Cần nhanh chóng có khung pháp lý về việc sử dụng AI tạo sinh trong giáo dục

Từ AI thế hệ trước đến AI tạo sinh, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh, mối quan hệ giữa AI và giáo dục đã đứng trước nhiều cơ hội mới cùng thách thức mới.

Cuối năm 2022, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh thông qua ChatGPT đánh dấu sự ra đời của một ứng dụng phát triển nhanh trong lịch sử.

Từ đó đến nay, AI tạo sinh cũng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện, với nhiều ứng dụng khác nhau để cho ra những kết quả đầu ra làm kinh ngạc mọi người trong các lĩnh vực viết văn bản, sáng tạo âm nhạc, hội họa, lập trình, video.

Hiện AI tạo sinh đã đạt đến năng lực tư duy trình độ cao trong việc xử lý thông tin và sản sinh tri thức, những công việc vốn được coi là thuộc phạm vi sứ mệnh của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Vì thế, các nhà giáo dục đang đứng trước yêu cầu tìm câu trả lời mới cho câu hỏi cũ: Dạy cái gì, vì sao và như thế nào?

Thực ra, trong khoảng vài năm gần đây, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi AI chuyển từ các kiến thức hàn lâm AI sang kỹ thuật AI, rồi công nghệ AI, với những ứng dụng mang tính đột phá trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, ngân hàng, giao thông, y tế, quốc phòng, an ninh thì các câu hỏi trên đã được đặt ra với giáo dục.

Các câu trả lời đầu tiên đã được đưa ra trong tài liệu của UNESCO mang tên “AI và giáo dục: Hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách” dưới dạng các chỉ dẫn về chính sách AI trong giáo dục.

Có điều từ AI thế hệ trước đến AI tạo sinh, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh, mối quan hệ giữa AI và giáo dục đã đứng trước nhiều cơ hội mới cùng thách thức mới.

Vì thế, bài viết này sẽ làm rõ bối cảnh mới của giáo dục được tạo nên bởi sự ra đời và phát triển của AI tạo sinh. Và trình bày sự phát triển về chính sách theo các khuyến nghị mới của UNESCO. Trên cơ sở đó, bước đầu nhận dạng những vấn đề đặt ra đối với giáo dục Việt Nam.

Ảnh minh họa: Baotintuc.vn

Giáo dục trước những cơ hội và thách thức của AI tạo sinh

AI thế hệ trước thuộc phạm vi của AI yếu, tức là chỉ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, không thể hiểu hoặc suy luận ngoài chức năng được chỉ định cho nó.

AI tạo sinh, cho đến nay vẫn thuộc phạm vi của AI yếu, nhưng ngay với công cụ đầu tiên là ChatGPT với khả năng tạo ra các văn bản ở cấp độ tư duy trình độ cao của con người, thì AI tạo sinh đã ở giai đoạn quá độ chuyển từ AI yếu sang AI mạnh, tức là AI có khả năng nhận thức giống như con người, có thể hiểu, học hỏi và giải quyết vấn đề một cách tự động.

Các công nghệ nền tảng của AI tạo sinh bao gồm trước hết là học máy (machine learning, ML), tức là một loại AI sử dụng dữ liệu để tự động cải thiện kết quả hoạt động.

Bước tiến của AI tạo sinh là ở chỗ đã phát triển công nghệ học máy thành công nghệ mạng thần kinh nhân tạo (artificial neural network, ANN), một loại học máy dựa trên sự mô phỏng cấu trúc và hoạt động của bộ não con người.

Các ANN là khác nhau tùy theo đó là AI tạo sinh văn bản, AI tạo sinh hình ảnh, AI tạo sinh video hay AI tạo sinh âm nhạc.

Trong AI tạo sinh văn bản thì ANN hoạt động dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn (large language model, LLM), tức là mô hình học máy được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu văn bản để có khả năng hiểu và tạo ra văn bản theo ngôn ngữ tự nhiên.

Mô hình ngôn ngữ lớn hiện đang được sử dụng trong AI tạo sinh văn bản có cấu trúc gọi là Transformer và được phát triển qua các phiên bản ngày càng nâng cấp của cái gọi là Generative Pre-trained Transformer (GPT).

