Cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 11/4, Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời' để hoạt động này phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa.

Ngành quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Riêng tại TP Hà Nội, đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200 đến 250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội. Các chuyên gia đánh giá nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị. Việc nâng tầm quảng cáo ngoài trời cũng nhằm mục tiêu hình thành hệ thống tuyên truyền đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo thương mại ngoài trời, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay vẫn còn những bất cập, vi phạm quy định, ảnh hưởng mỹ quan đô thị; có tình trạng một số đơn vị thực hiện quảng cáo chưa đúng quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp quảng cáo bị ảnh hưởng nặng nề…

Quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp Hội quảng cáo Việt Nam chia sẻ, ngành quảng cáo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng phát triển trong thời gian qua, trong đó có mảng quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên trên thực tế, quảng cáo ngoài trời còn gặp một số vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý, các quy định hướng dẫn, dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp Hội quảng cáo Việt Nam.

"Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo là nói vống, là nói không đúng sự thật. Nhưng với chúng tôi hiện nay, quảng cáo là "mua bán niềm tin", truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất, để người tiêu dùng có nhìn nhận đúng về sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý hiểu được việc này, để đóng góp chung cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, để người dân thấy rằng, hoạt động quảng cáo là một phần trong cuộc sống hàng ngày", ông Nguyễn Trường Sơn nói.

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho rằng hiện nay quảng cáo ngoài trời đưa lẫn lộn cả biển hiệu. Đáng nói là biển hiệu hiện nay lộn xộn nhiều hơn biển quảng cáo.

Phần lớn các DN đều thực hiện nghiêm chỉnh trong vấn đề quảng cáo ngoài trời trên nhưng thực tế có những khó khăn về văn bản quản lý đang có sự điều chỉnh, sửa đổi. Trong đó, ông Hùng cho rằng về phía cơ quan quản lý, tại Hà Nội quy hoạch quá chậm, quy chế mới còn chậm, thủ tục chậm…

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam.

Đáng nói từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tạm dừng chấp thuận nội dung thông báo giới thiệu sản phẩm. Từ đó đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào dù vị trí đó đã nằm trong quy hoạch cũ hay xin làm mới khiến các DN quảng cáo gặp khó khăn. Từ đó, DN làm liều, dẫn đến quảng cáo tùy tiện, lộn xộn, sai vị trí. Đây là lỗi của cả cơ quan quản lý và DN.

Quyền lợi của DN nói rất rõ trong Luật Quảng cáo nhưng khi DN nộp thông báo quảng cáo thì cơ quan quản lý không nhận. Các DN chỉ đến nộp cho Sở Văn hóa và Thể thao thông bán sản phẩm và sau 5 ngày không trả lời sẽ làm nhưng các Sở này không có thông báo. Nhưng thực tế các Sở không có giấy thông báo "Đã nhận đủ hồ sơ".

"Chúng tôi đề nghị khi sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần xác định trách nhiệm của DN, của cơ quan quản lý. Chúng tôi đã đề nghị bỏ thông báo sản phẩm. Nếu sai quy chuẩn thì xử phạt chứ không phải xin phép. Cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm"- ông Hùng nêu.

Quảng cáo cần chuyển mình để hướng đến ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, rất trăn trở về lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho rằng vẫn còn sự "trầm lắng" của DN trong lĩnh vực quảng cáo, chưa thể hiện rõ sự khát vọng trong đóng góp cho Thủ đô, cho đất nước.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội

Ông Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa. Muốn làm được điều này, ông Hồng nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị liên quan đều phải chuyển mình, hướng đến "ngành công nghiệp" như mục tiêu đã đề ra.

Dẫn chứng về di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (ở Hà Nội), ông Đỗ Đình Hồng cho biết do thay đổi cách làm, di tích này đã thu hút lớn lượng khách du lịch, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Từ dẫn chứng này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội nhấn mạnh ngành quảng cáo cũng cần sự chuyển mình như vậy để hướng đến ngành công nghiệp văn hóa.

"Đừng xác định việc này của đơn vị nọ, đơn vị kia, đây là việc của chúng ta, là việc chúng sẽ phải bàn, phải làm để thay đổi bức tranh về ngành quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Cần xây dựng bức tranh mới cho ngành để đạt mục tiêu là ngành công nghiệp văn hóa"- ông Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động.

Theo ông Hồng, vấn đề hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo đã được từng được đề cập, tuy nhiên DN còn e ngại trong việc thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Đỗ Đình Hồng cho rằng DN cần chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ta các sản phẩm khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với các sản phẩm quảng cáo mình tạo ra.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quảng cáo ngoài trời hiện cũng có nhiều vấn đề đang được cơ quan xây dựng, sửa đổi luật đồng hành với các bộ, ngành, hiệp hội để xử lý vấn đề tốt nhất. Quảng cáo ngoài trời là lĩnh vực đa ngành. Đây là vấn đề kinh tế, công nghệ, văn hóa nghệ thuật hay cảnh quan đô thị. Đây là vấn đề rất quan trọng nên Hiệp hội Quảng cáo nên đóng vai trò quan trọng, chủ chốt cùng các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể xử lý tốt vấn đề này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng Luật Quảng cáo sẽ có chu kỳ sống khá lâu dài và cũng rất khó sửa. Thực tế 12 năm nay mới sửa được Luật Quảng cáo nên nếu không làm tốt luật và để việc sửa luật kéo dài cả chục năm sẽ để lại nhiều hệ lụy không mong muốn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, khi làm tốt điều này sẽ giúp ngành quảng cáo phát triển đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn những ý kiến này được ban soạn thảo, và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lắng nghe, đưa vào dự thảo luật và trong thời gian chưa sửa được luật sẽ sớm giải quyết những vướng mắc cho DN.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/can-xac-dinh-quang-cao-ngoai-troi-la-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post1088404.vov