Dịch vụ số lên ngôi

Khi mảng viễn thông truyền thống bão hòa, việc tham gia mạnh vào thị trường dịch vụ số để phát triển là hướng đi của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay. Tại Hà Nam, công cuộc chuyển đổi số được quan tâm đẩy mạnh đã và đang tạo thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông khai thác mảng dịch vụ số.

Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong những năm gần đây cho thấy, mặc dù doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống có sự sụt giảm nhưng VNPT Hà Nam, Viettel Hà Nam, Mobifone Hà Nam… vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nhiều năm liên tiếp. Có được kết quả đó là do các doanh nghiệp đã nắm bắt tốt thời cơ, cơ hội để tham gia mạnh vào thị trường chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, các doanh nghiệp, đồng thời phát triển dịch vụ số cho cá nhân. Đơn cử như tại VNPT Hà Nam, với mục tiêu, đến năm 2025, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ số chiếm khoảng 35% tổng doanh thu, những năm qua, VNPT Hà Nam đã đẩy mạnh triển khai chiến lược chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số và thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược VNPT4.0), từng bước hiện thực hóa mục tiêu chung của VNPT là đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam cho biết: VNPT nói chung, VNPT Hà Nam nói riêng đã sớm định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số, xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng tích hợp đô thị thông minh, nền tảng IoT… Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, nông nghiệp… Tại VNPT, doanh thu từ mảng dịch vụ số hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng 2 con số và đang tham gia sâu rộng vào việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Để tăng sức cạnh tranh mảng dịch vụ số, VNPT Hà Nam đang đẩy mạnh triển khai hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, hiện đại hóa hạ tầng điện toán đám mây, hình thành nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đồng thời phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital.

Nhân viên Trung tâm điều hành thông tin, VNPT Hà Nam trong giờ làm việc.

Trong số các giải pháp, dịch vụ số nổi bật được VNPT triển khai có thể kể đến là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT- eOffice và chữ ký số cho các cơ quan chính quyền các cấp; dịch vụ cấp chữ ký số cho người dân; hệ thống trục liên thông tích hợp và chia sẻ quốc gia (NGSP); xây dựng thành phố thông minh Smart City với giải pháp quan trọng là xây dựng trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC); xây dựng phòng họp không giấy VNPT-eCabine; giải pháp du lịch thông minh; hệ sinh thái VnEdu cho ngành giáo dục; phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT – His cho các cơ sở y tế…

Ngoài ra, VNPT Hà Nam còn triển khai hệ sinh thái các sản phẩm giúp doanh nghiệp thực hiện số hóa mọi giao dịch và chuyển đổi số hoạt động quản trị doanh nghiệp như dịch vụ ký số từ xa (VNPT SmartCA); dịch vụ hợp đồng điện tử (VNPT eContract); dịch vụ quản trị doanh nghiệp toàn diện (VNPT onBusiness); phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm (VNPT – Check); hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); dịch vụ thanh toán không tiền mặt (Mobile Money); kê khai bảo hiểm xã hội (VNPT BHXH); hệ sinh thái số chuyên biệt dành riêng cho nhóm khách hàng là hộ kinh doanh cá thể (VNPT HKD); hệ sinh thái thanh toán số qua ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ quốc tế (VNPT Pay)…

Cũng như VNPT Hà Nam, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về dịch vụ số, trong khi doanh thu đối với các dịch vụ viễn thông truyền thống giảm dần. Các doanh nghiệp đồng loạt thay đổi chiến lược, từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, chuyển trọng tâm vào chuyển đổi số. Như Viettel Hà Nam, doanh nghiệp có định hướng đầu tư triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, xây dựng hạ tầng kết nối IoT rộng khắp, tạo thuận lợi cho hoạt động truy cập mạng internet và các giao dịch mua – bán, thanh toán của người dân. Đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại và thông tin liên lạc dữ liệu có trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, bùng nổ điện thoại thông minh tới 100% người dân, dịch vụ internet kết nối vạn vật – IoT chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối trên địa bàn vào năm 2025, Viettel Hà Nam đang hướng tới cung cấp các dịch vụ số theo chiều rộng, chiều sâu như cung cấp dịch vụ truyền hình, dữ liệu đám mây, phân tích dữ liệu lớn, quảng cáo di động... trên nền tảng công nghệ 4G, 5G.

Ông Kiều Đạt Hùng, Phụ trách tổng hợp Viettel Hà Nam cho biết: Với việc phát triển mạnh mảng dịch vụ số, doanh thu bình quân trong những năm gần đây của Viettel Hà Nam đạt khoảng 550 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng mỗi năm. Trong đề án chuyển đổi số của Viettel Hà Nam, doanh nghiệp xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, tập trung làm tốt công tác truyền thông, hỗ trợ người dân hình thành thói quen “số hóa” trong các giao dịch. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với Viettel trong thời gian tới là duy trì và giữ vững vị trí số 1 về thị phần dịch vụ di động tại Hà Nam, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao thông qua mạng cáp quang FTTH tăng trưởng ổn định 2 con số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các ngành nghề kinh doanh mới, trước tiên là các sản phẩm giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số.

Có thể thấy, “thị trường” mới của các nhà mạng hiện nay là ở mảng dịch vụ số. Theo các nhà mạng, những dịch vụ số chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian tới là thanh toán di động, thương mại điện tử, internet kết nối vạn vật (IoT), quảng cáo số, nội dung số, giao dịch trên ứng dụng, truyền thông số, giáo dục số, y tế số... Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng mảng dịch vụ số được kỳ vọng là “miền đất mới, không gian mới” mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các nhà mạng và trước mắt, mảng dịch vụ này đang là trụ đỡ giúp nhà mạng chống chọi với sự sụt giảm của mảng viễn thông truyền thống.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/dich-vu-so-len-ngoi-122083.html