Chuyện sử sách: Trời tròn, đất vuông

Người Hán quan niệm, vua là thiên tử, sợi dây liên kết giữa Trời và Đất. Nếu thiên tử là minh quân, Trời sẽ ban thiên thời và ngược lại,...

Các dụng cụ thiên văn sơ khai, dụng cụ chính giữa là Hỗn thiên cầu. Ảnh: Atlasobscura.com

Nếu thiên tử là hôn quân thì giáng tai họa. Để biết trước mệnh trời, người Hán chiêm tinh và để chiêm tinh, họ nỗ lực sáng tạo nguyên lý, phương pháp, công cụ… thiên văn.

Điềm báo và chiêm tinh

Người nhấn mạnh vai trò thiên tử với các hoàng đế Trung Hoa là Đổng Trọng Thư (175 - 105 TCN), nhà Nho đề cao tín ngưỡng thờ thiên, đặt thờ thiên lên trên thờ ngũ hành.

Trong thời gian làm đại học sĩ, người cố vấn cho Hán Vũ Đế (156 - 87 TCN), nhà vua ấn định ngày 1/1 âm lịch là Tết Nguyên đán, ông đã phân tích rằng thiên tử chính là sợi dây liên kết giữa Trời và Đất. Nếu thiên tử cai trị tốt, Trời sẽ ban mưa thuận gió hòa, khiến ngai vị vững vàng và muôn dân sung túc. Nếu thiên tử cai trị không tốt, Trời sẽ giáng thiên tai, khiến ngai vị chao đảo và muôn dân khốn khổ.

Cũng theo Đổng Trọng Thư, trước khi giáng thiên tai, Trời cảnh báo bằng các dấu hiệu và gọi các dấu hiệu này là điềm báo. Nếu phát hiện sớm các điềm báo này, thiên tử có thể tránh được thiên phạt.

Điềm báo từ Trời xuất hiện trên bầu trời, trong vị trí, thứ tự… của các vì sao, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Trong vai trò thiên tử, các hoàng đế Trung Quốc tin rằng Trời - thiên phụ của họ luôn quan sát, theo dõi họ từ trên cao, đưa ra các thông điệp chỉ dẫn cũng như lời cảnh báo.

Người đầu tiên thống nhất Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng (259 - 210 TCN). Trước năm 221 TCN, thời điểm Tần Thủy Hoàng chấm dứt Chiến quốc (bắt đầu từ thế kỷ V TCN), Trung Quốc là mảnh đất hỗn loạn và đầy đau khổ. Tuy nhiên, cũng chính trong thời kỳ này, các tư tưởng Nho giáo và Đạo giáo đã hình hài và đạt đến độ chín muồi. Nhờ chúng mà sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ (256 - 195 TCN) đã nhanh chóng khống chế được nguy cơ đất nước bị chia năm xẻ bảy, lập ra triều Hán (202 TCN - 220 SCN).

Hán Vũ Đế là chắt của Hán Cao Tổ. Ông lên ngôi từ năm 16 tuổi và lập tức bày tỏ sự quan tâm đến thiên văn, lịch, đời sống văn hóa. Một trong những mối bận tâm lớn nhất của Hán Vũ Đế là thời gian tổ chức Tết Nguyên đán. Nó rơi vào ngày 1/11 âm lịch, khi tiết trời vẫn đang trong mùa Đông. Sau nhiều đắn đo, suy tính, ông quyết định dời nó sang ngày 1/1 và ban chiếu chỉ cho toàn dân thực hiện theo.

Cùng với Tết Nguyên đán, Hán Vũ Đế còn cực kỳ xem trọng Nho giáo và thiên văn. Ông đánh giá cao kiến nghị “bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học” của Đổng Trọng Thư và đặc biệt quan tâm chiêm tinh đoán mệnh trời.

Kinh Thư, sách của Khổng Tử (551 - 479 TCN), ông tổ Nho giáo kể rằng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Vua Nghiêu. Ông cai trị vào năm 2300 TCN và đã cử 4 người đi 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để xác định vị trí các cực và thiết lập lịch. Trong tín ngưỡng thờ thiên của người Hán, việc tính toán chính xác thời điểm để thực hiện các nghi lễ là vô cùng quan trọng, bởi vì nếu xác định sai sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Ví dụ như vào năm 175 SCN, theo tấu chương từ các quan lại, sai lịch đã khiến “tà ác nổi lên, muôn dân hóa trộm cắp và cướp giật xảy ra khắp các ngả”. Họ kiến nghị hoàng đế “trừng phạt các nhà thiên văn thật nặng”, vì sự sai lầm của họ đã khiến Trời nổi giận, giáng tai họa xuống nhân gian.

