Báo Sài Gòn Giải Phóng 49 năm - Chuyển đổi số mạnh mẽ

Bạn đọc hôm nay xem gì ở Báo SGGP? - câu hỏi thường trực trong dòng chảy công việc của những người làm Báo SGGP. Ở thời điểm này, chúng tôi có thêm một mệnh đề nữa cần giải quyết: Làm sao để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong xu hướng của báo chí - truyền thông số.

Vững vàng bước tới

“Sài Gòn giải phóng” là một dấu ấn, một cột mốc quan trọng trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc Việt Nam. “Sài Gòn giải phóng” - một chiến thắng vẻ vang của tất cả mọi người dân đất Việt. Cụm từ “Sài Gòn giải phóng” đồng nghĩa với “hòa bình, thống nhất và phát triển”; đồng nghĩa với “tự hào dân tộc”, với “nhân văn, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngày 5-5-1975, theo quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy TPHCM), một tờ báo xuất bản hàng ngày khổ lớn mang tên “Sài Gòn Giải Phóng” được in ấn và phát hành với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thông tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sài Gòn mới được giải phóng. Thế hệ đầu tiên làm Báo Sài Gòn Giải Phóng từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp lại. Tất cả đều có chung ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự làm thế nào để sự kiện Sài Gòn giải phóng luôn tỏa sáng, luôn là niềm tự hào của nhân dân thành phố và cả nước. Ý thức ấy luôn được truyền lại, ngày càng sâu đậm hơn đối với các thế hệ làm Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp theo.

Số báo SGGP đầu tiên xuất bản ngày 5-5-1975

Báo Sài Gòn Giải Phóng là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.

Đảng ủy, Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo qua các thời kỳ, đã và đang giữ vững tôn chỉ, mục đích của Báo. Đây được coi là kim chỉ nam, là mẫu số chung cho mọi kế hoạch cải tiến và phát triển tờ báo. Nhiệm vụ “cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM” luôn gắn bó hữu cơ, mật thiết với trách nhiệm “diễn đàn của nhân dân”.

49 năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn thông tin đầy đủ, chuẩn xác, có định hướng rõ ràng về tình hình an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các vùng lãnh hải của Tổ quốc; tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước ta và cập nhật thông tin quốc tế. Biểu dương, ca ngợi cái đẹp, cái cao cả là trách nhiệm quan trọng, nhưng đấu tranh quyết liệt, đấu tranh có hiệu quả với những cái xấu, cái độc hại trong đời sống xã hội cũng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Phát hành Tin nhanh Chiến tranh Vùng Vịnh 1991

Theo thời gian, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng tăng, truyền thông số phát triển như vũ bão, đòi hỏi các thế hệ làm Báo Sài Gòn Giải Phóng phải vượt lên chính mình để phục vụ bạn đọc tốt nhất, bảo đảm chất lượng thông tin, độ chính xác, tin cậy ở mức cao nhất. Cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung, Báo Sài Gòn Giải Phóng đang có những bước cải tiến, chuyển đổi số mạnh mẽ, vững vàng tiếp tục khẳng định vị trí là cơ quan báo chí chính trị chủ lực, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc, của Đảng và Nhà nước.

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Cùng chung xu thế với tất cả các lĩnh vực khác, những năm gần đây, chuyển đổi số được đưa ra như giải pháp then chốt cho bài toán tồn tại, phát triển, hay là dấu chấm hết của mỗi cơ quan báo chí. Không còn vai trò độc quyền của báo chí, khái niệm kênh cung cấp thông tin không còn giới hạn. Người làm báo hôm nay phải tìm mọi cách để bạn đọc chọn mình giữa ngồn ngộn kênh thông tin chính thống lẫn không chính thống. Việc “được chọn” như thế nào cũng trở nên sòng phẳng và hiển thị rõ ràng trước đại chúng.

Nghi thức phát động cuộc thi Tỏa sáng giá trị Việt do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Trung ương Đoàn TNCSHCM phối hợp tổ chức, năm 2023-2025

Đề án chuyển đổi số của Báo SGGP xác định rõ: Xây dựng hạ tầng công nghệ cơ quan hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin; đẩy mạnh các ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo phục vụ quy trình xuất bản và bạn đọc; minh bạch, nâng cao chất lượng công tác quản lý, trị sự. Bên cạnh chiến lược chuyển đổi số về nội dung và sự tiện lợi dành cho độc giả, chuyển đổi số trong quản trị nội bộ cũng được thực hiện mạnh mẽ.

Nhà báo Ngô Quang Trưởng, Phó tổng Thư ký Tòa soạn, chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục tự xây dựng, phát triển hệ thống quản lý nội dung (CMS) cho quy trình xuất bản báo giấy; tích hợp những công cụ hỗ trợ sản xuất báo chí đa phương tiện. Các công đoạn trong quy trình xử lý và xuất bản của Báo SGGP gần như khép kín trên môi trường số, tối giản việc tham gia một số công việc thủ công như in bản thảo, bản bông, người đi trình ký…”.

