Căn bệnh lạ khiến cô gái trẻ cuồng ăn, nhập viện tâm thần: Phòng, tránh như thế nào?

Cẩm Ly luôn bị những cơn thèm ăn chế ngự, đồng thời lại luôn sợ bị béo phì. Cô luôn ăn uống mãnh liệt rồi lại tự gây nôn, uống thuốc nhuận tràng. Cô không hề biết mình bị bệnh ăn vô độ tâm thần.

BS. Nguyễn Kim Anh tư vấn cho bệnh nhân

Liên tục ăn nhiều, liên tục giảm béo

Đó là một trong nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại Phòng rối loạn cảm xúc và ăn uống Viện Sức khỏe Tâm thần, được BS. Nguyễn Kim Anh chia sẻ tại hội thảo về căn bệnh này tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai vào chiều 20/5.

Theo BS. Nguyễn Kim Anh, Cẩm Ly năm nay 20 tuổi, là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, bị bệnh ăn vô độ tâm thần. Năm học lớp 12, cô yêu đơn phương một bạn trai nhưng bị từ chối với lý do cô béo. Từ đó, cô luôn tự cho mình là béo và tìm cách giảm cân, mặc dù cô cao 155cm, nặng 50kg và những người xung quanh không thấy cô béo.

Luôn bị ám ảnh mình béo, cô nhịn ăn và giảm được 8kg. Lúc này, cô lại thấy có sở thích ăn uống rất mãnh liệt. Mỗi lần ăn, cô ăn rất nhiều và ăn liên tục, rồi lại thấy hối hận vì sợ béo.

Cẩm Ly cho biết: Các cơn thèm ăn ngày càng tăng lên, khiến cô luôn say sưa ăn uống, đến mức mất kiểm soát. Nhưng cứ ăn vô độ xong, cô lại uống thuốc nhuận tràng và nhịn ăn. Nhưng các cơn ăn nhiều xuất hiện cả vào ban đêm, làm cho giấc ngủ gián đoạn, khiến cô mệt mỏi, uể oải và không muốn đi học.

Sau 8 tháng, những cơn ăn quá nhiều khiến Cẩm Ly ngày càng xấu hổ và bi quan. Cô ở lỳ trong nhà, ngại tiếp xúc với mọi người và không tham gia vào các thú vui trước đây như đi chơi, đi sinh hoạt câu lạc bộ tại trường và trở nên cáu kỉnh, bực tức, kết quả học tập kém hẳn.

Khi đến Viện Sức khỏe tâm thần, Cẩm Ly được chẩn đoán mắc bệnh ăn vô độ tâm thần và nhập viện để điều trị tích cực.

Chuyên gia tâm lý Bùi Văn Toàn

Chuyên gia tâm lý Bùi Văn Toàn cho biết anh đã tiếp xúc và điều trị tâm lý cho nhiều bệnh nhân bị bệnh ăn vô độ tâm thần. Một bệnh nhân là trò học lớp 9 cho biết, mỗi khi ăn cậu cảm thấy rất thoải mái, nhưng rồi ngay sau đó lại nghĩ cách giảm cân vì sợ béo. Hôm sau lại thèm ăn, lại ăn như bị bỏ đói, rồi ăn xong lại giảm cân. Vòng tròn đó lặp đi lặp lại, đến lúc gia đình cậu nhận thấy sự bất thường và đưa cậu đến Viện Sức khỏe tâm thần.

Căn bệnh có nguy cơ tự sát cao

Ths. Vũ Sơn Tùng - Phòng rối loạn cảm xúc và ăn uống Viện Sức khỏe Tâm thần -chia sẻ, bệnh nhân ăn vô độ tâm thần ngoại trú hiện nay rất nhiều.

Bệnh ăn vô độ tâm thần mang đặc trưng với các giai đoạn ăn vô độ tái diễn và sự bận tâm quá mức về cân nặng cơ thể. Bệnh nhân ăn như bị bỏ đói, ăn rất kinh khủng và sau khi cuồng ăn thì tìm cách giảm cân bằng cách gây nôn, sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc điều trị tuyến giáp.