Người Hán dựa vào chu kỳ của Mặt trăng để tính ngày, tháng và các hoàng đế không cho phép có bất cứ sự sai sót nào, đặc biệt là sai sót trong việc đoán trước thời điểm nhật thực, nguyệt thực. Họ tin tưởng, sự xuất hiện của một ngôi sao mới là điềm báo cho thấy sắp có sự thay đổi người trị vì.

Thiên tử và triều đại giống như vì sao, có mọc lên, rực sáng, mờ nhạt và tàn lụi. Tuy nhiên, nếu biết trước được sự thịnh suy thông qua chiêm tinh, họ có thể can thiệp, thúc đẩy hoặc chấm dứt.

Đổng Trọng Thư (trái) và Khổng Tử (phải), 2 nhà Nho ảnh hưởng nhất của Trung Quốc. Ảnh: Atlasobscura.com - Wikipedia.org.

Thiên văn của “trời tròn, đất vuông”

Trong sách “Hoài Nam Tử”, Hoài Nam Vương Lưu An (179 - 122 TCN) viết “Thiên viên, Địa phương”, tức “Trời thì hình tròn, Đất thì hình vuông”. Nhận thức ban đầu về vũ trụ của người Hán giống hệt câu “Trời tròn như cái bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông” của người Việt. Họ sớm tôn thờ Huyền Vũ cũng vì ngoại hình của rùa đại diện cho nguyên lý “trời tròn, đất vuông”.

Trước Lưu An, nhà thơ Tống Vũ (298 - 263 TCN) cũng hình dung “Đất vuông như cỗ xe của ta còn Trời tròn như lọng che”. Viện Bảo tàng Nghệ thuật

Metropolitan ở New York, Mỹ, hiện đang trưng bày một chiếc gương đồng được đúc từ thời nhà Hán. Mặt sau của chiếc gương này là trang trí hình vuông nội tiếp đường tròn. Đường tròn tượng trưng cho Trời, hình vuông thì tượng trưng cho Đất. Trên Đất, Trung Quốc nằm chính giữa, 4 góc vuông đại diện cho 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Cũng theo “Hoài Nam Tử”, Trung Quốc có 9 tỉnh, đất hình vuông, bao quanh là 4 biển và ngoài Trung Quốc, thế giới còn 8 lục địa khác.

Để thuận theo “Địa phương”, các hoàng đế chia các lô đất nông nghiệp theo hình ô vuông. Cũng vì lẽ này, chữ điền (vườn) trong chữ Hán có hình vuông với bên trong chia 4 ô vuông (田). Khi quy hoạch khu định cư mới, các quan phụ trách cũng ưu tiên tuân theo hệ thống 9 ô vuông. Tất nhiên là việc quy hoạch đất nông nghiệp hay định cư theo hình vuông hoàn hảo là vô cùng khó. Dù vậy, Tử Cấm Thành (1420) vẫn vuông chằn chặn.

Hán Vũ Đế, nhà vua ấn định ngày 1/1 âm lịch là Tết Nguyên đán. Ảnh: Atlasobscura.com- Wikipedia.org.

Các nhà thiên văn người Hán chiêm tinh, xác định lịch dựa trên nguyên lý “Thiên viên, Địa phương”. Nhân vật nổi tiếng nhất, Trương Hành (78 - 139) đã phát minh ra Hỗn thiên cầu chạy bằng nước giúp quan sát thiên văn gần như chính xác. Thời gian làm quan thiên văn trong triều, ông chăm chỉ chiêm tinh, ghi lại các điềm báo, chuẩn bị lịch và báo cáo ngày tốt, ngày xấu. Ngoài ra, ông còn sáng chế thành công máy đo địa chấn, phát hiện chính xác hướng động đất sắp xảy ra.

Trương Hành cho rằng, Trời Đất liền một khối. Trời mang dương khí nên có hình tròn và chuyển động, còn Đất mang âm khí nên phẳng và tĩnh. Ông giả định, vũ trụ hình bán cầu với mặt đáy chứa đầy nước, Trái đất trôi nổi trên mặt đáy này như tảng băng trôi, bề ngang khoảng 130 nghìn km.

Thế kỷ III, nhà Hán lụi vong. Năm 618, Đường Cao Tổ (566 – 635) đăng cơ, thiết lập nhà Đường (618 - 907). Phật giáo, tôn giáo đang sắp lụi tàn ở Ấn Độ du nhập vào Trung Quốc và nhanh chóng hòa nhập với Đạo giáo, Nho giáo, trở thành thước đo và giá trị đạo đức sống.

