Cảnh báo biến chứng của quai bị: Cách chăm sóc người mắc bệnh

Các triệu chứng của bệnh quai bị dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Các triệu chứng của bệnh quai bị dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác. Việc điều trị và chăm sóc đúng cách, đúng bệnh sẽ giúp trẻ nhanh khỏi hơn. Do đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất là xác định chính xác xem trẻ có mắc bệnh quai bị không.

Nguồn truyền nhiễm duy nhất

Quai bị là căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong một số báo cáo cho thấy, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở những vùng dân cư đông đúc, điều kiện sống kém và khí hậu lạnh.

Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan trực tiếp qua đường hô hấp, có thể bùng phát thành dịch và gây ra nhiều biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não - màng não, viêm tụy…

Tuy có vắc-xin phòng bệnh quai bị, nhưng do việc tiêm vắc-xin dự phòng chưa được phổ cập rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh quai bị gần như không giảm trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp, nhưng nếu người bệnh chủ quan chậm trễ điều trị có thể khiến bệnh trở nặng và gây nên nhiều biến chứng khó lường.

Bệnh quai bị rất dễ lây lan, nhất là những khu vực nhiều trẻ em như trường học, nhà giữ trẻ, công viên, khu vui chơi… Trẻ có thể bị lây nhiễm virus quai bị khi tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hoặc dịch tiết từ mũi, họng bắn ra khi người bệnh nói chuyện, khạc nhổ, ho, hắt hơi… Do đó, khi trẻ mắc bệnh quai bị, cha mẹ nên thông báo cho giáo viên và cho trẻ cách ly tại nhà, tránh để bệnh lây lan cho những học sinh khác.

ThS.BS Lê Hồng Nhung - Bệnh viện Việt Đức cho biết, quai bị do virus paramyxo gây nên. Đây là chủng virus có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, virus quai bị có thể diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C, dưới ánh sáng Mặt trời, với những hóa chất khử khuẩn chứa Clo và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.

Con người là ổ chứa và nguồn truyền nhiễm duy nhất của quai bị. Bệnh lây lan trực tiếp qua đường hô hấp. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus bám vào niêm mạc mũi, miệng, di chuyển đến nội tạng thông qua đường máu, rồi gây bệnh. Người bệnh trong giai đoạn khởi phát có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong một số trường hợp, người mang virus quai bị không có triệu chứng rõ ràng hay còn gọi là quai bị thể tiềm ẩn vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho những người xung quanh.

Ngoài trú ngụ trong nước bọt, virus quai bị còn có trong nước tiểu người bệnh. Bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh quai bị, từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người lớn chưa có miễn dịch bảo vệ.

Theo BS Lê Hồng Nhung, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh quai bị. Thông thường, trẻ từ 2 - 12 tuổi, nhất là những trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh quai bị; người tiếp xúc, sống chung, sinh hoạt tập thể chung với người bệnh hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh; người có hệ miễn dịch yếu…

Triệu chứng thường xuất hiện từ 2 - 3 tuần sau khi bị nhiễm virus, giảm dần trong tuần tiếp theo. Bệnh nhân thường sưng đau ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt mang tai là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh.

Tình trạng sưng đau có thể diễn biến nặng đến mức phần góc của xương hàm dưới mang tai không còn nhìn thấy được. Một bên mang tai có thể sưng trước bên kia và có khoảng 25% người bệnh quai bị chỉ sưng một bên. Trong một số trường hợp ít gặp, các tuyến nước bọt ở hàm dưới và dưới lưỡi cũng có thể sưng đau.

Triệu chứng của bệnh quai bị đôi khi bị nhầm lẫn với sưng hạch bạch huyết hay sưng tuyến nước bọt do bệnh cúm. Ngoài triệu chứng sưng đau điển hình ra, một số triệu chứng không điển hình có thể xuất hiện trước đó như sốt nhẹ kéo dài 3 đến 4 ngày, đau đầu, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi… Một số người nhiễm virus quai bị chỉ biểu hiện một số triệu chứng không đặc hiệu, thậm chí không có triệu chứng.