Các phiên bản GPT từ GPT-1 đến nay là GPT-4 đều đánh dấu những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mở ra nhiều tiềm năng mới cho việc giao tiếp giữa con người và máy tính.

Nếu trong GPT-1, lượng dữ liệu chỉ là 40GB cùng 117 triệu tham số, cho phép mô hình hiểu ngôn ngữ tự nhiên và phản hồi trước các câu lệnh đơn giản; thì GPT-3 đã sử dụng lượng dữ liệu là 17.000GB, 175 tỷ tham số, cho phép mô hình giải đáp các vấn đề phức tạp và tạo ra văn bản ở trình độ tư duy cao; còn hiện nay GPT-4 dựa vào nguồn dữ liệu 1 triệu GB, 170.000 tỷ tham số, cho phép mô hình cải thiện đáng kể chất lượng và hiệu quả hoạt động trong việc giải đáp các vấn đề phức tạp và tạo nội dung văn bản.

Vì thế, so với AI thế hệ trước thì AI tạo sinh mở ra những cơ hội mới cho giáo dục. Trước hết, do có khả năng tạo ra nội dung mới, AI tạo sinh đem lại cho người dạy và người học những phân tích, khảo luận, tổng luận có thể được sử dụng như những tài nguyên giáo dục.

Tiếp nữa, do có khả năng tương tác với con người và không ngừng tự điều chỉnh thông qua tương tác, AI tạo sinh góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của cả thầy và trò trong tiến trình cá thể hóa giáo dục.

Cuối cùng, do có thể khám phá và phân tích nhanh chóng lượng dữ liệu phức tạp, AI tạo sinh hỗ trợ đáng kể cho đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Đó là những cơ hội chính do AI tạo sinh mở ra để giáo dục chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với những nội dung dạy và học mới, cách dạy và học mới, cách tuyển sinh, đánh giá và công nhận tốt nghiệp mới.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sự nảy sinh nhiều thách thức mới đáng quan ngại [1]:

Thứ nhất, AI tạo sinh chủ yếu được phát triển bởi các công ty công nghệ quốc tế lớn nhất, dựa vào nguồn dữ liệu khổng lồ và năng lực điện toán hùng mạnh chủ yếu từ các nước phương Tây cùng với các chuẩn mực và giá trị của nó, nên phần lớn các quốc gia và công ty còn lại trên thế giới khó lòng tạo lập và kiểm soát AI tạo sinh.

Điều đó dẫn đến sự gia tăng khoảng cách số trên thế giới và nguy cơ bị chi phối bởi các định hướng giá trị và văn hóa ngoại lai.

Thứ hai, dù rằng AI tạo sinh có thể nâng cao năng lực con người trong việc thực thi một số nhiệm vụ, nhưng năng lực pháp lý của các quốc gia trong việc kiểm soát hoạt động của các công ty AI tạo sinh lại không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ AI tạo sinh.

Điều đó khiến cho công tác quản lý nhà nước về AI tạo sinh đang thiếu vắng những quy định nhằm giải quyết một loạt vấn đề pháp lý do AI tạo sinh gây ra, từ quyền riêng tư, an toàn thông tin đến an ninh quốc gia.

Thứ ba, các dữ liệu được AI tạo sinh sử dụng được lấy từ nguồn dữ liệu khổng lồ trên internet mà không xin phép và vì thế các sản phẩm được tạo ra bởi AI tạo sinh có rủi ro vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, công nghệ nền tảng của AI tạo sinh là mạng thần kinh nhân tạo ANN hoạt động như một hộp đen nên các hệ thống AI tạo sinh đều không minh bạch và tường minh trong việc lý giải cơ chế tạo ra các kết quả.

Điều đó khiến người dùng bị ràng buộc theo logic được xác định bởi các tham số được thiết kế trong hệ thống AI tạo sinh. Các tham số này có thể phản ánh các giá trị văn hóa hoặc thương mại cụ thể cùng các chuẩn mực riêng, ngấm ngầm tạo nên thiên kiến trong việc cho ra kết quả.

Thứ năm, do chưa có quy định chặt chẽ và cơ chế giám sát hiệu quả, các tài liệu sai lệch được sản sinh bởi AI tạo sinh ngày càng lan rộng khắp internet, gây ô nhiễm một trong những nguồn kiến thức chính đối với hầu hết người học trên toàn thế giới.

