Ðồng bào Khmer tự lực vươn lên

Tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Thới Bình ngày càng ý thức và có trách nhiệm với việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình, từ đó cuộc sống ngày càng ổn định.

Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện chí thú làm ăn, siêng năng lao động và tận dụng rất hiệu quả đất sản xuất, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ðiển hình như hộ anh Hữu Nghị, ở Ấp 7, xã Tân Lộc. Cần cù, chịu khó, anh Nghị thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, không ngại vất vả làm thêm mọi việc khi có thời gian rảnh, từ đó đã tạo dựng cho gia đình tương lai vững chắc.

Anh Hữu Nghị chăm sóc đàn heo của gia đình.

Anh Hữu Nghị chăm sóc đàn heo của gia đình.

Trước đây hoàn cảnh gia đình anh Nghị khó khăn, thiếu thốn. Với khát vọng vươn lên bằng chính sức mình, anh khởi đầu với một ít đất trồng lúa - nuôi tôm kết hợp nuôi cua, rồi thực hiện thêm nhiều mô hình trên cùng diện tích đất như: nuôi heo nhân giống và bán heo thịt, nuôi gà, nuôi ếch và cá nước ngọt; tận dụng sân vườn trồng hoa màu cải thiện bữa ăn, giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày... Chịu thương chịu khó, thời gian nhàn rỗi, anh còn đi làm thuê: phụ hồ, kéo đất, sên vuông... Nhờ vậy, gia đình có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ chi xài tiết kiệm, gia đình tích lũy được vốn mua thêm đất sản xuất. Ðến nay, gia đình sở hữu được hơn 3 ha đất và mua được máy xới, cuộc sống đã khấm khá hơn. Anh Nghị chia sẻ: “Lúc đầu mới ra riêng, gia đình túng thiếu lắm, phần tôi lại bị bệnh, nhưng vợ chồng tôi rất cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên”.

Hay như anh Hữu Minh Tài, ở ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ. Với đam mê nghề điêu khắc và đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, anh đã tạo ra những sản phẩm gỗ tạo hình độc đáo, có trị giá hàng chục triệu đồng. Nghề này mang đến cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện. Anh chia sẻ: “Mình còn trẻ nên phải cố gắng làm. Nghề điêu khắc này đòi hỏi sự sáng tạo, mình có sáng tạo mới tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo, được khách hàng ưa thích. Chăm chỉ, siêng năng, tạo ra nhiều sản phẩm thì thu nhập càng cao”.

Anh Hữu Minh Tài chăm chút từng sản phẩm do mình điêu khắc.

Anh Hữu Minh Tài chăm chút từng sản phẩm do mình điêu khắc.

Ông Trần Hoài Lê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thới Bình, cho biết: “Vùng đồng bào dân tộc thay đổi rõ rệt về đời sống, cải thiện về tinh thần. Bà con đồng bào Khmer giờ có tinh thần vượt khó, đoàn kết sản xuất để làm giàu, phát huy sức mạnh tự lực tự cường vươn lên, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương”.

Với nghị lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm, cố gắng vươn lên, cùng sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer huyện Thới Bình không ngừng phát triển, bình quân thu nhập đầu người 70-80 triệu đồng/năm, số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên. Tính đến cuối năm 2023, huyện Thới Bình có 104 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 5,25% tổng dân số của huyện; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 116 hộ, chiếm 6,32%. So với năm 2019, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 50 hộ./.

Thùy Linh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dong-bao-khmer-tu-luc-vuon-len-a32576.html