Tuy lành tính, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh quai bị có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Trong đó, viêm tinh hoàn do quai bị là một loại viêm tinh hoàn đặc hiệu có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành.

Đặc biệt, viêm buồng trứng do quai bị ở nữ giới chiếm tỷ lệ 7%. Người bệnh thường có các dấu hiệu như đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn ở một bên hố chậu, sốt, ra nhiều khí hư bất thường, có mùi hôi, biến đổi về màu sắc.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm buồng trứng do quai bị có thể tiến triển thành viêm buồng trứng mãn tính, dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, mưng mủ buồng trứng, tắc vòi trứng, chất lượng trứng suy giảm gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus quai bị cũng có thể tấn công hệ thần kinh trung ương làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não. Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp ở người lớn, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có thể gặp ở trẻ em.

Ngoài những biến chứng kể trên, bệnh quai bị còn có thể dẫn đến một số biến chứng khác hiếm gặp hơn như: Viêm tụy, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm đường hô hấp, điếc tai…

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Phòng tránh ở trẻ nhỏ

BS Lê Hồng Nhung cho biết, hiện nay, bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng và thuốc kháng sinh sẽ không dùng trong điều trị bệnh này. Khi phát hiện, nên cách ly người bệnh trong khoảng 2 tuần. Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể được cách ly và điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của các cơ sở y tế.

Bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang. Đồ dùng cá nhân của người bệnh và dụng cụ y tế có liên quan cần phải được khử khuẩn. Sau khi hết thời gian cách ly, các dụng cụ cá nhân của người bệnh và buồng bệnh cần được khử khuẩn lần cuối để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Để giúp giảm triệu chứng của bệnh quai bị, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ; uống nhiều nước; giữ vệ sinh vòm họng bằng cách súc nước muối sinh lý, nước muối ấm hay nước súc miệng; ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và cần tránh những loại thức ăn có tính axit xitric như cam, chanh, bưởi, những loại thức ăn cay.

Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung thêm những loại rau xanh, dưa đỏ; vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng Mặt trời.

Việc điều trị bệnh quai bị ở trẻ nhỏ sẽ dựa vào các triệu chứng đã xuất hiện ở trẻ, độ tuổi, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng và tình hình sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ có các triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh quai bị, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác, từ đó, được tư vấn cách điều trị và chăm sóc phù hợp, hiệu quả.

Đối với trẻ có biểu hiện sốt cao, đau nhức cơ, tuyến nước bọt, phụ huynh có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm, uống thuốc giảm đau, hạ sốt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Cha mẹ cần nhớ, trẻ sốt cao khiến cơ thể mất nước, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể uống thêm các nước chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như sữa, dung dịch bù điện giải oresol để bù nước và bù lượng điện giải đã mất trong cơ thể. Cho trẻ súc miệng và vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của virus trong khoang miệng, mũi.

“Khi mắc bệnh, trẻ cảm thấy đau khi nhai, nuốt, vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn ít phải nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp… Bên cạnh đó, cần chú ý cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong các bữa ăn, tránh để trẻ bỏ bữa và sử dụng các món ăn gây kích thích vị giác khiến trẻ tiết nước bọt nhiều hơn”, bác sĩ Nhung lưu ý.

Để ngăn ngừa nguy cơ lây lan virus, nên rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn không gian sống và đồ chơi của trẻ; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh quai bị; không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác như cốc, chén, muỗng… vì virus có thể tồn tại trên những vật dụng này; tắm, vệ sinh cho trẻ hằng ngày; tránh cho trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng…

Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ vận động mạnh, chạy nhảy khi bệnh chưa được chữa trị hoàn toàn, nhất là các trẻ nam vì điều này có thể dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn, khiến trẻ bị vô sinh. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu bị viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị, tránh để lại những di chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ. Bác sĩ Lê Hồng Nhung

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/canh-bao-bien-chung-cua-quai-bi-cach-cham-soc-nguoi-mac-benh-post682739.html