Điều này còn có khả năng gây ô nhiễm dây chuyền khi mà các AI tạo sinh thế hệ sau được huấn luyện từ nguồn dữ liệu bao gồm cả các nội dung sai lệch sản sinh bởi các AI tạo sinh thế hệ trước.

Thứ sáu, dù rằng AI tạo sinh cho ra văn bản có vẻ hết sức ấn tượng về tư duy trình độ cao của con người, nhưng thực ra AI tạo sinh không hiểu gì về ngôn ngữ tự nhiên, về thế giới thực, về phương pháp khoa học, về các chuẩn mực và giá trị.

Vì thế, ngoài các sai lầm và thiên kiến như đã nói trên, cái mà AI tạo sinh tạo ra không thể là một cái gì thực sự mới về thế giới thực, về các sự vật và quan hệ của chúng, về con người và các mối quan hệ giữa người và người và với thế giới xung quanh.

Thứ bảy, do nguồn dữ liệu học tập của AI tạo sinh được lấy chủ yếu từ các nước phương Tây nên văn bản sản sinh bởi AI tạo sinh chỉ đại diện cho quan điểm phổ biến nhất hoặc chiếm ưu thế của thế giới tại thời điểm dữ liệu đào tạo của nó được sản xuất, trong đó có những nội dung thiên kiến hoặc sai lệch.

Thứ tám, trong bối cảnh ô nhiễm tin giả hiện nay, AI tạo sinh đang tạo điều kiện sản sinh tin giả tinh vi hơn, đặc biệt là các tin giả như thực (deepfake) được kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi phi đạo đức, hành vi tội phạm, như truyền bá thông tin sai lệch, lừa đảo, bôi xấu, hận thù,…

Yêu cầu cấp thiết về khung pháp lý sử dụng AI tạo sinh trong giáo dục

Cách đây 5 năm, tháng 5/2019, tại Hội nghị quốc tế về AI và giáo dục do UNESCO tổ chức tại Bắc Kinh, các đại biểu của hơn 100 quốc gia thành viên đã thông qua “Đồng thuận Bắc Kinh về AI và giáo dục”, khuyến nghị tôn trọng các nguyên tắc sau đây: sự phát triển của AI phải do con người kiểm soát và lấy con người làm trung tâm; việc thiết kế AI phải có đạo đức, không phân biệt đối xử, công bằng, minh bạch và kiểm toán được; việc triển khai AI phải phục vụ con người để nâng cao các khả năng của con người; tác động của AI đối với con người và xã hội phải được giám sát và đánh giá trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Tiếp đó, UNESCO đã phát hành tài liệu mang tên “AI và giáo dục: Hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách” nhằm hỗ trợ các chính phủ trong việc xây dựng chính sách và chiến lược vận dụng AI trong giáo dục một cách hiệu quả và công bằng trên cơ sở cụ thể hóa các nguyên tắc nêu trên.

Tuy nhiên, khi mà phần lớn các nước trên thế giới còn chưa sẵn sàng hoặc mới đang dự định xây dựng chính sách AI trong giáo dục thì sự ra đời và phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh đã tạo ra một bối cảnh mới với rất nhiều thách thức như đã nêu trên.

Trong khi đó, sau những lưỡng lự ban đầu thì giờ đây việc sử dụng AI tạo sinh trong nhà trường ở hàng loạt nước trên thế giới đang được triển khai với tốc độ quá nhanh, thiếu sự giám sát, kiểm tra hoặc các quy định cần thiết.

Thậm chí, nếu việc xuất bản một cuốn sách giáo khoa mới cần phải tuân thủ rất nhiều quy định, thì việc sử dụng các công cụ AI tạo sinh trong lớp học lại quá dễ dàng.

Thực ra, đây không phải là vấn đề của riêng ngành giáo dục. Hàng loạt lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, quốc phòng, an ninh đều đứng trước các thách thức của tình trạng khung pháp lý về thiết kế, triển khai, sử dụng AI đều không theo kịp tốc độ và phạm vi hoạt động của AI.

Vì thế, bên cạnh một số ít quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, các nước thuộc Liên minh Châu Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia đã ban hành các văn bản pháp quy hoặc tài liệu hướng dẫn về AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ các quốc gia trong xây dựng chính sách về AI nhằm khắc phục các thách thức, bảo đảm niềm tin xã hội vào AI tạo sinh, ngăn chặn những đứt gẫy có thể xảy ra trong môi trường quản trị AI toàn cầu.

