'Cắm mốc' chiếm lòng đường giành chỗ đỗ ô tô có vi phạm pháp luật không?

Nhiều người dân có nhà mặt phố tự ý đặt các chướng ngại vật ra lòng đường để 'cấm' ô tô dừng, đỗ. Điều này có vi phạm pháp luật không?

Hà Nội đất chật người đông, việc tìm một chỗ đỗ xe ô tô miễn phí trên các tuyến phố khá khó khăn, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố. Việc đỗ xe trên phố có thể gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt của các hộ dân, đặc biệt các hộ dân có nhà mặt tiền.

Nhiều chủ nhà dán thông báo cấm đỗ xe trước nhà

Để giữ chỗ đỗ xe, nhiều chủ nhà "lịch sự" dán thông báo cấm đỗ xe trước nhà. Nhưng không hiếm trường hợp đặt chướng ngại vật ở lòng đường, vỉa hè để không cho "xe lạ" dừng đỗ, chắn trước cửa nhà, hoặc đơn giản chỉ là... giành chỗ đỗ xe cho gia chủ.

Theo ghi nhận, các chướng ngại vật được người dân tận dụng để "cắm mốc" dưới lòng đường đủ loại. Có thể là thùng sơn được đổ bê tông bên trong, hoặc xe máy, hay cũng có thể là hộp xốp, ghế, xô nhựa, chậu hoa cây cảnh, thậm chí.... một viên gạch!

Nhưng cũng không hiếm trường hợp ngang nhiên đặt chướng ngại vật ở lòng đường, vỉa hè để không cho "xe lạ" dừng đỗ chắn trước cửa nhà, hoặc đơn giản chỉ là... xí chỗ đỗ xe cho gia chủ.

Ghi nhận của phóng viên Báo SK&ĐS, tình trạng này diễn ra trên nhiều tuyến phố, đặc biệt các tuyến phố nhỏ tập trung nhiều hàng quán hay cửa hàng kinh doanh, cơ quan, văn phòng như đường Đồng Cổ, đoạn thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ; ngõ 135 (gọi là ngõ nhưng là con đường nhỏ) phố Đội Cấn, quận Ba Đình hay phố Hoàng Sâm, quận Cầu Giấy…

Từ xe máy...

đến chậu hoa, hộp xốp...

Cho đến các thùng sơn, xô nhựa...

Thậm chí cả ghế cũng đặt dưới lòng đường để "xí phần" chỗ đậu xe.

Tình trạng các hộ dân ngang nhiên đặt các chướng ngại vật dưới lòng đường không chỉ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan mà còn khiến nhiều lái xe bức xúc và tỏ ra bất lực trong việc tìm chỗ để đỗ xe ô tô.

Như trường hợp anh H.M.Đ (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) – một người bị phá xe khi đỗ ô tô ở ngõ 135, phố Đội Cấn: "Tôi có việc và đang vội. Thấy nhiều xe đỗ được ở ven hồ Đầm và còn chỗ trống, tôi tấp xe vào, dự định đỗ xe một lát rồi đi ngay.

15 phút sau khi quay ra, bất ngờ phát hiện xe bị đập vỡ đèn hậu, móp vỏ. Cũng may là có bảo hiểm, chứ không ra ngoài lại mất hơn chục triệu".

Tuy nhiên, do không biết ai là thủ phạm và không có chứng cứ nên anh H.M.Đ cũng không báo công an nhưng bức xúc: "Vỉa hè, lòng đường là của chung, ai cũng có quyền sử dụng. Việc họ dùng biện pháp cực đoan như phá hoại xe hay đặt chướng ngại vật dưới lòng đường để chiếm chỗ, ngăn cản không cho các phương tiện khác đậu đỗ là vi phạm pháp luật".

Đồng tình với quan điểm với anh H.M.Đ, luật sư Trần Viết Hà – Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: "Vỉa hè, lòng đường là tài sản chung, ai cũng có quyền sử dụng. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông; hay không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, …".

Đồng thời Luật sư Trần Viết Hà cũng cho biết: "Khi bạn dừng, đỗ xe đúng quy định (không có biển cấm) sẽ không bị xử phạt kể cả dừng, đỗ xe trước cửa nhà người khác. Bởi vậy, đương nhiên chủ nhà không có quyền uy hiếp, đuổi người điều khiển phương tiện giao thông đi chỗ khác.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm, việc bạn dừng, đỗ xe (đúng nơi quy định) trong một số trường hợp có thể làm cản trở việc ra vào nhà, buôn bán của người dân, bạn nên để lại số điện thoại hoặc có sự trao đổi, xin phép trước… để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra".

Về hành vi phá hoại, làm hư hỏng tài sản, phương tiện giao thông của người khác, luật sư Trần Viết Hà cho biết: "Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này nếu thiệt hại ở mức dưới 2 triệu đồng thì chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng người cố tình gây thiệt hại sẽ bị xử phạt căn cứ theo điểm a, khoản 2, Điều 15 nghị định 144/2021 người hủy hoại tài sản người khác, ứng với mức phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

Từ 2 triệu đồng trở lên, thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)".

Như vậy có thể thấy, việc đặt chướng ngại vật dưới lòng đường, trên vỉa hè là hành động ứng xử thiếu văn hóa và vi phạm trật tự đô thị.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận trong thực tế, có không ít trường hợp tài xế thiếu ý thức, đỗ xe bịt lối ra vào hoặc làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân. Trong trường hợp này, chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, nếu tài xế có nhu cầu muốn đỗ xe cần quan sát khu vực xung quanh, nhớ để lại số điện thoại hoặc có lời với chủ nhà, mọi việc có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Tin có thể bạn quan tâm:

Phú Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cam-moc-chiem-giu-long-duong-gianh-cho-do-o-to-co-vi-pham-phap-luat-khong-169240423100649482.htm