Chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn cận cảnh của các đạo diễn nước ngoài

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện chấn động của thế kỷ XX, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim quốc tế nhằm phân tích, lý giải diễn biến cuộc chiến qua những góc nhìn cận cảnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạo diễn Roman Karmen cùng nhà quay phim Vladimir Yeshurin trong quá trình quay bộ phim tài liệu "Việt Nam" năm 1954. (Nguồn: Sputnik)

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 không chỉ là “một dấu mốc bằng vàng chói lọi” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn là chiến công vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ XX.

Sự thất bại của quân đội Pháp được cho là hùng mạnh trước Quân đội Nhân dân Việt Nam có trang bị khí tài ít hơn rất nhiều đã khiến cả thế giới vô cùng kinh ngạc. Và kể từ đó, Điện Biên Phủ trở thành một nguồn cảm hứng lớn đối với các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Những khoảnh khắc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 được các chuyên gia, đạo diễn nghiên cứu, tái hiện qua những thước phim tư liệu và điện ảnh sống động, nhằm mang đến cho công chúng khán giả những góc nhìn cận cảnh về sự kiện thế kỷ này.

Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, người có công đưa những hình ảnh thời sự-tài liệu nóng hổi về sự kiện chấn động này ra thế giới chính là đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen với bộ phim “Việt Nam,” hay có tên khác là “Việt Nam trên đường thắng lợi.”

Bộ phim được thực hiện tại Việt Nam năm 1954-1955 với thời lượng 69 phút, thuộc thể loại tài liệu nghệ thuật, thuật lại cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đạo diễn Karmen và êkíp làm phim của ông đã chứng kiến những ngày hòa bình đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Họ đã ghi lại những bằng chứng vô giá về thời điểm lịch sử đó trong bộ phim tài liệu đầy màu sắc.

Phim có sử dụng một số hình ảnh tư liệu của các nhà quay phim hàng đầu nước ta thời đó như Mai Lộc, Tiến Lợi, Hồng Nghi, Quang Huy… với những cảnh quay quý giá như cảnh máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn rơi, cảnh đoàn tàu hỏa của Pháp bị quân ta đốt cháy...

Trong phim, khán giả sẽ được thấy cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hà Nội...

Cũng trong bộ phim tư liệu này, khán giả một lần nữa được ngắm nhìn các nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng; gặp lại các nhân vật lịch sử như các Giáo sư ngành y Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ; Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội.

Hình ảnh về khoảnh khắc chiến thắng trên chiến trường Điện Biên trong phim "Việt Nam” của đạo diễn Roman Karmen. (Ảnh chụp màn hình)

Phim "Việt Nam" ra mắt năm 1955, toát ra niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi đẹp của đất nước hình chữ S, mở ra một khám phá gây sửng sốt cho hàng triệu khán giả trên toàn thế giới, lần đầu tiên biết đến một dân tộc anh hùng, bất khuất của một đất nước nhỏ bé mà kiên cường, đã chiến thắng ngoạn mục trước đế quốc thực dân Pháp.

Không chỉ mang ý nghĩa thời sự lịch sử, bộ phim “Việt Nam” của đạo diễn người Nga Karmen mà còn là những thước phim tài liệu màu vô cùng quý giá về con người và bối cảnh cuộc sống ở Việt Nam trong thập niên 1950.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu.

Để tìm lời giải về Chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không xem bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel có tên “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa Hổ và Voi,” được ông xây dựng trong hơn 10 năm, từ năm 1991-2006.

Bộ phim đã ghi lại rất nhiều lời kể của các chứng nhân lịch sử, trong đó nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để làm nên bộ phim tài liệu giá trị này, đạo diễn Daniel Roussel đã có nhiều cuộc tiếp xúc và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Chiến dịch.

Nguồn tư liệu sống động của bộ phim một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo kiệt xuất với nhãn quan quân sự tuyệt vời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong phim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói lúc đầu, Bộ Tổng Tham mưu vạch ra kế hoạch tấn công chớp nhoáng vào đêm 25/1/1954. Tuy nhiên, do thông tin bị rò rỉ, Đại tướng dời ngày tấn công sang 5h sáng 26/1.

Trong đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân," chuyển từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc," đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" từng cứ điểm đối phương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel tại Hà Nội năm 1991. (Ảnh: VOV)

Tướng Giáp nhận định "điều quan trọng không phải là một cuộc tấn công chớp nhoáng mà là một cuộc chiến dài hơi, nghiền nát từng phần của quân địch."

Những thước phim tài liệu của đạo diễn Daniel không chỉ khắc họa hình ảnh về một vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất mà còn là chân dung một con người bình dị, dễ gần và đặc biệt hài hước.

Về tên của bộ phim, đạo diễn Daniel Roussel chia sẻ Hổ và Voi là một phép ẩn dụ mà Chủ tịch Hồ chí Minh từng dùng. Con Hổ biểu trưng cho quân đội Việt Nam, con Voi biểu trưng cho quân đội thực dân Pháp. Nhìn bề ngoài, con Voi to lớn, áp đảo con Hổ, nếu Hổ dừng lại thì Voi sẽ dùng đôi ngà mạnh mẽ xuyên thủng con Hổ.

Nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Hổ rất lanh lợi, khôn ngoan và không bao giờ dừng cuộc chiến của mình. Ban ngày Hổ ẩn trong rừng, ban đêm mới nhảy ra, leo lên lưng con Voi tấn công. Cứ như thế từ ngày này qua ngày khác, từ đêm này sang đêm khác, cho đến khi Voi kiệt sức mà chết. Và Điện Biên Phủ trở thành nấm mồ của con Voi thực dân Pháp.

Năm 2009, Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền bộ phim và phát sóng đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2009.

Ở góc nhìn điện ảnh, một bộ phim gây được tiếng vang lớn trong giới điện ảnh toàn cầu là bộ phim “Điện Biên Phủ” do đạo diễn người Pháp Pierre Shoendorfer thực hiện năm 1991-1992.

Điều đặc biệt ở chỗ Pierre Shoendorfer cũng từng là cựu chiến binh Pháp trực tiếp tham chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường cho đến ngày kết thúc trận chiến.

Vào ngày lịch sử 7/5/1954, Schoendoerffer được lệnh ra khỏi lô cốt cùng với các sỹ quan cao cấp và trở thành tù binh của quân đội Việt Nam trong vòng 4 tháng. Sau khi được thả về Pháp, Pierre Schoendoerffer đã xuất ngũ, trở thành phóng viên nhiếp ảnh và bắt đầu làm phim.

Tuy nhiên, sự ám ảnh về những ngày tháng cuối cùng của lính Pháp tại chiến trường Điện Biên không ngừng thôi thúc Schoendoerffer cần phải làm một điều gì đó, và đến năm 1991, ông quyết định quay trở lại Việt Nam để làm bộ phim điện ảnh “Điện Biên Phủ.”

Cảnh trong phim “Điện Biên Phủ” phát hành năm 1992 của đạo diễn người Pháp Pierre Shoendorfer. (Ảnh chụp màn hình)

Bộ phim, do chính ông viết kịch bản và đạo diễn, được làm theo dạng điện ảnh nửa tài liệu, đã mang đến cho người xem một góc nhìn đầy đủ hơn về thực trạng quân đội Pháp trong 56 ngày đêm bị bao vây tấn công trên chiến trường Điện Biên.

Phim “Điện Biên Phủ” được đánh giá là một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh tàn khốc, với những chiêm nghiệm về sự hy sinh, tổn thất vô ích của quân đội Pháp trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Mạch phim được kể theo trình tự thời gian xảy ra cùng lúc trên hai địa điểm khác nhau. Một số phân đoạn được tường thuật từ tâm điểm của trận chiến, ở Điện Biên Phủ, một số phân đoạn khác được tường thuật bởi người dân thành phố Hà Nội hoặc binh lính Liên hiệp Pháp đóng tại sân bay dân sự Hà Nội.

Đó là những ngày tháng khủng khiếp đối với quân Pháp khi bị vây hãm nhiều ngày tại Điện Biên Phủ với nỗi tuyệt vọng mỗi ngày một lớn trước khi thời điểm 7/5/1954 diễn ra.

Trailer phim "Điện Biên Phủ" của đạo diễn Schoendoerffer.

Phim sử dụng các góc quay gai góc, mô tả chiến trường khốc liệt với những chiến hào bụi bặm, lính Pháp đối mặt với các trận tấn công khó lường của Việt Minh trong tâm trạng thấp thỏm sợ hãi và đầy hoài nghi về sự có mặt của mình tại “vũng lầy Điện Biên,” hoàn toàn đối lập với giới chức chỉ huy Pháp trên bàn giấy, coi trận đánh là vinh quang.

Bằng cốt truyện chân thực, phim “Điện Biên Phủ” giúp khán giả thấy rõ hơn tầm vóc của cuộc chiến tại Điện Biên Phủ và sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên chiến thắng vang dội, giáng đòn quyết định, tạo ra bước ngoặt quân sự quyết định chiến trường, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve về hòa bình tại Việt Nam.

Bộ phim kết thúc với hình ảnh quân Pháp bại trận, thất thần đi theo sau tướng De Castrie ra hàng quân Việt Minh trên nền nhạc giao hưởng bi thương, tựa như khúc tưởng niệm cho hơn 8.000 lính Pháp tử trận tại Điện Biên.

Đạo diễn Schoendoerffer chia sẻ bộ phim “Điện Biên Phủ” là một lời nhắn nhủ dành cho quân đội Pháp, cũng như với cả nước Pháp rằng: “Không bao giờ quên, không bao giờ lặp lại” những gì đã làm với Việt Nam.

Năm 1994, tại lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Schoendoerffer đã xuất bản cuốn sách hậu trường mang tên "Điện Biên Phủ - De la Bataille au Film" (Điện Biên Phủ: Từ trận chiến đến màn ảnh).

Năm 2004, trong lễ kỷ niệm 50 năm trận chiến, Schoendoerffer đã xuất bản phiên bản đầy đủ bộ phim "Điện Biên Phủ" ở định dạng DVD.

70 năm đã trôi qua, cụm từ "Điện Biên Phủ" vẫn giữ nguyên sức nóng về một biểu tượng cho lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam, vẫn là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia quân sự, chính trị gia và các nhà làm phim trên thế giới tiếp tục đào sâu tìm hiểu, lý giải về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về trí tuệ và bản lĩnh của những người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại hòa bình, độc lập, tự do./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chien-thang-dien-bien-phu-qua-goc-nhin-can-canh-cua-cac-dao-dien-nuoc-ngoai-post942431.vnp