Chẳng hạn, EU đã ban hành Luật AI 2023, UNICEF đã ban hành Hướng dẫn chính sách AI đối với trẻ em 2021, ASEAN ban hành Tài liệu hướng dẫn về đạo đức và quản trị AI 2023,…

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, tiếp sau các tài liệu “Khuyến nghị về đạo đức trong lĩnh vực AI 2021” và “AI và giáo dục: Hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách 2022”, UNESCO đã ban hành “Hướng dẫn về AI tạo sinh trong giáo dục và nghiên cứu 2023” [1].

Theo đó, việc xây dựng khung pháp lý đối với AI tạo sinh trong giáo dục cần tập trung thể chế hóa các chính sách sau đây:

Thúc đẩy sự bao trùm, bình đẳng và đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa: Cần có cơ chế và giải pháp để bảo đảm rằng mọi người học đều được tiếp cận với các công cụ AI tạo sinh, còn các nhà cung ứng AI tạo sinh phải hết sức tránh mọi thiên kiến trong xây dựng các thuật toán và cung cấp dữ liệu liên quan đến các công nghệ nền tảng của AI tạo sinh;

Bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền làm chủ của con người: Dù rằng AI tạo sinh ngày càng tinh xảo và hoàn thiện nhưng nó chỉ có thể hỗ trợ con người trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu;

Giám sát và đánh giá các hệ thống AI tạo sinh dùng trong giáo dục để bảo đảm rằng chúng tuân thủ các quy tắc đạo đức, phù hợp về mặt sư phạm, chuẩn xác về nội dung, không chứa các tin giả;

Xây dựng và phát triển các năng lực AI, trong đó có các kỹ năng sử dụng AI tạo sinh, đối với người học: Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cần ban hành chương trình AI để người học có năng lực AI phù hợp; đối với giáo dục đại học cần chú trọng phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực AI tài năng;

Xây dựng năng lực để nhà giáo và nhà khoa học sử dụng AI có trách nhiệm, có đạo đức và có hiệu quả;

Thúc đẩy sự đa dạng về ý kiến và về biểu đạt ý tưởng: Điều đó là cần thiết vì tuy rằng AI đem lại thông tin nhanh nhưng thường không đáng tin cậy, không tránh khỏi sự thiên lệch về ngôn ngữ và văn hóa;

Kiểm tra các mô hình ứng dụng AI tạo sinh để bảo đảm rằng chúng phù hợp với bối cảnh và nhu cầu đất nước; mở rộng quy mô các ứng dụng đã được kiểm chứng trong giáo dục và nghiên cứu, phù hợp với các ưu tiên giáo dục thay vì sự mới lạ hay huyễn hoặc.

Đánh giá các tác động lâu dài bằng tiếp cận liên ngành và liên lĩnh vực nhằm giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực, phát huy các lợi ích to lớn một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Vấn đề đặt ra với Việt Nam

Theo kho tài nguyên của OECD về chính sách và chiến lược AI trên toàn thế giới, hiện có trên 600 chính sách về AI được ban hành bởi 71 quốc gia, vùng lãnh thổ và Liên minh Châu Âu.

Điểm mạnh của Việt Nam là đã ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2030 là Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Chiến lược quốc gia về AI của Việt Nam được thực hiện theo đúng tiếp cận toàn chính quyền, toàn hệ thống.

Trong đó, riêng về AI trong giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai các chương trình đào tạo STEAM cho thanh thiếu niên; triển khai đại trà các chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng AI cho thanh thiếu niên; thúc đẩy các chương trình đào tạo chính quy về AI, khoa học dữ liệu; thúc đẩy đưa các môn học về phân tích dữ liệu, về ứng dụng AI vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau trong các trường đại học và cao đẳng; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về AI đến năm 2030.

Theo báo cáo của Oxford Insights về “Chỉ số Sẵn sàng AI của Chính phủ 2023”, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 59 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, đứng vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN, và đây đã là năm thứ ba liên tiếp mà Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu.

Theo phương pháp đánh giá của Oxford Insights, báo cáo tập trung vào ba trụ cột chính: Chính phủ, Công nghệ, Dữ liệu và cơ sở hạ tầng.

