Ý nghĩa Ngày Giải phóng miền Nam 30/4

Ngày 30/4/1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu sự hoàn hành công cuộc vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

30/4 là ngày lễ lớn, người lao động được nghỉ một ngày. Vì ngay sau đó là Ngày Quốc tế Lao động 1/5 nên kỳ nghỉ được gộp, và người lao động có thể được nghỉ liền 4-5 ngày nếu dịp lễ gần với cuối tuần.

Lịch sử Ngày Giải phóng miền Nam 30/4

Ngày 30/4/1975 là một ngày đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, là ngày mà miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh và thống nhất đất nước. Mỗi năm, vào ngày này, người dân đều nhớ lại hình ảnh chiếc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt qua cổng sắt và tiến vào Dinh Độc lập. Đó là biểu tượng của sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập và tự do, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lập lại nền hòa bình.

Mỗi năm, vào ngày 30/4, người dân đều nhớ lại hình ảnh chiếc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt qua cổng sắt và tiến vào Dinh Độc lập.

Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận thấy rằng tình hình lực lượng ở miền Nam đang có những biến chuyển tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho Cách mạng. Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị đề ra chiến lược để thực hiện mục tiêu này trong năm 1975 và 1976.

Việc này được Bộ Chính trị khẳng định mạnh mẽ với tuyên bố rằng "cả năm 1975 là thời cơ" và xác định rõ ràng "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì ngay lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam".

Thành công của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng càng tiếp thêm động lực, đẩy mạnh quyết tâm hoàn thành chiến lược giải phóng miền Nam một cách sớm nhất. Do đó, Bộ Chính trị ra quyết định tập trung lực lượng, vũ khí, kỹ thuật và vật chất một cách nhanh chóng trước khi mùa mưa đến, và đặt tên cho chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vào ngày 26/4, lúc 17h, quân đội Việt Nam đã khởi động chiến dịch này. Lực lượng của chúng ta nhanh chóng vượt qua tuyến phòng thủ của địch và tiến vào trung tâm Sài Gòn, chiếm đóng cơ quan chính trị của địch. Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4, các xe tăng bộ binh tiến vào Dinh Độc Lập, đánh đổ cổng và chiếm đóng toàn bộ khu vực này.

Tổng thống Dương Văn Minh, người mới nhậm chức vào ngày 28/4, đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Ý nghĩa Ngày Giải phóng miền Nam 30/4

Ngày 30/4/1975 đặt một mốc son vẻ vang và hào hùng chính thức kết thúc chiến tranh, là ngày đập tan ách thống trị thực dân cũng như cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, kết thúc cuộc đấu tranh trường kỳ cứu nước vô cùng khó khăn và vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Ngày 30/4/1975 là ngày mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ ngày này, toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân đã hội tụ sức mạnh và trí tuệ để chữa lành những vết thương của chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng vào ngày 30/4/1975 là một thành tựu vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tiếp nối truyền thống giữ nước mấy nghìn năm của cha ông. Quân và dân ta đã chiến thắng một trong những kẻ thù mạnh nhất, chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm để giành lấy độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc.

Đó là sự kết thúc hàng thế kỷ thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên lãnh thổ của chúng ta. Thắng lợi này cũng là minh chứng cho sự đoàn kết và khả năng của lực lượng cách mạng thế giới, đồng thời cổ vũ và khích lệ các dân tộc khác đang chiến đấu cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ý nghĩa Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 chứng minh được tinh thần bất khuất, tự cường, tự lực, bền bỉ, hào hùng của dân tộc Việt Nam ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, chứng minh cho sức mạnh đoàn kết, truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta. Kỷ niệm ngày lịch sử này chính là nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hy sinh của biết bao đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do và phát triển như ngày nay.

Tùy Ý (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/y-nghia-ngay-giai-phong-mien-nam-30-4-ar867090.html