Đem hương vị Tết Nguyên đán Việt Nam đến nước bạn Lào

Khác với mọi năm đón Tết Nguyên đán bên gia đình thân yêu, năm nay tôi đã lựa chọn theo chân người bạn thân của mình đến đất nước Lào đón chào mùa xuân mới. Chuyến đi đã để lại cho tôi vô vàn cảm xúc, kỷ niệm và những bài học mới.

Lần đầu đón Tết tại đất nước triệu voi

Người bạn mà tôi nhắc đến là chị Phít Sạ Mảy (28 tuổi), hiện là du học sinh Lào năm thứ 4 tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Việt Nam). Tôi và chị có duyên gặp gỡ nhau khi cả hai cùng thực tập tại Báo Quân đội nhân dân (Việt Nam). Trong quá trình thực tập, qua những lần trao đổi về công việc, học tập chúng tôi đã dần trở nên thân thiết từ lúc nào không hay.

Vào ngày 23 Tết (âm lịch) vừa qua, với mong muốn được học hỏi, hiểu biết thêm nhiều nền văn hóa mới, tôi đã theo chân chị Phít Sạ Mảy lên chuyến xe khách từ bến xe ở Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) tới bến xe ở tỉnh Savanakhet (Lào) để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại nước bạn Lào. Chuyến đi của chúng tôi có quãng đường dài khoảng 900km, tính cả thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh mất khoảng 24 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Đặt chân tới nhà của chị Phít Sạ Mảy cũng là lúc trời chập tối, gia đình của chị đã chuẩn bị sẵn nhiều món ăn ngon chờ chúng tôi về nhà. Biết tôi là người Việt Nam sang thăm gia đình và đón Tết Nguyên đán tại Lào, mọi người đón tiếp tôi rất nhiệt tình, chu đáo, coi tôi như con cháu trong nhà. Đặc biệt, tất cả mọi người đều luôn nhắc về tình hữu nghị Việt - Lào anh em, một mối quan hệ vô cùng đặc biệt, khăng khít, mãi mãi không bao giờ phai.

Mâm cỗ Tết Việt Nam trên nước bạn Lào.

Để hương vị Tết Nguyên đán của Việt Nam được người dân Lào biết đến nhiều hơn, tôi đã tự tay đi chợ mua các nguyên liệu về làm bánh chưng, làm nem,… và các loại gia vị để tạo ra một mâm cỗ Tết Nguyên đán Việt Nam ngay trên đất nước bạn Lào. Thấy tôi gói bánh chưng và làm nem mọi người vô cùng thích thú, ngỏ ý muốn tôi hướng dẫn làm cùng.

Bà Khay Khăm Mùng Khun, 66 tuổi, tại tỉnh Savanakhet (Lào) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được ăn các món ăn trong mâm cỗ Tết của người Việt, tôi vô cùng ấn tượng với món bánh chưng và món nem, 2 món được tạo ra khá kỳ công, đổi lại ăn rất ngon miệng. Tôi rất muốn học cách làm hai món ăn này để cho bạn bè, người thân cùng thưởng thức vị ngon của chúng”. Trong quá trình dạy mọi người làm các món ăn của Việt Nam, tôi nhớ mãi câu nói của bà: “Bà muốn học làm, để dù cháu trở về Việt Nam, khi bà và mọi người muốn thưởng thức hương vị các món ăn này, có thể tự biết cách làm”.

Những điều mới mẻ

Vào ngày 28 Tết (âm lịch) gia đình của chị Phít Sạ Mảy làm lễ cho người đã khuất, vào ngày này, tất cả người thân, họ hàng, hàng xóm đều quây quần tới nhà của gia chủ làm lễ. Trước đó, mọi người cùng nhau làm bánh chưng, làm tháp hoa, các món ăn,… để chuẩn bị cho ngày lễ. Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong ngày lễ đó chính là buộc chỉ cổ tay, những sợi chỉ tượng trưng cho những lời chúc may mắn, bình an, hạnh phúc,… của người dân nơi đây dành cho người được buộc.

Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức hương vị và biết cách tạo ra một chiếc bánh chưng của người Lào như thế nào. Nguyên liệu làm bánh chưng tại đất nước triệu voi gồm có: Gạo nếp, đỗ đen, chuối chín, muối và đường. Tất cả các nguyên liệu được gói trong lá chuối tươi, buộc chặt bằng lạt và luộc trong khoảng 5 giờ đồng hồ. Những tháp hoa để dâng lễ tại Lào được làm rất đẹp, tuy chỉ từ 2 nguyên liệu chính là lá chuối và hoa, nhưng để tạo ra rất cầu kỳ, đòi hỏi người làm phải thật sự tỉ mỉ, khéo tay.

Chị Phít Sạ Mảy được sinh ra tại tỉnh Savanakhet và trưởng thành, học tập, làm việc tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Sau những ngày tham quan, tìm hiểu về tỉnh Savanakhet, vào ngày mồng 2 Tết, chúng tôi đã lên chuyến xe khách tới thủ đô Viêng Chăn, cách tỉnh Savanakhet khoảng 500km để tìm hiểu nhiều điều thú vị mới.

Trong những ngày ở thủ đô Viêng Chăn tôi được chị Phít Sạ Mảy dẫn đi tham quan các công trình đặc biệt như: Khải Hoàn Môn Patuxay Gate, chùa That Luang,công viên tượng Phật… Bên cạnh đó còn có Nhà Quốc hội Lào, công trình là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt - Lào.

Các công trình nổi bật tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào).

Đạo Phật được xem là quốc giáo ở đất nước Lào. Hiện nay, quốc gia Lào có khoảng 1.400 ngôi chùa trên cả nước, bởi vậy khi tới Lào tôi không thể bỏ lỡ tham quan những ngôi chùa tại nơi đây. Ngôi chùa ở Lào thường được xây dựng trên khu đất trung tâm, cổng chính hướng về phía Tây và các cổng phụ ở ba phía còn lại. Quần thể chùa thường có 3 ngôi nhà chính là: Phật điện, Phật đường và Tăng phòng. Phật điện là nơi quan trọng nhất, dành riêng cho sư tăng thực hiện các nghi thức Phật giáo. Phật đường là nơi sinh hoạt chung của sư tăng và là nơi để các tín đồ đến hành lễ. Tăng phòng là nơi ở của các sư. Trong chùa cũng có một số công trình phụ trợ như thư viện, lầu trống, nhà khách… Ngoài ra, trong quần thể chùa Lào còn có hệ thống tháp gồm 2 loại: Tháp thờ xá lợi Phật hoặc liên quan đến Phật và tháp đựng xương cốt người đã khuất.

Tác giả tham quan một số ngôi chùa tại Lào.

“Được giao lưu, kết bạn và dẫn người Việt Nam đi tham quan, tìm hiểu về đất nước Lào, mình cảm thấy vô cùng vui mừng và tự hào khi được giới thiệu tới người bạn đất nước anh em về những công trình nổi bật, những nét văn hóa riêng của đất nước mình. Mình hy vọng sẽ có thêm nhiều người bạn Việt Nam hơn nữa, mình rất yêu tính cách của người dân trên dải đất hình chữ S”, chị Phít Sạ Mảy tâm sự.

Với tôi, đất nước Lào đem đến một cảm giác yên bình với những cảnh đẹp thơ mộng và những con người bình dị, hiền hòa, mến khách. Chia tay đất nước Lào vào chiều ngày mồng 7 Tết (âm lịch), trên chuyến xe khách từ thủ đô Viêng Chăn về Thủ đô Hà Nội trong đầu tôi cứ vang mãi giai điệu bài hát Tình Việt - Lào của tác giả Hồ Hữu Thới: “Em ở bên Tây, anh ở bên Đông/ Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng/ Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng/ Chung bước đi lên xây đắp mối tình / Tình Việt Lào anh em, tình Việt Lào anh em/ Mãi mãi không bao giờ phai”.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/dem-huong-vi-tet-nguyen-dan-viet-nam-den-nuoc-ban-lao-766038