Xuân về xã an toàn khu Gia Phong

Mùa xuân này, về Gia Phong-vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Gia Viễn, nhiều công trình đường giao thông, nhà văn hóa thôn, xóm, địa điểm luyện tập thể thao… được xây dựng khang trang, rộng rãi. Đặc biệt, với việc vừa được công nhận là xã An toàn khu sẽ mở ra cơ hội mới cho Gia Phong trên con đường xây dựng và phát triển.

Đường giao thông ở xã nông thôn mới Gia Phong ngày càng khang trang, rộng rãi. Ảnh: Minh Quang

Đường giao thông ở xã nông thôn mới Gia Phong ngày càng khang trang, rộng rãi. Ảnh: Minh Quang

Niềm tự hào về truyền thống cách mạng

Giới thiệu với chúng tôi về các di tích lịch sử trên địa bàn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, ông Nguyễn Danh Phương, 88 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng ở xóm 3 Ngọc Động tự hào khi nhắc về truyền thống cách mạng của quê hương. Đình làng Ngọc Thượng, chùa Am Trạch, chùa Lỗi Sơn, đình Danh Động… đều là những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương cũng như huyện Gia Viễn.

Giới thiệu cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Gia Phong, ông Nguyễn Danh Phương đã cùng chúng tôi "ngược dòng" lịch sử để tìm hiểu kỹ hơn về quá trình đấu tranh cách mạng của một địa phương nhiều khó khăn vùng chiêm trũng.

Là nơi có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm, lại là nơi nằm trong Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu - Trung tâm của Chiến khu Quang Trung (tháng 3/1945 Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu được mở rộng ra Sinh Dược, Lỗi Sơn…). Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan-cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ đã đến làng Lũ Phong-xã Quỳnh Lưu tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Tháng 9/1927, tại làng Lũ Phong, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đầu tiên ở Ninh Bình được thành lập. Đồng chí Lương Văn Thăng được cử làm Bí thư Chi bộ đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Sự kiện này không những nói lên tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân địa phương mà còn là mốc lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân trong xã.

Từ đây, Đảng bộ và nhân dân Gia Phong đã đoàn kết đứng lên theo ngọn cờ cách mạng, luôn giữ vững khí tiết cách mạng, bảo vệ cán bộ, cơ sở của Đảng, của cách mạng. Công tác giao thông liên lạc luôn được duy trì, bảo đảm an toàn bí mật đưa đón cán bộ cấp trên về hoạt động. Phong trào cách mạng được giữ vững và ngày càng phát triển…

Xã Gia Phong nằm tiếp giáp xã Sơn Lai và xã Sơn Thành (Nho Quan) - là xã An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Xã Gia Phong là vùng đất có địa hình sông, núi đan xen phù hợp với thế trận phòng thủ an ninh, quốc phòng. Vì vậy, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Gia Phong được Liên khu 3 lựa chọn để xây dựng chiến khu Quang Trung (Hòa-Ninh-Thanh).

Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Gia Phong đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2002, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho nhân dân xã Gia Phong. Tính đến thời điểm hiện nay, xã Gia Phong có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 89 lão thành cách mạng; 29 cán bộ tiền khởi nghĩa; 16 gia đình có công với nước; 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 152 liệt sĩ.

Ngày 15/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-TTg công nhận xã Gia Phong là xã An toàn khu. Đây là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Gia Phong trong hai cuộc kháng chiến, là sự tri ân nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trên mảnh đất này, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc…

Trong câu chuyện về truyền thống lịch sử của quê hương, ông Nguyễn Danh Phương xúc động chia sẻ: Tự hào là người con quê hương Gia Phong giàu truyền thống cách mạng, tôi đã không ngừng nỗ lực học tập, công tác. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục với cương vị là giáo viên rồi Hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn C, tôi luôn chú trọng giáo dục về truyền thống lịch sử quê hương, đất nước cho học sinh, khơi dậy trong các em ý thức rèn luyện, học tập để góp phần xây dựng quê hương. Về nghỉ hưu tại địa phương, tôi đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại khu dân cư. Gia đình tôi luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương, dạy bảo con cháu chăm ngoan, học tốt. Gia đình tôi có 2 con trai là kỹ sư điện, 2 con gái, 2 con dâu đều công tác trong ngành giáo dục, các cháu nội, ngoại đều học đại học…

Đại tá Nguyễn Nam Long, công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, một người con của Gia Phong cũng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên, trưởng thành trên quê hương Gia Phong, với niềm tự hào về quê hương nên tôi luôn tự nhủ phải tích cực học tập, công tác, góp phần xây dựng quê hương. Bản thân tôi luôn giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho con cái để các cháu không quên nguồn cội và xây dựng thái độ học tập nghiêm túc…

Vươn lên trong thời kỳ mới

Đồng chí Đinh Huy Lựa, Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết: Xuất phát điểm của Gia Phong là xã vùng chiêm trũng còn nhiều khó khăn, thường xuyên gánh chịu thiên tai, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là "cú hích" để cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục nỗ lực, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua, trong đó có phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", lao động sản xuất để giữ vững các tiêu chí và phấn đấu vươn lên dấu mốc mới là đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" tại xóm 1 Ngọc Động của Hội Phụ nữ xã. Ảnh: Lý Nhân

Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng chiêm trũng. Tổng diện tích trồng lúa năm 2023 toàn xã là hơn 312 ha, trong đó mô hình cá-lúa là 84,7 ha; triển khai sản xuất mô hình lúa chét kết hợp với nuôi thủy sản; chuyển 10,54 ha trồng lúa sang trồng sen bản địa. Đây là hướng đi đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu thị trường, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống trước đây.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã đã phát triển mạnh các ngành nghề và dịch vụ. Trong đó, về vận tải thủy, trên địa bàn xã đang duy trì vận hành 104 tàu, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nghề phụ như thợ xây dựng có việc làm thường xuyên, thu nhập khá. Chợ Đình Chung, điểm buôn bán ở xóm 1 Ngọc Động được quản lý, hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân…

Nếu như năm 2018 là năm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 33,2 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2023, mức thu nhập này đã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Sau 6 năm, mức thu nhập của người dân Gia Phong đã tăng gần gấp đôi.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xã Gia Phong luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo… Triển khai kế hoạch thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh, toàn xã có 3 hộ được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa là 250 triệu đồng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của xã có số dư cuối kỳ là hơn 115 triệu đồng, đã chi hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà, thăm hỏi, tặng quà các trường hợp người dân gặp khó khăn… Với nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 2,67%, cận nghèo còn 1,24%, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 36,49%.

Những khởi sắc trong phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để xã từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Các đoàn thể của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa. Các mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp", "Đẹp từ nhà ra ngõ"… đã thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, đem lại diện mạo mới cho nông thôn mới Gia Phong. Năm 2023, xóm 1 Lỗi Sơn và xóm 2 Ngọc Động được huyện công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Xã đang tiếp tục hướng dẫn xóm 3 Lỗi Sơn và xóm 3 Ngọc Động thực hiện các tiêu chí về đích khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, người dân Gia Phong đang từng ngày, từng giờ nỗ lực vượt khó, đem lại sự đổi thay tích cực cho diện mạo vùng quê. Đặc biệt, việc được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận là xã An toàn khu đã tạo điều kiện cho xã có nhiều cơ hội để đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xuan-ve-xa-an-toan-khu-gia-phong/d20240125222730566.htm