Định hình tương lai y tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đó là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới phạm vi khu vực năm 2024 sẽ diễn ra tại Melbourne, Úc, từ ngày 22-24.4. Sự kiện do Đại học Monash (Úc) tổ chức đánh dấu cột mốc quan trọng khi quy tụ các bên liên quan đại diện cho các lĩnh vực y tế khác nhau trên toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới phạm vi khu vực diễn ra tại Úc, minh chứng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc định hình ngành y tế toàn cầu.

Với hơn 40 phiên họp và quy tụ hơn 150 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới, Hội nghị kéo dài ba ngày hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp bách và đưa ra các chiến lược nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe và giải quyết các bất bình đẳng trong khu vực.

Hội nghị toàn diện và quan trọng này bao gồm nhiều chủ đề liên quan đến bối cảnh y tế châu Á-Thái Bình Dương: thảo luận về sức khỏe của người dân bản địa, hướng tới công bằng về sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái, đẩy nhanh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bền vững và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe truyền thống… Mọi khía cạnh liên quan đến vấn đề sức khỏe trong khu vực đều được đưa ra thảo luận.

Các diễn giả nổi tiếng, bao gồm Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cựu Thủ tướng New Zealand, cựu Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Helen Clark, và các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ góp mặt tại sự kiện này. Những hiểu biết và kinh nghiệm của họ dự kiến sẽ tạo sự phong phú cho các cuộc thảo luận và mở đường cho các giải pháp sáng tạo giúp giải quyết các thách thức y tế trong khu vực.

Đồng Chủ tịch Hội nghị, Giáo sư Sophia Zoungas, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng và Y tế dự phòng (Đại học Monash) cho biết: “Vị thế của những người tham dự Hội nghị mang lại hy vọng thực sự rằng chúng ta sẽ có thể giải quyết một số vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe toàn cầu”.

Đồng Chủ tịch, Giáo sư Christina Mitchell, Trưởng khoa Y, Điều dưỡng & Khoa học sức khỏe (Đại học Monash), chia sẻ thêm: “Hội nghị cấp cao phạm vi khu vực diễn ra vào thời điểm then chốt – giữa tình hình xung đột địa chính trị nghiêm trọng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, những thách thức về công bằng y tế mà các cộng đồng bản địa trên toàn cầu phải đối mặt và lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe đang giảm dần, tất cả các vấn đề nghiêm trọng sẽ được giải quyết tại cuộc họp”.

Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới phạm vi khu vực diễn ra hàng năm tại các khu vực khác nhau trên thế giới, bên cạnh Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới thường niên tại Berlin và đưa các chủ đề khu vực lên hàng đầu. Mỗi Hội nghị khu vực được chủ trì bởi một thành viên Liên minh M8 - đơn vị giữ chức Chủ tịch Quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới luân phiên hàng năm.

Liên minh M8 gồm các Trung tâm Y tế học thuật, Đại học và Học viện quốc gia là nền tảng học thuật của Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới và là mạng lưới duy nhất bao gồm các trung tâm y tế học thuật, đại học và tổ chức nghiên cứu hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.

Đại học Monash là thành viên sáng lập của Liên minh M8. Với 86.000 sinh viên, 17.000 nhân viên và hơn 440.000 cựu sinh viên, đây là đại học lớn nhất nước Úc.

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dinh-hinh-tuong-lai-y-te-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-43434.html