Đường lớn đã mở

Ngày ấy tôi về thị xã Ninh Bình, tỉnh lỵ đìu hiu, nhà cấp bốn là chủ yếu, lác đác nhà hai, ba tầng, lác đác vài cái ô tô chạy qua. Người ta bảo, Ninh Bình là thị xã bốn B (bụi, bẩn, buồn, bực).

Thế rồi những mùa xuân đi qua, phép lạ nào để Ninh Bình thành phố, Ninh Bình tỉnh hôm nay vươn mình trỗi dậy? Năm 2007 thị xã Ninh Bình trở thành thành phố, năm 2014 lên đô thị loại II. Và hôm nay, thành phố bên sông Vân, núi Thúy đã rõ dáng vóc của một đô thị hiện đại, giàu bản sắc văn hóa - thành phố của một tỉnh đồng bằng sông Hồng vạm vỡ, với nền kinh tế mở, nền văn hiến lâu đời.

Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người, nhớ về một thời chưa xa, bất giác, tôi ngước lên đỉnh núi Mã Yên, nơi an nghỉ của người Anh hùng lập quốc Đinh Tiên Hoàng (924-979). Hùng vĩ thay núi non trùng điệp. Dưới chân núi cờ lau khua rạo rực. Lại âm vang một thời trận mạc, với thế núi làm thành, thế sông làm hào, Cố đô đẹp như huyền thoại. Qua bao biến thiên lịch sử, mảnh đất thân yêu của chúng ta có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ ba, 1822, đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, với ý nghĩa vững chãi, bình yên, thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của người dân nơi đây. Trải qua các thời kỳ lịch sử, mảnh đất, con người Ninh Bình luôn có những đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay khi nhắc đến 200 năm danh xưng Ninh Bình, cũng là dịp thông báo một tin vui, năm 2023 ghi dấu mốc 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Làm sao để mở hướng làm giàu, làm đẹp cho quê hương? Giống như cách bà con nông dân Kim Sơn, Yên Khánh trò chuyện với chúng tôi: Thưa các bác, nông thôn mới, rồi nông thôn mới kiểu mẫu có nhiều tiêu chí lắm, chúng em chẳng nhớ hết. Nhưng mà cứ dặn nhau thế này, làm thế nào để người dân hài lòng với cuộc sống, làng quê trở thành vùng quê đáng sống là được. Cái mục tiêu, ý tưởng nào đấy mà rời rạc thì mình gom nó lại. Nhà nước không làm thay người dân, mà mỗi người dân phải lo làm ăn, sao cho mỗi thước đất sinh lời cao hơn, trồng được luống rau tốt, vườn quả ngọt, hay một đường hoa đẹp. Văn hóa làng hội tụ từ văn hóa trong mỗi nhà, rồi đến thôn xóm, cơ quan, trường học. Thế đấy. Đấy là cái mới của nông thôn mới. Mới trong diện mạo làng quê, trong nếp nghĩ, cách làm, trong những điệu múa, làn điệu chèo của các câu lạc bộ xóm, thôn. Điều này tôi ghi được từ câu chuyện của mấy đồng chí lãnh đạo xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh. Đúng là mọi chuyển động của đời sống vẫn phải bắt đầu từ mỗi nhà, mỗi làng xóm.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Esmo Vina (Cụm công nghiệp Gia Phú, huyện Gia Viễn).

Ninh Bình hôm nay đang mở như thế nào? Câu hỏi được đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cắt nghĩa thật giản dị: "Hướng mở rộng, tầm nhìn xa và có phân kỳ cụ thể. Nhưng nếu nói điểm nhấn thì với Ninh Bình, chúng tôi hướng đến mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Điều này được tỉnh định hình từ sớm và xây dựng một cách bài bản. Ninh Bình giờ không còn phụ thuộc vào khai thác khoáng sản mà phát triển bền vững với ngành công nghiệp chế tạo công nghệ cao, dịch vụ và du lịch chất lượng cao, góp phần "xanh hóa" nền kinh tế của tỉnh".

Ảnh lớn: Tràng An vào hội. Ảnh nhỏ: Một số hình ảnh tại Khu du lịch Tràng An và Tam Cốc - Bích Động.

