XEM XÉT KỸ LƯỠNG VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ vai trò, giá trị của địa chất và khoáng sản, Theo đó, cần xem xét kỹ lưỡng về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản…

Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất. Ngoài ra, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Toàn cảnh Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Sau hơn 13 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất… Mặt khác, hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Do đó, cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc xây dựng, ban hành Luật phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia đối với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản là vấn đề giấy phép khai thác khoáng sản. Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, trong dự án Luật quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV (Điều 113); giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II (mục 3 Chương VI) và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố (Điều 30).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên.

Bổ sung việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các nội dung sau: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương (Điều 112); Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 36).

Về cải cách thủ tục hành chính: Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục hành chính. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.

Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ: đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm đi 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Liên quan đến nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần làm rõ vai trò, giá trị của địa chất và khoáng sản. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tài nguyên khoáng sản hiện đang cạn kiệt. Liệu chúng ta có thể dự trữ được khoáng sản được hay không? Nếu việc dự trữ không thay đổi thì liệu còn phù hợp không trong khi khai thác khoáng sản phải đi liền với bảo vệ môi trường? Mặt khác, việc giấy phép khai thác khoáng sản được cấp nhiều thì việc dự trữ sẽ như thế nào?

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng cho rằng, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thường là giống nhau nhưng trữ lượng, tính chất của các khoáng sản lại khác nhau thì rất khó có thể kiểm soát được việc dự trữ những loại khoáng sản quý hiếm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung này.

Đóng góp ý kiến về giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại Điều 59, đại biểu Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Quy định như dự thảo Luật hiện nay thì nội dung Giấy phép khoáng sản chưa bao gồm địa điểm sử dụng, chế biến khoáng sản sau khi khai thác.

Đại biểu Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết với trường hợp khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp thì việc không quy định địa điểm chế biến khoáng sản hoặc nhà máy chế biến khoáng sản thì có ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản đã được quy hoạch hay không? Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương cho ý kiến thêm để làm rõ hơn về nội dung này.

Đứng ở góc độ khác, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm: Dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần được rà soát kỹ lưỡng đối với các quy định, nội dung mới được cử tri, Nhân dân quan tâm như tiêu chí đảm bảo quốc gia, đảm bảo an ninh trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể trong việc khai thác những khoáng sản quý hiếm, có trữ lượng hạn chế...

Ngoài ra, dự án Luật cần có sự điều chỉnh trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. Theo đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không nên kéo dài và có thể điều chỉnh từ 5 năm xuống còn 3 năm.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Với những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, thống nhất ý kiến về việc dự án Luật đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo quy định hiện hành.

Thứ hai, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến của các vị đại biểu, trong đó tập trung vào quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật lần này; phạm vi điều chỉnh, nội dung các chương, điều của dự thảo Luật. Những ý kiến đóng góp, đề xuất cho dự án Luật sẽ được nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, ngay sau phiên họp thẩm tra sơ bộ, đề nghị Tiểu ban Môi trường và Biến đổi khí hậu khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu đã phát biểu, hoàn thiện Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ, gửi xin ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, kịp thời báo cáo Chủ nhiệm Ủy ban để ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thời hạn quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Thứ tư, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sớm gửi báo cáo tham gia thẩm tra cho Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo thời hạn đã yêu cầu để kịp tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ năm, về phía cơ quan soạn thảo, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các ý kiến góp ý; dự kiến những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật làm cơ sở để báo cáo bổ sung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86515