ASEAN gắn kết kinh tế, thúc đẩy tự cường

Vừa qua, 14 sáng kiến của Lào trong năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024 được thông qua với những đánh giá tích cực. Những sáng kiến này vừa mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của ASEAN trong năm 2023, vừa bao trùm những nội dung mới, vấn đề mới.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị AEMR-30. Ảnh: Bộ Công Thương

Định hướng tiếp nối phát triển bao trùm, toàn diện

Vừa qua, tại Luang Prabang, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN diện hẹp lần thứ 30 (AEMR-30). Đây là một trong những sự kiện quan trọng của ASEAN trong những tháng đầu năm. Hội nghị có sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Bộ trưởng Kinh tế các quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, Timor Leste tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên.

Hội nghị được đánh giá là đã thành công tốt đẹp với việc thông qua 14 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế (PED) do Lào đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 dưới chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”. Tất cả 14 sáng kiến này tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững; chuyển đổi hướng đến tương lai số. Các PED năm 2024 được đánh giá là vừa bao gồm các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của ASEAN trong năm 2023, vừa tính đến các nội dung mới, vấn đề mới.

Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2024 trong kênh kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực: Thương mại hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, hải quan, thương mại dịch vụ và di chuyển thể nhân, đầu tư, tài chính, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Cùng với đó, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng thông qua Khung tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF).

Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác đối với hợp tác kinh tế ASEAN, như: Tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); đàm phán Hiệp định Khung ASEAN về kinh tế số (DEFA); Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh; nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)...

Hội nghị cũng thảo luận các nội dung về: Thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tình hình triển khai các sáng kiến về bền vững trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; các khuyến nghị của Nhóm cấp cao đặc trách về hội nhập kinh tế ASEAN liên quan đến việc thực thi kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025; xây dựng kế hoạch chiến lược Cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và chiến lược của ASEAN đối với những vấn đề mới nổi trong các FTA ASEAN+1...

Nhìn lại bức tranh kinh tế ASEAN trong năm 2023, hội nghị ghi nhận những tín hiệu tích cực mà khu vực đạt được. Điều này khẳng định sự thành công của ASEAN khi ghi dấu sự phát triển tích cực giữa bối cảnh bất định của thế giới. Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN dự kiến tăng trưởng 4,7%, cao hơn mức trung bình 3,1% của thế giới. Về thương mại hàng hóa, tính đến quý III/2023, kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 2.600 tỷ USD. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý III/2023, dòng vốn FDI khoảng 41,1 tỷ USD. Du lịch ASEAN cũng phục hồi đáng kể khi thu hút 101,9 triệu du khách năm 2023, tăng 136,2% so với năm 2022.

Nâng tầm sức mạnh để tiến xa

Trong khuôn khổ Hội nghị AEMR-30, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã trao đổi với Hội đồng Kinh doanh ASEAN (ABAC). Trong đó, các Bộ trưởng ASEAN ghi nhận những ưu tiên của ABAC trong năm 2024, cũng như những khuyến nghị của ABAC nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội nghị AEMR-30. Ảnh: ASEAN

Phát biểu tại hội nghị, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024; cam kết phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước ASEAN khác để hoàn tất các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, đóng góp vào thành công chung của năm ASEAN 2024. Việt Nam cũng nhấn mạnh việc dành ưu tiên cho các hoạt động phục hồi và kết nối các nền kinh tế, đặc biệt là việc ưu tiên dành nguồn lực cho các hoạt động đàm phán mới, đàm phán nâng cấp các hiệp định của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác.

Hội nghị AEMR-30 đã đề ra phương hướng và kiến tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế trong ASEAN năm 2024, là bước chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9/2024.

Nhìn vào bức tranh năm 2024 đầy triển vọng về một ASEAN hợp tác sôi động, thực chất, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, ASEAN đã có bước khởi đầu năm 2024 khá thành công, khi tạo ra tiền đề quan trọng cho hợp tác, cũng như tạo ra động lực và sức sống mới cho những bước phát triển xa hơn của ASEAN trong những thập kỷ tới. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là việc liên tục nhấn mạnh các thông điệp về đoàn kết, hợp tác và tự cường thông qua kết quả trao đổi giữa giới chức các nước thành viên ASEAN về tình hình quốc tế và khu vực. Hầu hết các nội dung nghị sự đều đạt được sự đồng thuận cao.

Điều này cho thấy ASEAN nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết của những vấn đề đang đặt ra cũng như hệ lụy, tác động đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Việc các thành viên ASEAN cùng trao đổi giúp các bên hiểu hơn mối quan tâm của nhau, từ đó cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung phù hợp nhất. Qua chính những trao đổi chân thành, thẳng thắn đó, các quốc gia càng thêm thấy trân trọng giá trị của đoàn kết, thống nhất đã tạo nên sức mạnh cho ASEAN vững vàng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bên cạnh nỗ lực củng cố sức mạnh nội khối, ASEAN cũng ngày càng cho thấy những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ với đối tác. Đông đảo giới chuyên gia kinh tế quốc tế chỉ ra rằng, ASEAN đang từng bước trở thành tâm điểm tăng trưởng toàn cầu. Nền tảng quan trọng nhất cho những kỳ vọng này là việc ASEAN đã chứng minh rõ nét rằng, Đông Nam Á là khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng với 65% dân số tại khu vực có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Các yếu tố trên là động lực lớn để đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng với chiến lược phi thường trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa được cải thiện.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-gan-ket-kinh-te-thuc-day-tu-cuong-post473645.html