Bảo đảm an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá

Toàn tỉnh hiện có 20 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18 triệu mét khối. Ðây là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng mà còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, các mỏ đá cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Vì vậy, cùng với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá.

Công trường khai thác đá tại mỏ đá Tây Trang 10, xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) thuộc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh.

Công trường khai thác đá tại mỏ đá Tây Trang 10, xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) thuộc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh.

Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên mỗi năm sản xuất, bán ra thị trường trên 300 nghìn tấn xi măng. Vì vậy, nhu cầu khai thác đá làm nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất xi măng của đơn vị không hề nhỏ. Ðể thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), cùng với việc đảm bảo đầy đủ hồ sơ, sổ sách, phòng chống cháy nổ, đơn vị đã thực hiện trang bị đầy đủ các máy móc nhằm cải thiện điều kiện làm việc như: Ðầu tư các trang thiết bị phòng chống cháy nổ; áp dụng các máy khoan đường kính lớn, máy bỏ đá, máy xúc thủy lực, máy nghiền công suất lớn. Ðối với khu vực khai thác, đơn vị đều thực hiện cắm biển cảnh báo, biển nội quy ra vào khu vực khai thác mỏ. Cùng với đó, để đảm bảo sức khỏe người lao động không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như bụi, tiếng ồn gây ra, mỗi năm công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng, tiến hành mua sắm trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hòa, công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên cho biết: Trước mỗi ca làm việc, chúng tôi đều kiểm tra và mang đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Máy móc, thiết bị cũng phải kiểm tra kỹ càng rồi mới đưa vào sản xuất. Hết ca làm việc máy móc, thiết bị được vệ sinh sạch sẽ. Tình hình của các thiết bị đều được mô tả và lưu vào sổ giao ca.

Tại mỏ đá Tây Trang 10, xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) thuộc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Theo ông Trần Văn Ðình, Giám đốc điều hành mỏ đá, Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh cho biết: Khai thác, chế biến đá là một trong những ngành nghề có tính chất nguy hiểm, độc hại. Do đó, đơn vị luôn xác định, để duy trì được sản xuất thì yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, hàng năm, đơn vị đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLÐ nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân, người lao động. Trong quá trình khai thác, sản xuất đá, đơn vị đều xây dựng kế hoạch, yêu cầu công nhân các bộ phận phải chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLÐ; mang đầy đủ thiết bị an toàn, nhất là ở bộ phận thợ khoan, thợ nổ mìn; đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại; trang bị đầy đủ các quần áo bảo hộ lao động, giúp công nhân trong quá trình khai thác được đảm bảo an toàn...

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 30 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản. Mặc dù công tác đảm bảo ATVSLÐ trong khai thác đá đã được các doanh nghiệp chú trọng thực hiện, song thực tế vẫn có nhiều mỏ khai thác đá chưa chú ý tới việc đào tạo công nhân khai thác đá theo quy trình, vẫn sử dụng phương tiện máy móc cũ, thiết bị khai thác còn thiếu. Ngoài ra, đa số các mỏ đá trên địa bàn tỉnh khai thác theo hình thức cắt lớp xiên nên trong quá trình nổ mìn đã làm om các phiến đá gây mất an toàn cho thợ khoan và công nhân làm việc ở chân núi. Một số mỏ khai thác đá không thực hiện nghiêm các quy định về khai thác mỏ như không làm đường lên núi theo thiết kế mỏ, trang bị không đầy đủ dụng cụ, bảo hộ lao động cho công nhân... Ðây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lao động rất cao.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác ATVSLÐ, bảo đảm an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thường xảy ra tai nạn (khai thác khoáng sản, xây dựng, chế biến...) và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thông báo công khai các vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLÐ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðồng thời, Sở phối hợp với cơ quan công an điều tra xác định rõ nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để kịp thời giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động và có biện pháp khắc phục nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn tương tự xảy ra.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/208524/bao-dam-an-toan-lao-dong-tai-cac-mo-khai-thac-da