Chuyển đổi số ngành Cảng biển và Logistics

Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cùng Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo 'Chuyển đổi số ngành Cảng biển và Logistics'.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, việc xây dựng và phát triển mô hình Cảng biển thông minh là một trong những hướng đi đúng đắn, là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia có biển trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Cảng biển được coi là cửa ngõ của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động logistics.

Theo quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 được Phó Thủ tướng ban hành, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Hải Phòng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại.

Hội thảo Chuyển đổi số ngành Cảng biển và Logistics

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch Thành phố Hải Phòng cho biết Thành phố Hải Phòng hiểu rõ sự đầu tư và áp dụng công nghệ thông tin đúng đắn sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững và khẳng định chuyển đổi số là bước đi quan trọng để định hình lại tương lai của ngành cảng biển và logistics. “Sự cam kết và hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và chính quyền sẽ đóng vai trò quyết định trong việc biến ước mơ về một ngành cảng biển hiện đại và hiệu quả thành hiện thực.”

Đại diện của Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã chia sẻ xu hướng logistics trên thế giới, định hướng phát triển ngành của Chính phủ Việt Nam, từ đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong logistics với mục tiêu cuối cùng là cắt giảm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại hội thảo, các địa phương cũng lắng nghe kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số của các doanh nghiệp như Cảng Hải Phòng, Tân Cảng Sài Gòn và các kiến nghị của doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý nhà nước. Áp dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi số, Tân Cảng Sài Gòn – đơn vị chiếm 90% thị phần sản lượng container tại khu vực TP HCM – được coi là điển hình hàng đầu về ứng dụng công nghệ trong khai thác cảng, đã tiết kiệm khoảng 30.000 – 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3000 – 5000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính, cắt giảm được 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.

Với Cảng Hải Phòng, doanh nghiệp cho biết, đến tháng 10/2023, tỷ lệ khách hàng thực hiện dịch vụ cảng điện tử ePort đạt 91,78%, tỷ lệ khách hàng sử dụng cổng thông minh Smart gate là 94,5%, tương tác với gần 12.500 lái xe, 1.423 doanh nghiệp vận tải sử dụng và bỏ toàn bộ chứng từ giao nhận,...Ngoài ra, trong sự kiện có các diễn giả đến từ Viettel, Deloitte, Chunghwa Telecom chia sẻ xu hướng cảng biển thông minh, ứng dụng công nghệ, các mô hình thành công trên thế giới.

Việc ứng dụng các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet of Things (IoT), và Big data có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thời gian xếp dỡ, và nâng cao khả năng theo dõi và quản lý hàng hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về chi phí mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của cảng, thu hút đầu tư và tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng giám đốc Viettel Solutions

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Viettel Solutions nhấn mạnh Viettel luôn sẵn sàng công nghệ số phù hợp cho chuyển đổi số ngành cảng biển như IoT, 5G, AI,...và đồng hành cùng các đối tác có kinh nghiệm xây dựng các mô hình cảng thông minh thành công trên thế giới. Với nguồn lực của mình, Viettel cam kết đồng hành để cùng các cảng trên toàn quốc xây dựng cảng số, cảng thông minh.

P.V

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chuyen-doi-so-nganh-cang-bien-va-logistics-d195651.html