Hướng mở trong nông nghiệp, du lịch có thể gói gọn ở phương châm này: Tăng sản lượng, coi trọng nâng cao giá trị sản xuất, mức thu nhập, đi sâu thâm canh, bớt dần quảng canh. Xưa vùng ven biển lấy cây lúa và cây cói làm hai cây chủ lực của nhà nông. Nay thì nuôi trồng thủy hải sản mới là đột phá, mới có triệu phú, tỷ phú nông dân được. Du lịch cũng thế. Để nàng công chúa đừng ngủ quên trong gấm vóc lụa là thì chỉ bằng cách đầu tư và đầu tư phù hợp. Cái được lớn nhất của phát triển du lịch là được lòng dân, được công ăn việc làm, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nâng tầm của Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới. Mấy năm nay, trừ hai năm dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh nhà thắng cả hai đầu, lượng khách tăng và chi tiêu trên đầu khách tăng. Chẳng hạn nếu trước đây mỗi du khách phải chi cho chuyến đi một triệu đồng thì nay tăng lên hai, rồi ba triệu đồng. Vẫn là cách tính toán của cha ông ta xưa thôi, "rau có non thì tiền mới đắt".

Ảnh lớn: Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn). Ảnh nhỏ: Hình ảnh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để chứng minh cho hướng mở, hướng đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Ninh Bình, xin dẫn mấy con số ấn tượng: Đến nay, toàn tỉnh đã có 5/7 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90%; 14/18 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. GRDP ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 18,1%; năm 2021 trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, GRDP ngành công nghiệp vẫn đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2020, chiếm 30,7% tổng GRDP toàn tỉnh; đóng góp hơn 50% tổng số thu ngân sách của tỉnh; năm 2022 duy trì đà tăng trưởng 7,2%. Một số dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào sản xuất, kinh doanh đóng góp lớn vào số thu ngân sách của tỉnh, có thể kể như: Tập đoàn ô tô Hyundai Thành Công, Nhà máy sản xuất, lắp ráp camera modul và linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất kính nổi chất lượng cao CFG. Mới chỉ cách đây hai tháng, ngày 15/11, Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV2) có tổng công suất thiết kế đạt 100 nghìn xe/năm được khánh thành, kết hợp với Nhà máy số 1 sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180 nghìn xe/năm.

Và điều mới nhất, vui nhất, năm 2022 là năm đầu tiên Ninh Bình đã tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương 9%. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 23.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán. Thật ít ai ngờ rằng, một tỉnh nghèo của đồng bằng sông Hồng cách đây 30 năm, nay là tỉnh có số thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đây có thể lạc quan nghĩ về một ngày nào đó Ninh Bình có thể đứng vào top 10-15 của cả nước, sau những cái tên như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Nuôi thủy sản vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.

Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay... Lời bài hát trong ca khúc "Hát về cây lúa hôm nay" của nhạc sĩ Hoàng Vân cứ ngân nga trong tôi trên đường về Kim Sơn vùng đất mở. Vùng đất ấy gần 200 năm trước đã được Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai mở. Kể từ đó, người dân nơi đây đã quai đê lấn biển nhiều lần. Hàng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80 đến 100 m. Vì thế mà cuộc đời các thế hệ người Kim Sơn gắn với lịch sử những cuộc chinh phục đất hoang bồi - quai đê lấn biển. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại vùng đất này. Đón chúng tôi nơi cửa biển là ba vị chủ tịch các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải. Mùa này sóng mạnh. Nước biển không xanh ngắt mà đục ngầu vỗ vào những trảng cát vi vút rừng phi lao. Đê Bình Minh 2-3 do Đoàn 500 Quân khu Ba xây dựng lừng lững vươn biển. Dự án lấn biển Bình Minh 2 không chỉ có ý nghĩa về quốc phòng mà còn góp phần mang lại cuộc đổi đời cho người dân vùng chân sóng. Lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển. Và bây giờ là tôm, cá, ngao, hàu lấn sú vẹt.

