Phim 'Vầng trăng thơ ấu' - Góc nhìn bình dị về tuổi thơ của Bác Hồ

'Vầng trăng thơ ấu' - phim điện ảnh đầu tiên về lịch sử của biên kịch Đặng Thanh Bình (đạo diễn Hồ Ngọc Xum)- kể về thời niên thiếu của Bác Hồ.

Bộ phim là câu chuyện diễn ra khoảng 5 năm, thời cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha, mẹ và anh trai lần đầu vào Huế sinh sống (từ năm 1895 đến năm 1901).

Tác phẩm được Nhà nước đặt hàng Hãng phim Giải Phóng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024).

Không "thần thánh hóa" cuộc đời của Bác

Biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ, khi nhận lời đề nghị từ Hãng phim Giải Phóng làm phim về thời niên thiếu của Bác Hồ, chị đã xem rất nhiều phim về Người, đọc những tư liệu về giai đoạn gia đình Bác ở Huế.

Để kể câu chuyện 5 năm tưởng đơn giản nhưng thực tế buộc tác giả kịch bản phải nghiên cứu, tìm hiểu khi đây không chỉ là chuyện riêng về gia đình Bác mà còn về lịch sử Việt Nam, kinh thành Huế đầu thế kỷ XX với nhiều biến động. Khó khăn hơn nữa là tư liệu giai đoạn này rất ít. Tuy nhiên, cũng chính nguồn tư liệu ít ỏi ấy lại có thể tạo ra sự mới mẻ đối với cả người viết lẫn người xem.

Theo biên kịch Đặng Thanh Bình, quá trình viết kịch bản, chị không đi theo hướng "thần thánh hóa" cuộc đời của Bác. Điểm mới mẻ trong "Vầng trăng thơ ấu" giúp bộ phim được đánh giá cao là những câu chuyện tuổi thơ được đan xen giữa thực và hư cấu mà biên kịch Đặng Thanh Bình đã mạnh dạn sáng tạo.

Chị đã xây dựng nhóm bạn của cậu bé Nguyễn Sinh Cung: Anh Thư, Hào, Kiệt và Đồng - cậu bạn thân bị kỳ thị vì nguồn gốc da màu. Từ những câu chuyện tình bạn để thấy được người bạn Nguyễn Sinh Cung lém lỉnh, tinh nghịch, có tấm lòng trắc ẩn cùng óc quan sát.

Việc xây dựng tình bạn ấu thơ của Bác cũng là điều tâm đắc nhất với biên kịch, bởi "thông qua câu chuyện trẻ thơ có thể thấy bức tranh xã hội thu nhỏ thời bấy giờ, có thể thấy những tính cách ưu tú của nhân vật chính được phát triển thuyết phục, tự nhiên chứ không phải thần thánh hóa", biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ.

Nhiều chi tiết trong phim đan xen giữa những sự kiện lịch sử và sáng tạo của tác giả, có tính dẫn dắt, thuyết phục người xem về sự phát triển tính cách của nhân vật: Khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung nghe được câu chuyện ở miếu âm hồn về trận tử chiến ở Huế khiến nhiều người dân vô tội bị chết oan, trong đầu của cậu hình thành một loạt câu hỏi:

Người Tây sao ác vậy? Sao dân mình khổ?… Hay những chi tiết mang tính then chốt như để cậu bé Cung đối diện với cái chết oan của Đồng - cậu bạn thân chịu nhiều thiệt thòi; đỉnh điểm là cái chết của mẹ, sau đó là đứa em sơ sinh cũng ra đi trong những ngày nghèo túng, thiếu ăn, khát sữa…

Khi ấy, cậu bé 11 tuổi Nguyễn Sinh Cung đã phải đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần vì cha và anh trai đang ở Thanh Hóa…

Poster phim “Vầng trăng thơ ấu”

Poster phim “Vầng trăng thơ ấu”

Đọng lại những biểu tượng đẹp

Có thể thấy tay nghề và tư duy nghệ thuật điện ảnh của biên kịch Đặng Thanh Bình đã được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thể hiện thành công qua nhiều cảnh phim: Là cánh diều của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thả hình cánh hoa sen - biểu tượng Làng Sen quê Bác - khi bay cao trên bầu trời lại có dáng hình như con thuyền vượt trùng khơi ra biển lớn.

Từ hình ảnh người thả diều có thể liên tưởng tới người chèo lái "con thuyền" dân tộc tương lai. Là cảnh gia đình nhà nho yêu nước Nguyễn Sinh Sắc ngày đầu vào Huế, 4 người vượt đường trường nhiều chông gai, về sau chỉ còn 3 người - mỗi người một nỗi lòng trĩu nặng việc nhà, việc nước… Những hình ảnh có tính ẩn dụ cao giúp bộ phim có sức lay động lòng người.

Không có nhiều tài liệu cụ thể về những câu chuyện thời thơ ấu của Bác Hồ ở Huế giai đoạn 1895 - 1901.

Sự mạnh dạn đan xen giữa sáng tạo và tìm tòi, nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã giúp biên kịch Đặng Thanh Bình có thêm một bộ phim mang dấu ấn của chị, với một đề tài lớn - đề tài lãnh tụ - dù rằng, như chị nói, một bộ phim điện ảnh luôn là sản phẩm tập thể và biên kịch thường chịu thiệt thòi bởi đôi khi bị lãng quên.

Biên kịch Đặng Thanh Bình sinh năm 1969 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn TPHCM. Chị từng có thời gian là nhà báo, thư ký trường quay trước khi trở thành biên kịch chuyên nghiệp hoạt động tự do. Chị có nhiều kịch bản phim điện ảnh, truyền hình, phim tài liệu được yêu thích: "Nữ bác sĩ" (55 tập, phim đạt Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 27), "Hoa táo nở" (phim điện ảnh chiếu về tình bạn, tình yêu của những du học sinh Việt)… Kịch bản "Vầng trăng thơ ấu" của chị từng đoạt giải Ba Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Chi Mai

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phim-vang-trang-tho-au-goc-nhin-binh-di-ve-tuoi-tho-cua-bac-ho-20240518131053108.htm