Bệnh thường khởi phát ở tuổi vị thành niên và chủ yếu ở nữ giới, chiếm tới ¾. Trong đó, nhiều nhất là ở phụ nữ 20–29 tuổi.

Giải thích nguyên nhân của bệnh ăn vô độ tâm thần, Ths. Vũ Sơn Tùng cho rằng có yếu tố di truyền. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc chứng ăn vô độ cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường. Sự căng thẳng, xấu hổ về việc bị chê bai về cân nặng là yếu tố quan trọng thúc đẩy trẻ thanh thiếu niên (đặc biệt là nữ giới) mắc rối loạn ăn vô độ tâm thần.

Đáng lo ngại khi Gerald Russell - nhà tâm thần học người Anh - cho rằng ăn vô độ tâm thần có nguy cơ tự sát cao.

Ths. Vũ Sơn Tùng - Phòng rối loạn cảm xúc và ăn uống Viện Sức khỏe Tâm thần - hướng dẫn cách nhận biết bệnh ăn vô độ tâm thần

Những dấu hiệu của bệnh ăn vô độ tâm thần

Làm cách nào để nhận biết bệnh ăn vô độ tâm thần? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Ths. Vũ Sơn Tùng chia sẻ: Việc ăn uống vô độ lặp đi lặp lại rồi tự gây nôn, khiến cổ họng luôn bị viêm hoặc đau, các vấn đề về răng do xói mòn men răng do nôn mửa. Bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, gây rối loạn tiêu hóa, nhu động ruột tổn thương, thích uống nhuận tràng. Bệnh nhân cuồng tập thể dục, người suy kiệt vẫn tập 2-3 lần/ngày, luôn thiếu tự tin về ngoại hình.

Đặc biệt, bệnh nhân ăn vô độ có các đặc điểm nổi bật: Ăn một lượng thức ăn lớn hơn mọi người và mất kiểm soát đối với việc ăn uống, đồng thời, tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu và nhịn ăn từng giai đoạn, tập luyện quá mức. Luôn luôn nghĩa tới việc ăn uống và thèm ăn mãnh liệt.

Ths. Vũ Sơn Tùng lưu ý: Người bệnh ăn vô độ tâm thần hầu hết đều có ít nhất một rối loạn tâm thần khác đi kèm như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần do sử dụng chất, rối loạn nhân cách, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh nghi thức…

Cũng theo Ths. Vũ Sơn Tùng, do người bệnh ăn vô độ tâm thần thường dùng nhiều phương pháp để xả thức ăn ra ngoài nên có thể gây mất nước, rối loạn điện giải do nôn nhiều, dẫn đến loạn nhịp tim và thường huyết áp thấp, loạn nhịp tim, thiếu máu. Bệnh nhân cũng có thể bị xuất huyết tiêu hóa, táo bón, trĩ, thường xuyên bị viêm họng…

Sự thiếu hụt dinh dưỡng ở người ăn vô độ có thể gây ra mất cân bằng nội tiết tố, giảm ham muốn tình dục, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh là những dấu hiệu dễ nhận thấy. Đặc biệt, người bệnh ăn vô độ tâm thần còn có hành vi tự hủy hoại cơ thể, muốn và có hành vi tự sát.

Tuy nhiên,rất ít người mắc bệnh ăn vô độ tâm thần đi khám tâm thần, mà thường khám ở tiêu hóa do các rối loạn, tổn thương ở dạ dày. Do đó, hầu như khi đến Viện Sức khỏe tâm thần bệnh nhân đều nặng và có các rối loạn trầm cảm lo âu khác.

“Vì vậy, người bệnh cần được đến khám và điều trị tại đúng chuyên khoa Tâm thần để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị hiệu quả nhất. Nếu phát hiện sớm và được can thiệp bằng thuốc, điều trị tâm lý và điều trị các hệ quả của bệnh ăn vô độ tâm thần như tổn thương dạ dày, tai mũi họng, thì sẽ khỏi hoàn toàn”, Ths. Vũ Sơn Tùng khuyến cáo.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/can-benh-la-khien-co-gai-tre-cuong-an-nhap-vien-tam-than-phong-tranh-nhu-the-nao-post175099.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat