Đề xuất tăng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định … lên từ 2-3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay.

Bệnh mạn tính bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường viêm khớp, hen suyễn... là bệnh tiến triển kéo dài, thời gian bị bệnh từ 3 tháng trở lên và không chữa khỏi. Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định … lên từ 2-3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay.

Thông tư số 52/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hàng tháng để nhận thuốc kê đơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các bệnh viện đa khoa đều có rất đông bệnh nhân bị bệnh mạn tính đến khám và lĩnh thuốc theo định kỳ. Việc tái khám và lĩnh thuốc với người bệnh ở các thành phố lớn còn đỡ cơ cực nhưng với các bệnh nhân ở tỉnh lẻ, điều này không dễ dàng.

Trước thực tế nêu trên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét thay đổi quy định về kê đơn thuốc đối với bệnh mạn tính.

Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân HIV đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên, sức khỏe ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến y tế cơ sở, thì cơ sở y tế cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, đề xuất nêu trên dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có sự tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kê đơn thuốc thời gian 60 ngày.

"Việc này không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà sẽ góp phần giảm quá tải ở bệnh viện, giảm chi phí cho cả bệnh nhân và Quỹ bảo hiểm y tế", ông Hòa nói.

Phân tích thêm về điều này theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ở nước ta, thời gian trước, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày đã được kê đơn với số lượng thuốc sử dụng tối thiểu 2 tháng, tối đa 3 tháng.

Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, khiến người bệnh phải đi khám lại trước lịch hẹn và phải thay đổi thuốc điều trị thì cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân hoàn trả thuốc đã cấp chưa sử dụng hết.

Quy định tạm thời này giúp người bệnh hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19, không ảnh hưởng đến liệu trình điều trị bệnh mạn tính nên đã mang đến sự hài lòng cho nhiều bệnh nhân cũng như cơ sở y tế.

Trước đề xuất nêu trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Ngọc Thành đánh giá, mọi quy định đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người bệnh.

Với một số bệnh mạn tính phổ biến như đái tháo đường, huyết áp cao…, hiện có nhiều công cụ, phương tiện để bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh ngay tại nhà.

Do đó, việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Còn theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, thuốc kê đơn cho các bệnh mạn tính đang dùng tốt, sức khỏe bệnh nhân ổn định, thì họ không cần khám hằng tháng. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khá đông, mà không ít người đi khám là vì do quy định, không phải do tình trạng bệnh tật, là sự lãng phí về nhiều mặt.

Ở góc nhìn khác, một số bác sĩ lại cho rằng, thời gian cấp thuốc cho bệnh nhân 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày nên để bác sĩ có quyền quyết định đối với từng cá thể người bệnh, không nên đưa thành quy định. Bởi nếu đã đưa thành quy định sẽ dẫn đến tình trạng người bệnh không tuân thủ điều trị, dễ tăng nguy cơ bị biến chứng.

Theo đó, với những người bệnh có biến chứng nặng, có nhiều bệnh lý nền kèm theo thì việc tái khám 60 ngày khá là dài để bác sĩ có thể quản lý đươc bệnh hoặc phòng tránh những bệnh lý cấp tính. Ví dụ đối với những bệnh nhân đái tháo đường đường, nếu quản lý đường huyết tốt thì phòng ngừa, kéo dài thời gian bị biến chứng về sau này.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng có ít bệnh lý nền, giai đoạn bệnh nhẹ, ít có biến chứng, tuân thủ điều trị tốt, tái khám thì dung nạp thuốc tốt và không có tác dụng phụ của thuốc.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-tang-thoi-gian-ke-don-thuoc-dieu-tri-cac-benh-man-tinh-d214530.html