Xu hướng đọc sách đáng lo ngại tại Hàn Quốc

Theo Korea Times, 6/10 người trưởng thành Hàn Quốc không đọc một cuốn sách nào trong năm 2023.

Một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc về xu hướng đọc sách của người dân đã công bố kết quả cuối tháng 4. Theo đó, người dân Hàn Quốc không thực sự thích đọc sách.

Cụ thể, 6/10 người trưởng thành ở Hàn Quốc hoàn toàn không đọc hoặc nghe một cuốn sách nào vào năm 2023. Báo cáo cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tất cả chỉ số liên quan đến việc đọc, chẳng hạn số người đọc sách, số lượng sách đã đọc và số lượng sách bán ra.

Cuộc khảo sát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc thực hiện đã khảo sát ý kiến 5.000 người trưởng thành và 2.400 học sinh từ lớp 4 đến cấp trung học.

Người dân Hàn Quốc đọc sách trong một sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc tại Cheonggye, ngày 1/4. Ảnh: Yonhap.

Tỷ lệ đọc của người lớn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 - tháng 8/2023 là 43%, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện kể từ năm 1994. Con số này giảm 4,5% so với cuộc khảo sát trước đó được thực hiện vào năm 2021.

Cũng theo báo cáo này, sự suy giảm nhu cầu đọc sách ở Hàn Quốc diễn ra khi mức tiêu thụ nội dung số của người dân ngày càng tăng. Nhịp sống hiện đại nhanh chóng cũng phần nào khiến thời gian dành cho việc đọc truyền thống ngày càng ít đi.

Trung bình người trưởng thành tại Hàn Quốc chỉ đọc 3,9 cuốn sách vào năm 2023. Con số này thậm chí giảm xuống còn 1,7 khi chỉ tính sách in và loại trừ nội dung trên webtoon.

Thêm vào đó, số lượng sách in trung bình bán ra/độc giả chỉ dừng ở mức 1 cuốn. Đối với sách điện tử, tỷ lệ cao hơn một chút, ở mức 1,2 cuốn/người.

Liên quan tới nhóm tuổi, mức thu nhập

Tỷ lệ đọc sách cao nhất diễn ra ở nhóm tuổi 20. Giới trẻ Hàn Quốc có tỷ lệ đọc toàn diện là 74,5%, mặc dù vẫn giảm 3,6% so với cuộc khảo sát trước đó.

Tỷ lệ đọc của những người ở độ tuổi 30 và 40 thấp hơn, lần lượt ở mức 68% và 47,9%. Trong khi đó, những người trên 60 tuổi đọc ít sách nhất, chỉ ở mức 15,5%, giảm 8,1% so với kết quả khảo sát lần trước.

Nghiên cứu cũng cho thấy sự liên hệ giữa thói quen đọc sách và mức thu nhập. Những người có thu nhập thấp ngày càng tránh xa sách và mức chênh lệch giữa thói quen đọc sách của người giàu - người nghèo tại Hàn Quốc cũng ngày càng tăng.

Cụ thể, những người có thu nhập ít hơn 2 triệu won (1.438 USD)/tháng có tỷ lệ đọc chỉ 9,8%, so với 54,7% ở những người kiếm được trên 5 triệu won/tháng. Khoảng cách này cho thấy những thách thức lớn về kinh tế xã hội trong việc thúc đẩy văn hóa đọc.

Xu hướng đáng lo ngại

Cuộc khảo sát trên nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đưa ra các chính sách và sáng kiến nhằm khuyến khích việc đọc sách ở mọi tầng lớp trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là ở những người có thu nhập thấp và người già, những đối tượng dần bị bỏ lại phía sau trong thời đại kỹ thuật số.

Cuộc khảo sát cũng lưu ý xu hướng trên đang trở nên đáng lo ngại khi việc người dân ngày càng ít đọc sách có thể liên quan đến sự gia tăng các trường hợp mắc chứng khó đọc và suy giảm khả năng tập trung nói chung của cộng đồng.

Về lý do ít đọc sách, người trưởng thành cho rằng “công việc bận nên thiếu thời gian” (24,4%) là nguyên nhân chính khiến họ không đọc sách. Các lý do đáng chú ý khác bao gồm việc sử dụng các phương tiện thay thế như điện thoại thông minh và trò chơi (23,4%) và thiếu thói quen đọc sách (11,3%). Đối với sinh viên, trở ngại chính là họ phải dành thời gian cho việc học (31,2%).

Đối với báo cáo này, ngành xuất bản Hàn Quốc nhận thấy nhiều tín hiệu đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng nhà xuất bản mới vẫn tiếp tục tăng hàng năm.

Cũng theo khảo sát của chính phủ Hàn Quốc, có 77.324 công ty xuất bản đăng ký hoạt động vào năm ngoái. Với 3.000 đến 4.000 nhà xuất bản mới gia nhập thị trường mỗi năm, bao gồm cả những nhà xuất bản nhỏ lẻ, con số này dự kiến sớm vượt qua tổng số quán cà phê trên Hàn Quốc, khi có thể lên tới gần 100.000 nhà xuất bản.

Đại diện một công ty xuất bản Hàn Quốc cho biết: "Có nhiều người sản xuất sách hơn là người tiêu thụ chúng. Nguồn cung ngày càng tăng trong khi nhu cầu không có cuối cùng sẽ dẫn đến việc toàn ngành xuất bản bị suy yếu và chất lượng xuất bản sụt giảm".

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/xu-huong-doc-sach-dang-lo-ngai-tai-han-quoc-post1471363.html