ĐBQH ĐIỂU HUỲNH SANG: CẦN HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG THEO HƯỚNG LƯỠNG DỤNG, HIỆN ĐẠI

Góp ý vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Phước cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, đồng thời hoàn thiện các quy định cụ thể về các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành... trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Việc huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học, công nghệ tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp là những trọng tâm trong xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp lần này. Trao đổi với đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước góp ý cụ thể vấn đề này.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân?

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang: Tôi đánh giá rằng, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp với đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của công an và phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cẩu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học, công nghệ tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Qua đây tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, hoàn thiện các nội dung dự thảo, phải bám sát vào nội hàm các chính sách đã xây dựng được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, phân tích rõ các nội dung giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định chung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các quy định riêng, đặc thù và mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp. Quy định cụ thể trong dự thảo luật về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng, sản phẩm lưỡng dụng sử dụng cho cả quốc phòng, an ninh và dân sinh. Xây dựng và hoàn thiện hơn các quy định về chính sách đặc thù, thu hút sự tham gia của các ngành công nghiệp dân sinh vào hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh, các chính sách liên doanh, liên kết để làm cơ sở định hướng hình thành các tập đoàn, tổng công ty, tổ hợp công nghiệp quốc phòng, an ninh, giữ vị trí mũi nhọn về công nghiệp, quốc phòng và an ninh trên thực tế.

Phóng viên: Việc nghiên cứu, hoàn thiện quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí và những chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng và an ninh, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội là một trong vấn đề trọng tâm trong xây dựng Luật lần này. Đại biểu quan tâm đến chính sách ưu đãi, đặc thù nào nhất?

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang: Theo tôi, việc mở rộng đối tượng phạm vi và hoàn thiện quy định về động viên công nghiệp phải tiến hành ngay trong thời bình nhằm huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội. Huy động mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại và đồng thời hoàn thiện các quy định cụ thể về các chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học, đầu ngành, tổng công trình sư trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Ban soạn thảo cũng phải tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hơn các quy định về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, quy định đặc thù về việc sử dụng quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tiếp tục bổ sung làm rõ hơn các nguyên tắc về ưu đãi miễn giảm thuế để làm cơ sở cho pháp luật về thuế cũng cần phải quy định cụ thể.

Trong dự thảo luật có quy định về nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh do ngân sách nhà nước. Trong điều kiện ngân sách nước ta còn rất nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn hợp pháp khác từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là cơ bản phù hợp. Đây là một vấn đề khá mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng phải rà soát, chỉnh lý và quy định cụ thể hơn các quy định về nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh để bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, làm rõ quy định về nguồn vốn hợp pháp khác mà theo đó, nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được hình thành từ ngân sách Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước và các khoản cho phép để lại, quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, rà soát các quy định của dự thảo luật với các luật đã ban hành như là Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về chế độ chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp còn quy định khá là tản mát và thiếu tính khái quát. Các quy định này có liên quan đến các luật như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia. Tôi thống nhất chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, tôi đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện quy định về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư. Đồng thời, nghiên cứu quy định cụ thể, minh bạch về chế độ, chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để bảo đảm thống nhất với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, đồng thời cũng bảo đảm được tính khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82657