Cần đào tạo 10.000 kỹ sư ngành bán dẫn mỗi năm

Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư (gấp 10 lần con số hiện nay) vào năm 2030. Để đáp ứng nguồn nhân lực và tạo chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, chúng ta cần đào tạo 10.000 kỹ sư mỗi năm.

Tiềm năng ngành vi mạch bán dẫn

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Phát triển nhân lực ngành bán dẫn là một trong những định hướng của Chính phủ.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.

Để triển khai nhằm cụ thể hóa chiến lược trên, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

Đến nay Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước, vùng lãnh thổ phát triển như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan... với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư.

Phần lớn các doanh nghiệp này đặt tại TPHCM.

Trong lĩnh vực đóng gói vi mạch, sau Intel, Amkor và Hana Micron đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đóng gói như Besi bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như: Viettel, FPT, VNchip… Dự báo năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Bộ TT&TT dự báo, quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD, nhưng hiện mới có 2 doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên.

Về sản xuất, Việt Nam đã có nhà máy đóng gói và kiểm thử của một số tập đoàn lớn như Intel hay Amkor, nhưng chưa có bất kỳ cơ sở chế tạo nào.

Những cứ liệu trên cho thấy Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn trong các công đoạn thiết kế và đóng gói.

Xác định chuỗi cung ứng để đào tạo phù hợp

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

“Do đó, tùy theo nhu cầu, Việt Nam cần xác định tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ đâu, khâu nào trong chuỗi cung ứng; lựa chọn công nghệ sản xuất nào để làm cơ sở cho việc kịp thời chuẩn bị đầu tư các nguồn lực phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Đây là cơ sở để xác định quy mô và cơ cấu trình độ nhân lực, vị trí việc làm của người lao động trực tiếp trong ngành công nghiệp bán dẫn ở tất cả các ngành nghề phụ trợ của công nghiệp bán dẫn”, ông Bình nói.

Dẫn số liệu tính toán của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng Ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel cho biết, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư (gấp 10 lần con số hiện nay) vào năm 2030, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.

“Gần đây, khi ngành chip thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang quay trở lại Việt Nam. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua”, ông Cương nói và cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, để đáp ứng mục tiêu phát triển, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư và năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư.

Trong đó, hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Về cơ cấu chuyên môn, khoảng 10% kỹ sư tham gia thiết kế kiến trúc hệ thống chip, 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế nguyên lý (front-end design), 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn kiểm định thiết kế (verification) và 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế vật lý (back-end design).

Trước thông tin trên, PGS, TS Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết thực hiện phát triển công nghệ bán dẫn tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D phục vụ xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Kế hoạch trung hạn (2024-2030), Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ bán dẫn trong khu vực, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung phát triển các công nghệ lõi về vi mạch và chip bán dẫn.

Đến năm 2045, Bách khoa Hà Nội là đại học nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực chip bán dẫn, góp phần vào phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để trở thành quốc gia phát triển có thế mạnh trong công nghiệp bán dẫn.

Xây dựng Bắc Giang thành “Thành phố công nghiệp bán dẫn”

TS Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2023 thu hút đầu tư FDI của tỉnh đạt kết quả vượt bậc, trong đó nổi bật là làn sóng đầu tư công nghệ phần mềm, chip bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trong khu vực như: Singpore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tính đến năm 2023, có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng số trên 500 dự án. Hiện Bắc Giang có 9 khu công nghiệp, trong đó có 426 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 190.400 lao động.

Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được những dự án “hạt nhân”, mở ra triển vọng lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp tập trung ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam; Công ty TNHH Hana Micron Vina.

“Định hướng xúc tiến đầu tư những năm tới của Bắc Giang là tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Do đó, chuẩn bị lực lượng lao động cho các dự án công nghệ cao, công nghệ bán dẫn là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo tỉnh quan tâm thúc đẩy”, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết.

Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty cổ phần bán dẫn FPT, Bắc Giang hoàn toàn có thể trở thành “Thành phố công nghiệp bán dẫn” vì có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, khéo tay.

Do đó, Bắc Giang cần nắm bắt cơ hội để trở thành thành phố bán dẫn và là một trong những tỉnh đi đầu về công nghệ bán dẫn.

Đồng quan điểm, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn khác nhau: Thiết kế, sản xuất, phân loại đóng gói, thử nghiệm…

Do đó, Bắc Giang cần định vị, lựa chọn tham gia phân khúc nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn để đào tạo nhân lực là việc hết sức quan trọng.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng cho rằng, Bắc Giang cần nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Phương Minh - Hà Phương

Báo Lao động Xã hội số 48

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/can-dao-tao-10000-ky-su-nganh-ban-dan-moi-nam-20240421150135144.htm