Đào đường, phát hiện ra ngôi mộ cổ 6.000 năm chứa đầy vàng

Trong lúc xây dựng con đường mới nối thành phố với đường cao tốc, các nhà khảo cổ Romania đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ 6.000 năm chứa đầy vàng.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một ngôi mộ thời tiền sử chứa 169 chiếc nhẫn vàng gần xã Biharia ở hạt Bihor, Crișana, Romania.

Phát hiện này được thực hiện trong quá trình xây dựng con đường mới nối thành phố Oradea với đường cao tốc A3. Các cuộc khai quật được tiến hành bởi một nhóm đa quốc gia đại diện cho các tổ chức từ Romania và Hungary, tiết lộ ba địa điểm từ Thời kỳ đồ đá mới, hai địa điểm từ giữa đến cuối Thời đại đồ đồng, hai địa điểm từ Thời kỳ La Mã và hai địa điểm từ thời Trung Cổ.

Số kho báu được tìm thấy trong mộ cổ của vị nữ chúa bí ẩn

Trong thông cáo báo chí do Bảo tàng Tarii Crisurilor công bố, các nhà khảo cổ khai quật gần Biharia đã tìm thấy mộ của một người phụ nữ thuộc nền văn hóa Tiszapolgár.

Văn hóa Tiszapolgár (4500–4000 TCN), là một nền văn hóa khảo cổ thời đồ đá mới ở Đồng bằng Hungary lớn, Banat, Crișana và Transylvania, Đông Slovakia, và tỉnh Zakarpattia của Ukraina ở Trung Âu.

Tiến sĩ Călin Ghemiş từ Bảo tàng Tarii Crisurilor, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, mô tả cách người phụ nữ được chôn cất cùng 169 chiếc nhẫn vàng trang trí trên tóc, cùng với một chiếc vòng tay bằng đồng nhiều hình xoắn ốc, hai hạt vàng và khoảng 800 hạt làm từ xương.

Dựa trên nghiên cứu ban đầu về răng và vóc dáng của người đã khuất, người ta tin rằng nơi chôn cất là của một phụ nữ có địa vị cao. Điều này càng được hỗ trợ bởi việc thiếu vũ khí thường gắn liền với việc chôn cất nam giới từ nền văn hóa Tiszapolgár.

Các mẫu vật đã được gửi đến các phòng thí nghiệm ở Romania và Hà Lan để xác định niên đại chính xác hơn thông qua phân tích carbon-14, bên cạnh việc lấy mẫu DNA và các nghiên cứu nhân học sâu hơn.

Trong các cuộc khai quật rộng hơn của dự án, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của hai ngôi nhà gần thị trấn Sântandrei chứa đồ gốm từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một khu định cư của người Sarmatian từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 4 cũng gần Biharia, và một bộ xương phụ nữ được chôn cùng với một số đồ trang sức từ nghĩa địa của khu định cư.

Hải Vân (Theo Heritage Daily)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dao-duong-phat-hien-ra-ngoi-mo-co-6000-nam-chua-day-vang-a658850.html