Sau khi định hướng được chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, ở mặt nào, hướng đến điều gì và làm như thế nào, điều khó khăn nhất là thúc đẩy cả bộ máy đã quen với cách vận hành truyền thống để thay đổi, thích nghi và cùng chuyển động. Phóng viên phải được đào tạo các kỹ năng tác nghiệp cùng lúc trên nhiều thiết bị cầm tay và cung cấp thông tin cho nhiều loại hình báo chí trong hệ sinh thái đa dạng của SGGP. Công tác chuyển đổi số của tòa soạn sẽ tận dụng các nguồn lực, ứng dụng đa phương tiện để sản xuất ra các sản phẩm báo chí dưới nhiều dạng thức khác nhau, tận dụng nhiều kênh để truyền phát tin tức (báo in, báo mạng, ứng dụng mobile, mạng xã hội…) để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.

Vượt qua các rào cản khách quan lẫn chủ quan, từng con người trong quy trình mang thông tin đến bạn đọc đều ý thức được làm mới mình là cần thiết. Phóng viên Quốc Hùng thuộc lứa 7x “đời đầu” bắt đầu bằng những clip tự quay… rung như động đất, dần dà có những clip trong 20 giây, rồi 1 phút. Phóng viên Đoàn Kiên, thường trú tại Lâm Đồng, tự học, mày mò tác nghiệp đa phương tiện. Những bài viết tích hợp của anh là minh chứng cho câu “nói có sách, mách có… video clip”. Phóng viên Văn Minh, Ngô Bình, Chí Thạch… chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đủ sức “bao sân” thông tin, tự mày mò xài AI lồng tiếng cho clip của mình.

Khi hiển thị lên “mặt báo” SGGP, đó là những sản phẩm tích hợp nhiều tiện ích, nhằm vào cảm thụ và khả năng tiếp nhận thông tin của người đọc.

Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Điện tử SGGP cho biết: “Mỗi tuần, Báo SGGP sản xuất trên dưới 250 video clip xuất bản trên hệ sinh thái online. Cố gắng để những tin bài hấp dẫn đều có video, podcast đi kèm. Đưa việc sản xuất đa phương tiện trong vòng nửa năm tăng gấp đôi so với chính mình trước đó là cuộc chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt từ bên trong của cả hệ thống”.

Báo SGGP xác định: Ứng dụng công nghệ là phương tiện để hỗ trợ cho bản chất cốt lõi của báo chí là giá trị thông tin được truyền tải hiệu quả nhất. Thật (sự thật) - chắc (chắc chắn) - đúng (định hướng) vừa là thế mạnh, thương hiệu, song cũng là áp lực cho người làm Báo SGGP trong quy trình khi mà tốc độ chuyển tải thông tin luôn là tham số đua tranh. Trong những cuộc sinh hoạt nghiệp vụ, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong nhấn mạnh, những con số của Báo SGGP có thể chưa thật ấn tượng, thông tin chưa thể nhanh nhất nhưng có thể tự tin là chắc chắn nhất, là một kênh tin cậy để các bạn đọc kiểm chứng thông tin.

Khi nghe thông tin gì đang được bàn luận xôm tụ, cô Năm Liên, một tiểu thương ở chợ Bàn Cờ (quận 3), thường hỏi câu duy nhất trong mấy chục năm nay: “Báo của Châu (tên một nhân viên của Báo SGGP - PV) đăng chưa?”. Với nhiều đối tượng bạn đọc coi trọng giá trị của thông tin, Báo SGGP là nơi tin cậy như thế. Bên cạnh việc lấy độ tin cậy của thông tin làm kim chỉ nam, nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập - Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, chia sẻ: Báo SGGP chọn hướng đi hòa vào các mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới bằng quan hệ cộng sinh, nhưng luôn giữ được phong sắc, tôn chỉ mục đích của mình. Ở đâu có bạn đọc thì ở đó phải có mặt Báo SGGP, có mặt các tác phẩm báo chí của SGGP.

Với lượng phát hành ấn phẩm truyền thống nhật báo SGGP tiếng Việt khoảng 60.000 tờ mỗi ngày, cùng với ấn phẩm nhật báo SGGP bản tiếng Hoa và tuần san SGGP Đầu tư - Tài chính được xuất bản đều đặn, Báo SGGP tự hào là cơ quan báo chí có số lượng báo in nằm trong tốp 5 cả nước. Còn theo Google Analytics, tính đến giữa tháng 4-2024, tổng số lượt bạn đọc tiếp cận, tương tác trung bình trong 1 ngày trên hệ sinh thái Báo SGGP online là hơn 1 triệu lượt/ngày… Tính đến tháng 4-2024, TikTok có trung bình gần 3 triệu view/quý; YouTube có trung bình gần 3 triệu view/tháng… Trong đó, có đến 36% bạn đọc 35-44 tuổi; 20% bạn đọc 55-64 tuổi; 18% bạn đọc 45-54 tuổi; 14% bạn đọc 18-24 tuổi và 9% bạn đọc 25-34 tuổi. Phân tích này cho thấy, đối tượng độc giả chính của Báo SGGP trong độ tuổi trưởng thành, là lực lượng quản lý và lao động của xã hội, có sức ảnh hưởng đến số đông hơn hết thảy. Đối với một tờ báo có thể trạng “điềm đạm và chuẩn mực”, những con số này đều “biết nói” và sẽ nói nhiều điều tốt đẹp hơn nữa trong năm tới 2025 - năm Báo SGGP sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ra số đầu tiên.

Tòa nhà Văn hóa - Nghiệp vụ Báo Sài Gòn Giải Phóng 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TPHCM

GIA VĂN - Trình bày: HỮU VI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-sai-gon-giai-phong-49-nam-chuyen-doi-so-manh-me-post737425.html