Dưới ảnh hưởng từ các tài liệu thiên văn đến từ Ấn Độ, nhà Đường cho rằng nên điều chỉnh lịch. Năm 721, nhà sư Vô Tích (683 - 727) được triệu tập để báo cáo về cải cách lịch. Sự kết hợp giữa lịch Ấn Độ và lịch âm khiến các quan thiên văn rối trí, không xác định được thời điểm nhật thực. Điều này khiến hoàng đế tức giận, lệnh cho Vô Tích phải tìm cho bằng ra.

Mặc dù, thông thạo thiên văn Ấn Độ, nhưng Vô Tích lại dựa hoàn toàn vào thiên văn Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu của nhà vua. Ông cũng lập ra bộ lịch được sử dụng từ năm 729 - 761 và thành công cải tiến Hỗn thiên cầu, nhờ khung với các đường tròn đại diện cho đường đi của Mặt trăng, Mặt trời và một số ngôi sao quan trọng mà dự đoán chính xác thời điểm nhật thực.

Chưa hết, hoàng đế còn ra lệnh cho Vô Tích xác định vị trí trung tâm của Đất. Trước đấy, người Hán tin nó nằm ở Đăng Phong. Sau nhiều đo đạc, Vô Tích tuyên bố nó nằm ở Khai Phong, trên bờ Nam sông Hoàng Hà. Đến thời nhà Tống (960 - 1279), Khai Phong thật sự được công nhận là tâm Đất, chọn làm nơi đặt vương đô.

Năm 1127, Kinh đô Khai Phong của nhà Tống bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Năm 1271, Hốt Tất Liệt (1215 - 1294) tự xưng là hoàng đế Trung Quốc, thiết lập nhà Nguyên (1271 - 1368). Cùng lúc, em trai của ông là Húc Liệt Ngột (1217 - 1265) đánh chiếm nhiều vùng đất còn lại ở châu Á.

Mặc dù say mê chinh phạt, điên cuồng giết chóc nhưng Húc Liệt Ngột lại vô cùng tin chiêm tinh và điềm báo. Sau khi chiếm được lâu đài sát thủ Alamut ở Iran, ông bắt sống toàn bộ các thiên văn gia, đưa tới đài thiên văn mới dựng ở Maragha, Bắc Ba Tư bắt chiêm tinh.

Chưa hết, ông còn chọn ra người rất xuất sắc là Jamal al-Din, gửi cho vương huynh Hốt Tất Liệt cùng với một xe các dụng cụ thiên văn, trong đó có Hỗn thiên cầu, Thước thiên văn và Đồng hồ Mặt trời. Jamal al-Din thì mang theo một quả địa cầu và quả địa cầu của ông chính là quả địa cầu đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc.

Đế chế Mông Cổ có rất nhiều người Hồi giáo. Hốt Tất Liệt bổ nhiệm cho Jamal al-Din làm trưởng quan thiên văn cho phòng thiên văn Hồi giáo mới mở. Khác với khi tiếp xúc với thiên văn của Ấn Độ, các quan thiên văn người Trung Quốc thời gian này không chút nể nang gì Jamal al-Din, thậm chí còn kết bè kết phái mưu đồ cắt chức ông.

Quả địa cầu bị đá vào một góc và lý thuyết Trái đất hình cầu không được bất cứ người nào quan tâm. Khi muốn làm bộ lịch mới để đánh dấu triều đại của mình, Hốt Tất Liệt không còn cách nào khác là phải giao cho nhà thiên văn người Trung Quốc, Quách Thủ Kính (1231 - 1316).

Quách Thủ Kính là nhà thiên văn đại tài. Chỉ dựa vào các tài liệu lịch trước đó của Trung Quốc, ông soạn ra bộ lịch chính xác nhất đương thời, vượt trội hơn hẳn so với bộ lịch của Jamal al-Din.

Thế kỷ XIV, người Trung Quốc nổi dậy chống Mông Cổ. Năm 1368, nhà Minh (1368 - 1644) thành lập và các hoàng đế bắt tay ngay vào khôi phục Nho giáo. Minh Thành Tổ (1360 - 1424) muốn “vươn ra ngoài biên giới Trung Quốc” nên đã cho nhà thám hiểm Trịnh Hòa (1371 - 1433) thực hiện nhiều chuyến đi đến đại dương phía Tây. Phía Tây mà Trịnh Hòa đã đến là châu Á và châu Phi. Chỉ đến lúc này, “Thiên viên, Địa phương” mới bị phá vỡ.

Theo Atlasobscura

Ninh Thị Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-su-sach-troi-tron-dat-vuong-post671468.html