Càphê trong nước và thế giới 'ngóng trông' tín hiệu mùa vụ

Theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/4 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 660.000 tấn càphê với kim ngạch trên 2,23 tỷ USD; trong đó, giá càphê xuất khẩu bình quân quý 1 vừa qua, đạt 3.289 USD/tấn.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giá càphê trong nước cũng như giao dịch trên sàn quốc tế liên tục phá đỉnh lịch sử; điều này khiến cho không chỉ thị trường trong nước mà ngay cả thị trường thế giới đều đang ngóng trông vào các tín hiệu mùa vụ từ các nước có nguồn cung lớn.

Mối lo ngại về vụ càphê không thuận lợi ở Brazil và Việt Nam đang tích cực hỗ trợ giá càphê lên cao. Giá càphê trong nước hiện đã vượt mốc 130.000 đồng/kg và cao hơn cả giá hồ tiêu.

Về xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/4 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 660.000 tấn càphê với kim ngạch trên 2,23 tỷ USD. Giá càphê xuất khẩu bình quân quý 1 vừa qua, đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính riêng trong nửa đầu tháng Tư vừa qua, giá càphê xuất khẩu trung bình tăng mạnh và đạt 3.790 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá tăng nhưng lượng càphê Việt Nam cạn dần. Tồn kho trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều, do đó lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu niên vụ càphê 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn càphê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 60% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6-1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.

Với giá càphê trong nước hiện nay, những nông dân trồng càphê tại Tây Nguyên nếu còn hàng tích trữ sẽ thắng lớn. Nhiều nông dân đang tiếc nuối vì không còn hàng để bán. Cùng với đó, nguồn cung trên thị trường không còn nhiều nên doanh nghiệp thu mua vẫn phải chật vật tìm hàng.

Theo ông Lê Đức Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá mạnh nên đã tác động phần nào đến nguồn cung càphê trong nước. Nguồn cung trong dân vẫn còn nhưng ít. Những hộ dân tích trữ hàng được đến thời điểm này hầu hết là tự trang trải được cho các chi phí, nguồn vốn cho chăm sóc cây, nên họ sẽ chưa bán. “Mùa vụ mới phải nửa năm nữa mới tới nên càng rất khó đoán định về giá cà phê thời gian tới,” ông Huy cho hay.

Bà con Xê Đăng tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum, thu hoạch càphê Arabica bằng phương pháp hái quả chín. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo ông Lê Đức Huy, hầu hết doanh nghiệp không dám ký kết đơn hàng nếu không chủ động được nguồn hàng. Đa số doanh nghiệp cũng phán đoán trước tình hình khó khăn về sản lượng nên những đơn hàng đã cam kết đến nay cũng đã mua đủ. Với giá tăng mạnh như hiện nay, cơ bản người mua cũng thận trọng hơn và họ sẽ chỉ mua khi thực sự cần.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam đánh giá chưa năm nào giá càphê cao như năm nay. Giá tăng mạnh đã khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống và đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp mua xa-bán xa, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao. Trong khi Việt Nam phải đến tháng 10 tới mới vào thu hoạch càphê vụ mới, những diễn biến thời tiết khô hạn khắc nghiệt hiện nay ở Tây Nguyên cũng khiến nông dân lo ngại về sản lượng càphê của vụ tới.

Tuy nhiên, mặc dù đầu tư cho cây càphê khá cao trong bối cảnh giá phân bón cao, chi phí tưới nước trong bối cảnh hạn hán vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, song nhiều nông dân từng bỏ bê cây càphê nay đã bắt đầu quay lại đầu tư cho cây trồng này.

Bên cạnh đó, do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung bởi thời tiết khô nóng kéo dài tại các nước sản xuất càphê lớn ở Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam đã đẩy giá càphê Robusta kỳ hạn trên sàn London có thời điểm tăng vượt 4.000 USD/tấn. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi hợp đồng càphê tương lai bắt đầu giao dịch vào năm 2008.

Theo ông Carlos Mera, phụ trách ngành hàng nông sản tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan), thời tiết nắng nóng kéo dài tại Đông Nam Á ảnh hưởng lớn vụ càphê, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn chế về nguồn cung hiện nay, thúc đẩy các nhà chế biến càphê tăng gom hàng.

Bên cạnh đó, các nhà chế biến cũng đang cố gắng tăng dự trữ trước khi luật mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm càphê trồng trên đất rừng bị phá có hiệu lực vào tháng 12 năm nay.

Trong khi đó, dự báo tiêu thụ hạt càphê toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024 sẽ tăng 20% so với niên vụ 2013-2014, với mức tăng trưởng đáng chú ý ở châu Á. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng mức tiêu thụ ở các nước sản xuất chính như Indonesia tăng 90%. Hay Trung Quốc, nước tiêu thụ càphê lớn thứ bảy thế giới, đang ghi nhận mức tăng 130%. Diễn biến mùa vụ càphê Brazil - nhà cung cấp càphê lớn nhất thế giới đang đến gần là tâm điểm của thị trường.

Trước những thách thức lớn như tình trạng suy giảm diện tích do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến đổi khí hậu dẫn đến sụt giảm sản lượng, ông Lê Đức Huy cho rằng đây là lúc các thành viên trong chuỗi cung ứng càphê cần trao đổi các vấn đề khó khăn và hợp tác trên tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển.

Đồng thời, có sự chọn lọc, loại bỏ dần các đơn vị, đối tác kinh doanh thời vụ, không uy tín ra khỏi chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các địa phương trồng càphê trọng điểm ở Tây Nguyên cũng cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng cà phê thông qua việc cải tạo giống, vườn cây, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/caphe-trong-nuoc-va-the-gioi-ngong-trong-tin-hieu-mua-vu-post943317.vnp