Động lực nâng cao chất lượng

Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.

Ảnh minh họa ITN.

Đối tượng được ưu tiên là học sinh thuộc 149 trường THPT trong danh sách (gồm 83 trường THPT chuyên, năng khiếu và 66 trường THPT bổ sung).

Ngoài các trường thành viên ĐHQG TPHCM, thời gian qua còn có thêm nhiều trường đại học khác cũng quan tâm tới nhóm học sinh trường chuyên, THPT tốp đầu. Tùy trường và phương thức tuyển sinh mà mức độ ưu tiên (điểm cộng) dành cho đối tượng này khác nhau. Có trường còn xét tuyển đặc cách học sinh trường chuyên.

Việc các trường đại học săn đón và có nhiều chính sách ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT có thương hiệu là cách làm khá phổ biến, từ lâu ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Nhiều đại học hàng đầu của Mỹ, Anh… khi xét hồ sơ du học của thí sinh Việt Nam, nếu đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) hay Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) là một bảo chứng cho chất lượng.

Chất lượng học sinh trường chuyên/trường THPT tốp đầu được xem như bước sàng lọc trước giúp các trường đại học bớt đi một khâu khá nặng nề so với hình thức tuyển sinh truyền thống, hướng tới cách tuyển chọn có tính chất toàn diện hơn. Kết hợp yếu tố học sinh chuyên/THPT tốp đầu cùng tiêu chí khác, các trường đại học dễ dàng lựa chọn được những thí sinh phù hợp. Trong khi đó, các trường đại học không nằm trong tốp đầu tổ chức xét tuyển đặc cách đối tượng này, lại rộng cơ hội đón nhận thí sinh tài năng.

Tuy vậy, việc ngày càng có nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển học sinh trường chuyên/THPT tốp đầu khiến dư luận trăn trở việc liệu có tạo ra bất bình đẳng về cơ hội và thúc đẩy cuộc chạy đua vào trường chuyên, làm tăng xu hướng học lệch hay không. Một số người cũng bày tỏ lo ngại việc ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên/THPT tốp đầu, bởi có tình trạng “làm đẹp” học bạ ở trường phổ thông.

Thực tiễn ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên/THPT tốp đầu thời gian qua cho thấy tình hình không đến mức đáng quan ngại. Đến nay, các trường đại học ưu tiên học sinh trường chuyên/THPT tốp đầu là thực hiện ưu tiên xét tuyển (cùng với nhiều tiêu chí khác như điểm học bạ, thư giới thiệu, bài luận…), chứ không phải tuyển thẳng như áp dụng cho học sinh trường chuyên có thành tích quốc gia hay quốc tế, theo chính sách chung của Bộ GD&ĐT.

Chất lượng của hệ thống trường chuyên được khẳng định qua sàng lọc đầu vào và quy trình đào tạo. Với nhóm trường THPT bình thường đưa vào danh sách chọn, các trường đại học đều nghiên cứu kỹ về yếu tố chất lượng. Ở ĐHQG TPHCM, nhà trường xét trên nhiều tiêu chí như: Trúng tuyển nhiều vào đại học này giai đoạn 2018 - 2020; Trường THPT có số lượng thí sinh trúng tuyển, nhập học nhiều; Trường THPT có số lượng cựu học sinh đạt kết quả học tập cao khi học tại đây.

Trường ĐH Nha Trang mùa tuyển sinh 2021 chỉ lấy các trường THPT nằm trong top 50 có điểm thi tốt nghiệp cao nhất cả nước. Chỉ tiêu tuyển sinh với học sinh chuyên/THPT tốp đầu cũng ở mức hạn chế. Vì thế, chọn nhầm đối tượng là điều không thể hoàn toàn loại trừ, nhưng tỷ lệ không thể quá lớn, không ảnh hưởng quá nhiều đến sự bình đẳng trong tuyển sinh.

Cần thấy rõ, bên cạnh những lợi ích cho thí sinh và trường đại học khi cải cách tuyển sinh, việc ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên, đặc biệt là ở trường THPT tốp đầu còn tạo động lực thúc đẩy các trường phổ thông vươn lên khẳng định thương hiệu.

Phấn đấu giữ vững, lọt vào danh sách lựa chọn ưu tiên tuyển sinh của các trường đại học, nhất là trường tốp đầu trở thành niềm vinh dự lớn của trường phổ thông. Vì thế, các trường đại học cần rà soát, đánh giá nghiêm túc và cập nhật danh sách trường ưu tiên một cách khách quan theo chu kỳ phù hợp, để động viên các trường THPT nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-luc-nang-cao-chat-luong-post681895.html