Chủ tịch UBND xã Kim Đông nhớ vanh vách từng con số: số hộ nuôi trồng thủy sản, diện tích, năng suất, giá cả. Anh cười vui: Xã chúng em trẻ lắm, mới thành lập từ 1997, chủ yếu là đất bồi. Từ năm 2005 về trước toàn trồng lúa và trồng cói, năm một vụ. Nay thì không còn cây lúa, cây cói. Xã tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích có hơn 652 ha thì có tới 431 ha nuôi trồng thủy sản. Ở đây các hộ nuôi chủ lực là cua rèm xanh, tôm thẻ chân trắng, hàu giống, ngao giống... Nuôi hàu giống vòng quay rất nhanh, một lứa vỏn vẹn trong một tháng là có thu hoạch. Vì thế, nếu có phải đi vay vốn cũng đỡ khoản "đẻ lãi". Một số hộ có vốn, dám làm dám chịu, mấy năm nay thu nhập vút tầm luôn. Bà con cứ ung dung cày ngày cày đêm, quần xắn suốt ngày, chả khác gì người nuôi tằm vùng ven sông. Bù lại, hộ làm ăn khá lãi ròng một năm thu tới hơn hai tỷ đồng. Số hộ thu từ 500 đến 700 triệu đồng/năm chiếm khoảng 40% số hộ. Tính chung toàn xã, giá trị trên một ha đất thu được 180 triệu đồng/năm.

Khi được hỏi, bây giờ an cư lạc nghiệp, dân giàu rồi thì sắp tới sẽ ra sao để bắt kịp "hướng mở" của huyện, của tỉnh. Anh Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung, anh Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Kim Hải cùng nói đại ý, phải quy hoạch vùng nuôi trồng cho bài bản. Tập trung nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hạn chế rủi ro, năng suất cao, con tôm, con cua thơm thịt, bán được giá. Rồi còn phải lo làm thương hiệu nữa. Không ai khác, người Kim Sơn phải tạo ra thương hiệu cho hải sản của mình, như kiểu người Quan Lạn-Quảng Ninh khoe món sá sùng, người ở đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng tự hào về sản phẩm bào ngư vậy.

Anh Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn, đại biểu Quốc hội khóa XV, từng làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, được luân chuyển về đây để góp sức vào sự sinh sôi ấy. Đúng là muốn sinh sôi, muốn mở hướng thì phải bắt đầu từ trí tuệ, từ tầm nhìn. Cha ông ta đã dặn "người lo bằng kho người làm" là ở cái nhẽ ấy. Tháng 6/2022, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Nghị quyết 11 về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2030, trong đó xác định xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh. Theo đó, mảnh đất mà Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trở thành khu kinh tế tổng hợp, trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới; từng bước phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Ninh Bình với các tỉnh ven biển và các khu vực kinh tế ven biển.

Cầu ngói Kim Sơn.

Tết Con Mèo dường như đến sớm hơn mọi năm. Tôi cứ tiếc mãi vì không có dịp trở lại làng hoa đào Chỉ Thiện, thuộc xã Xuân Chính, Kim Sơn. Vẫn lời anh bạn nhà văn, làng hoa ở đây có thể ví như Nhật Tân- Hà Nội. Bông đào to, sắc thắm, cánh dày và nhiều nụ lộc. Làng hoa có khoảng 5.000 gốc đào và 30 nghìn cây đào giống. Với bàn tay tài hoa, người dân xứ biển đang thổi hồn, tạo dáng cho các cây đào thế, đào ghép trên gốc. Chợt nhớ câu thơ tài hoa của Nguyễn Công Trứ: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông". Vâng, ở trong trời đất, thời nào cũng thế, cần lắm một cốt cách trượng phu, chính trực, như cái thế long thăng của cây đào kia.

Giữa Cố đô xưa bỗng nhớ về Thăng Long - Hà Nội. Nhớ một sớm mai trong buổi bình minh Đại Việt, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, "Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn" (Chiếu dời đô). Núi ấy sông này nghìn năm địa linh nhân kiệt. Thế hệ cháu con hôm nay tự hào cùng nhau "mưu nghiệp lớn" trên đất ông cha, viết nên những trang sử mới thời kết nối toàn cầu.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-duong-lon-da-mo/d20230113083647151.htm