Đấu tranh chống lại luận điệu mưu toan phủ nhận giá trị của Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 là mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng đâu đó vẫn âm ỉ những luận điệu hằn học về một ''ngày quốc hận''.

Chiến tranh đã lùi xa ngót nửa thế kỷ - ngày 30/4/1975. Đó là ngày mà đất nước sạch bóng quân xâm lược, hòa bình được lập lại trên lãnh thổ Việt Nam; đó là ngày đoàn tụ mà Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong mỏi: “Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Chiến thắng 30/4 còn là ngày hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù để mỗi người Việt Nam cùng hướng về mục tiêu chung: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những kẻ lạc lõng không chịu chấp nhận thực tế lịch sử, âm ỉ những luận điệu hằn học về cái gọi là “ngày quốc hận”, “tháng 4 đen tối” và những đề xuất kiểu: “từ nay trở đi không gọi là “Ngày Giải phóng miền Nam” nữa mà là “Ngày Hòa Bình - Day of Peace”.

Mục tiêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn hướng đến hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam tung bay trong gió, luôn là hình ảnh đẹp, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Một trong những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là chúng thường xuyên đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng để làm mờ đi những thành tích, chiến công vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong các giai đoạn cách mạng. Đây là những âm mưu, thủ đoạn không mới nhưng hết sức nguy hiểm, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ của các trang mạng xã hội, sự lan tỏa tức thì của mạng Internet. Chính vì vậy, nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái liên quan đến vấn đề lịch sử là hết sức cần thiết, vừa góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa góp phần khẳng định giá trị, sự thật những sự kiện lịch sử của dân tộc.

Cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta đã trải qua rất nhiều gian khổ, hy sinh để đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Chiến thắng ngày 30/4/1975 đã đánh dấu sự thất bại của 5 đời Tổng thống Mỹ (Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Nichxơn, Pho) điều hành 3 kế hoạch chiến lược thực dân mới và chiến tranh xâm lược của Mỹ (“Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”). Thắng lợi ngày 30/4/1975 đã làm cho hai miền Bắc Nam sum họp một nhà và ngày toàn thắng “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 30/4/1975 đã chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai. Trên cơ sở đó, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; đã hoàn thành được mong muốn cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Với những ý nghĩa to lớn đó, ngày 30/4/1975 mãi mãi được mỗi người Việt Nam nhớ đến là ngày thống nhất đất nước.

Nhưng với dã tâm bôi đen, xuyên tạc, hạ thấp giá trị Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, trong nhiều năm qua, một số luận điệu lòe bịp vẫn rêu rao rằng: “Sau chiến tranh Đông Dương một nửa đất Việt bị rơi vào tay cộng sản. Chiến tranh tại miền Nam chấm dứt ngày 30/4/1975 và từ đó miền Nam bị cộng sản Việt Nam chiếm đóng”; “Đây chỉ là sự kết thúc một giai đoạn của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc - Cộng tại Việt Nam” và cuộc chiến này vẫn đang tiếp tục “vì cuộc chiến ấy vẫn chưa phân thắng bại”. Rõ ràng những luận điệu này chỉ là chiêu bài “tâm lý chiến”, chỉ là sự níu kéo vô nghĩa của những kẻ cố tình sống trong bóng đêm thù hận mà thôi!

Cần phải nói rõ rằng, suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn hòa hiếu, "lấy chí nhân thay cường bạo" nhưng không bao giờ yếu hèn, chấp nhận làm nô lệ. Vì vậy, việc đứng lên chiến đấu, bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Còn bản chất của cuộc chiến tranh mà bè lũ xâm lược kia tiến hành rõ ràng là cuộc chiến tranh phi nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ta chỉ giữ gìn non sông, đất nước ta. Chỉ chiến đấu cho quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Còn thực dân phản động thì mong ăn cướp nước ta, mong bắt dân ta làm nô lệ. Vậy ta là chính, địch là tà”. Đấy là bản chất của cuộc chiến tranh! Còn không tồn tại cái gọi là “cuộc chiến ý thức hệ” như bọn người thù địch lưu vong đang cổ súy.

Nêu ra luận điệu này, rõ ràng các thế lực thù địch lưu vong muốn làm sai lệch bản chất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, muốn nhân cơ hội này suy diễn cuộc “chiến tranh ý thức hệ” vẫn còn tồn tại và chưa đi đến hồi kết để phá hoại mong muốn hòa bình, sum họp, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai phồn vinh của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Cùng với âm mưu trên, trong thời gian gần đây, những thế lực thù địch, lưu vong đề xuất một phương án nghe rất kêu nhưng thực chất lại vô cùng xảo quyệt, đó là luận điệu: Từ nay trở đi không gọi ngày 30/4 hằng năm là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nữa mà nên gọi là “Ngày Hòa Bình - Day of Peace”. Đó thực chất là sự đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm để hòng nhập nhằng giữa chính nghĩa và phi nghĩa.

Nói rõ hơn nữa, quá thấu hiểu nỗi đau chia cắt, mất mát do khói lửa chiến tranh tàn bạo nên dân tộc Việt Nam luôn thiết tha yêu chuộng hòa bình, luôn muốn giơ tay làm bạn với các dân tộc khác. Hai chữ hòa bình cũng là nguyện vọng thiết tha của hơn 100 triệu người dân Việt Nam cũng như kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới. Không bao giờ trong tâm khảm mỗi người Việt Nam yêu nước quên được ngày non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà, không bao giờ mỗi người Việt Nam yêu nước quên ngày phải đánh đổi biết bao xương máu để có được!

Còn nếu những kẻ nào đó muốn xóa bỏ hận thù, quên đi “ngày quốc hận”, “tháng 4 đen” do chính họ tưởng tượng ra thì nên thành tâm tôn trọng sự thật, gác lại quá khứ để cùng nhau xây đắp cho tương lai của dân tộc.

Ngày 30/4/1975, khi xe tăng của bộ đội ta húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ tổng thống Ngụy báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Với mỗi người Việt Nam, đây mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc

Ngày 30/4/1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng đó được làm nên bởi tầm vóc lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; truyền thống yêu nước, kiên cường, đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử; sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn tiến bộ toàn thế giới.

Cũng như bao con dân Việt Nam khác, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định: Ngày 30/4/1975 mãi mãi là ngày vui toàn thắng, ngày thống nhất hoàn toàn đất nước!

Thời gian càng lùi xa, càng cho thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của những sự kiện trọng đại như Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quốc khánh 2/9/1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Cho dù có dùng bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào đi chăng nữa, các thế lực cơ hội, thù địch cũng không thể xuyên tạc được vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam trong thực hiện khát vọng thống nhất đất nước.

Đất nước ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, với thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là nền tảng tư tưởng và cơ sở lý luận để xây dựng phương hướng, biện pháp nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ngày càng hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tranh-chong-lai-luan-dieu-phu-nhan-gia-tri-cua-ngay-giai-phong-mien-nam-3041975-317488.html