần hỗn hợp của Mỹ. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 của nền kinh tế lớn nhất thế giới được công bố vào sáng thứ Ba nóng hơn dự kiến, với mức tăng 0,5% so với tháng trước và so với kỳ vọng tăng 0,3%. Tỷ lệ PPI “cốt lõi” (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,5% trong tháng 4 so với kỳ vọng chỉ tăng 0,2%.

Dữ liệu này lẽ ra đã rơi thẳng vào phe diều hâu về chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, những người muốn thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn các đợt cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm mạnh đối với PPI tháng 3 lại làm giảm nhẹ mức tăng lớn hơn dự kiến của PPI tháng 4.

Cụ thể, chỉ số PPI tháng 3 chính thức đã được điều chỉnh giảm xuống âm 0,1% so với mức tăng 0,2% theo báo cáo ban đầu. Đây là lý do vàng không chịu áp lực bởi dữ liệu lạm phát, thay vào đó, đồng USD lại suy yếu, giúp kim loại quý đạt được mức tăng mới.

Hiện thị trường đang theo dõi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho tháng 4 của quốc gia này sẽ được công bố vào tối nay theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 14/5 đã phát biểu tại Amsterdam với một nhóm ngân hàng. Ông Powell cho biết lạm phát đã cao hơn trong thời gian dài hơn dự kiến của Fed và có vẻ như Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để tự tin rằng lạm phát sẽ giảm xuống 2%. Ông cho biết Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ hạn chế cho đến khi lạm phát giảm đến mức Fed hài lòng.

Bình luận của ông Powell không gây ngạc nhiên cho thị trường và thị trường không có nhiều phản ứng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-vang-dao-chieu-tang-tro-lai-sau-3-phien-giam-sau-post576418.antd