Trụ cột Chính phủ được đánh giá qua nhiều chỉ báo, bao gồm tầm nhìn, quản trị và khung đạo đức quốc gia, năng lực số, khả năng thích ứng, đạt điểm số 69,04 và xếp thứ 51/193.

Trong khi đó, hai trụ cột còn lại là Công nghệ chỉ đạt điểm số 37,82 (xếp thứ 67/193) và Dữ liệu và cơ sở hạ tầng đạt 56,58 (xếp thứ 84/193).

Như vậy, điểm mạnh của Việt Nam là tầm nhìn của Chính phủ, hạ tầng nền tảng và khả năng thích ứng của Chính phủ.

Điểm yếu là ở trình độ phát triển công nghệ, tình trạng còn nhiều yếu kém của hạ tầng số, sự chưa sẵn sàng của nguồn dữ liệu, và đặc biệt đáng quan tâm là sự bất cập cả về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ đưa AI vào trong giáo dục và đào tạo, ngày 13/2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh tất cả chính sách đều phải hướng đến việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với việc sử dụng AI có đạo đức trong nhà trường.

“Đó là những chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Và chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”.

Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính sách thì nhiều hoạt động chủ động từ cơ sở đã diễn ra trong việc đưa AI vào trong giáo dục.

Nhiều trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Công đoàn,… đang áp dụng AI vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản trị và quản lý, giảng dạy và học tập, tuyển sinh và đánh giá.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, nội dung AI đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào giảng dạy thí điểm tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, trên cơ sở đó mở rộng cho học sinh phổ thông tiếp cận kiến thức về AI.

Đặc biệt đáng quan tâm là các doanh nghiệp công nghệ đang nhanh chóng tìm cách phát triển thị trường AI trong giáo dục.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp đang triển khai dự án STEM Robotics AI để đưa vào dạy trong các trường tiểu học, giúp học sinh làm quen với các khái niệm về AI, từng bước thực hành và tạo ra các sản phẩm AI ở mức độ đơn giản, góp phần nâng cao tư duy phê phán, tính sáng tạo, giao tiếp và hợp tác.

Ngoài ra, trên mạng internet hàng loạt nền tảng và công cụ AI tạo sinh như Mindmaid, Carnegie Learning, Content Technologies, Inc. (CTI), Century Tech, Querium Corporation, đang chào mời nhà giáo và người học trong việc cung cấp các bài giảng, các giáo trình cá nhân hóa, kế hoạch học tập cá nhân hóa, các hướng dẫn và phản hồi tức thì cho học sinh trong các môn học STEM.

Những chủ động nêu trên từ phía nhà trường và doanh nghiệp là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trước những thách thức lớn mà AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đang tạo ra thì sự vắng mặt kéo dài của khung pháp lý có thể biến thách thức thành nguy cơ.

Việt Nam cũng đang rơi vào cái bẫy của việc đưa AI vào dạy và học mà chưa có những quy định cần thiết trong khi việc phê duyệt một cuốn sách giáo khoa lại phải trải qua một quy trình rất nghiêm ngặt.

Thực sự, khác với trước đây, chúng ta không có nhiều thời gian để “nâng lên, hạ xuống” trong việc ban hành chính sách về AI khi mà tốc độ và quy mô phát triển của AI diễn ra rất nhanh.

Một khung pháp lý kịp thời, linh hoạt và liên tục cập nhật theo sự vận động của bối cảnh là cần thiết. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện được khi mà các phân tích, khuyến nghị và chỉ dẫn đã được ban hành liên tục bởi tổ chức quốc tế tin cậy là UNESCO.

Vì vậy, trong khi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai các nhiệm vụ được quy định trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trước mắt rất cần Bộ ban hành một số quy định cần thiết về việc sử dụng AI trong giáo dục có đạo đức, trách nhiệm và hiệu quả, cùng việc cập nhật và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng từng bước bổ sung nội dung AI để học sinh hiểu AI và có năng lực sử dụng AI một cách phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] UNESCO. 2023. Guidance for generative AI in education and research. Paris: UNESCO

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-nhanh-chong-co-khung-phap-ly-ve-viec-su-dung-ai-tao-sinh-trong-giao-duc-post242489.gd