5 startup công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Indonesia

Công nghệ nông nghiệp ở Đông Nam Á đã có nhiều điểm sáng quan trọng khi các doanh nghiệp nỗ lực giải quyết bài toán mất an ninh lương thực trong khu vực…

Công nghệ nông nghiệp nỗ lực giải quyết bài toán mất an ninh lương thực.

Là một trong những thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia đang nỗ lực đảm bảo nguồn lương thực cho hơn 278 triệu công dân. Một số startup nông nghiệp đã nhanh chóng tận dụng công nghệ để tăng năng suất, cải thiện năng suất, theo dõi sự phát triển của cây trồng, cung cấp nền tảng thanh toán và giao dịch sản phẩm.

Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chính thức khởi động Chương trình Bất động sản Lương thực, giao Bộ Quốc phòng quản lý, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước bằng cách trồng một số loại cây như lúa trên đất nông nghiệp rộng lớn. Ngân sách dự kiến của chương trình là hơn 114 nghìn tỷ IDR.

Dưới đây là một số đại diện nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp tại Indonesia.

DOKTERFRESH

Giải pháp thực phẩm DokterFresh cung cấp cho các gia đình nguồn thực phẩm hữu cơ, sạch và tươi. Nhà nghiên cứu và phát triển web Rasyid Karomi đã quyết định thành lập công ty, cung cấp rau và thực phẩm đông lạnh tại nhà hoặc cả khi khách hàng đang ở ngoài.

Hơn nữa, công ty có hệ sinh thái ứng dụng miễn phí, tập trung vào cơ sở hạ tầng bền vững và hiện đang thiết lập hoạt động kinh doanh tại nhiều khu vực.

AGRIAKU

Công ty hoạt động dựa trên công nghệ AgriAku (kết hợp giữa nông nghiệp và các ứng dụng công nghệ) như một dịch vụ phân phối cho nông dân và một số bên liên quan thông qua ứng dụng. Được thành lập năm 2021 bởi nhà sáng lập Danny Handoko và CEO Irvan Kolonas, giải pháp của công ty giúp nông dân tiếp cận với nhiều sản phẩm và giá tốt hơn thông qua việc số hóa quy trình mua sắm.

Cho đến nay, AgriAku thành công huy động 46 triệu USD trong bốn vòng gọi vốn từ 16 nhà đầu tư, bao gồm Argor Capital, Gentree Fund, Indogen Capital, TNB Aura, Innoven Capital, MDI Ventures và Alpha JWC Ventures. Công ty dự định sử dụng số tiền đã huy động để mở rộng đội ngũ, cung cấp sản phẩm tốt hơn, cho phép khách hàng và thương nhân giao dịch liền mạch và khuyến khích gia nhập thị trường.

FARMLAND ROVER

Công ty công nghệ nông nghiệp Farmland Rover, có trụ sở tại Medan, được thành lập năm 2023. Công ty cung cấp phương tiện bán tự động và tự động, có thể thực hiện nhiệm vụ như phun thuốc trừ sâu khi di chuyển trên đất nông nghiệp. Chiếc xe sử dụng năng lượng mặt trời, giúp phương tiện trở thành giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, Farmland Rover sử dụng phần mềm ArduPilot, chương trình mã nguồn mở hỗ trợ nhiều loại phương tiện khác nhau, chẳng hạn như máy bay trực thăng, để vận hành ở chế độ lái tự động.

CERITECH INDONESIA

IoT trong nông nghiệp là những hệ thống tích hợp công nghệ hiện đại như robot, máy bay không người lái, cảm biến từ xa, và thị giác máy tính.

Được thành lập vào năm 2019, CeriTech Indonesia sử dụng Internet of Things (IoT) quản lý hoạt động thu hoạch cà phê. Nhận thấy chất lượng hạt cà phê không đồng đều do thiếu quy chuẩn chung, anh Aldi Raharja cùng những người cộng sự phát triển hệ thống dựa trên đám mây, theo dõi quá trình sản xuất. Hệ thống sẽ kiểm soát quá trình lên men và sấy khô, đây là một số công đoạn rất quan trọng đối với cà phê và luôn giám sát mọi thứ trong thời gian thực.

Theo Alibaba Cloud, CeriTech Indonesia có kế hoạch tạo ra giải pháp Roaster, cung cấp quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho nhiều nhà máy rang xay. Tiếp đó, công ty có kế hoạch ra mắt nền tảng thương mại điện tử, nơi nông dân có thể bán sản phẩm và trích 10% hoa hồng cho công ty. Cùng với đó, startup cam kết đảm bảo chất lượng hạt cà phê cho khách hàng.

ELEVARM

Năm 2022, cô Lintang Kusuma Pratiwi thành lập Elevarm với mong muốn kết hợp hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, từ đó thúc đẩy năng suất hệ sinh thái nông nghiệp. Giải pháp trao quyền cho những người nông dân, giúp họ làm giàu đất, đạt năng suất cao và phát triển bền vững. Hơn nữa, ứng dụng còn dân chủ hóa khả năng tiếp cận giải pháp tài chính để thanh toán các sản phẩm nông nghiệp.

Công ty sở hữu nền tảng năng suất nông nghiệp, giám sát đất đai và quản lý dự án hiệu quả. Ngoài ra, Elevarm có khu vực giao dịch nông sản, nơi doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ mạng lưới cung ứng đáng tin cậy trong hệ sinh thái. Elevarm thành công gọi vốn ở hai vòng tài trợ, gần đây nhất là vòng hỗ trợ phi vốn chủ sở hữu. Các nhà đầu tư bao gồm Endeavour Indonesia, Insignia Ventures Partners, 500 Global, Gibran Huzaifah, v.v.

HƯỚNG TỚI ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC NHỜ CÔNG NGHỆ

Hầu hết công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp ở Đông Nam Á có nhiều lợi thế, giúp người dân canh tác hiệu quả với chi phí thấp và bền vững. Tuy nhiên, Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như sự mong manh của chuỗi cung ứng, thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng kém phát triển ở khu vực nông thôn.

Hơn nữa, chi phí áp dụng công nghệ khá cao, cần đào tạo thêm nhân lực số hóa và canh tác hiện đại. Ngoài ra tính bền vững là vấn đề cần được nhắc đến khi phân bón có hại làm hỏng đất và thấm xuống mạch nước ngầm, gây hại cho con người.

Tuy nhiên, hy vọng các startup công nghệ nông nghiệp ở Indonesia có thể tạo ra sự khác biệt, đổi mới giải pháp, đảm bảo các loại cây trồng khỏe mạnh từ nguồn nhiên liệu bền vững như năng lượng mặt trời. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chung tay đẩy mạnh cải tiến công nghệ như Internet of Things (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) khi xử lý dữ liệu được thu thập bởi cảm biến máy.

Sơn Trần

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/5-startup-cong-nghe-hang-dau-trong-linh-vuc-nong-nghiep-tai-indonesia.htm