Xây dựng văn minh đô thị thành phố Biên Hòa

Ngày 10-5-1993, thành phố Biên Hòa được công nhận đô thị loại II và đến ngày 30-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2488/QĐ-TTg công nhận đô thị loại I. Trong hồ sơ đánh giá đô thị loại I, có nội dung lưu ý: Đô thị Biên Hòa còn ít xanh, chưa thật sạch, thiếu các công trình công cộng phục vụ nhân dân.

Đô thị Biên Hòa. Ảnh tư liệu

Đô thị Biên Hòa. Ảnh tư liệu

Luôn trăn trở với những điều lưu ý ấy, ngày 24-4-2024, UBND thành phố Biên Hòa phối hợp với Báo Đồng Nai tổ chức tọa đàm khoa học về chủ đề Huy động nguồn lực con người xây dựng văn minh đô thị Biên Hòa. Tọa đàm khoa học có hơn 80 người tham dự, 16 tham luận được tích hợp và trình bày; bàn đến hai chủ đề: Xây dựng đô thị văn minh và phát huy nhân tố con người.

Từ thực trạng hướng đến đô thị văn minh

Nhiều năm qua, thành phố Biên Hòa đã có nhiều cố gắng trong quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý và vận động nhân dân chung tay xây dựng đô thị loại I Biên Hòa; đạt được nhiều kết quả quan trọng được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao như: Mở rộng và tạo thêm không gian công cộng, công viên, cây xanh, bãi đậu xe, điểm vui chơi giải trí, cảnh quan ven bờ sông suối, xây dựng nhiều mô hình tự quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp ở một số phường…

Các tham luận và phát biểu thẳng thắn nhận diện Biên Hòa chưa xứng tầm với đô thị văn minh, chưa đạt các tiêu chí về đô thị xanh (mới chỉ có 23 công viên, 18 hécta, bình quân 1,5m2/người, thấp hơn các đô thị đồng hạng khác; cách xa chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 06/TW đạt 6-8m2/người năm 2025 và đạt 8-10m2/người vào năm 2030); chưa đạt tiêu chí “đô thị carbon thấp”; quản lý và phát huy di sản văn hóa chưa đồng bộ và chưa đạt hiệu quả cao; thiếu không gian mỹ thuật công cộng vốn là lợi thế và bản sắc của Biên Hòa; phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa đồng bộ và hài hòa với an sinh xã hội… Vì vậy, con đường còn dài và lắm gian nan đến với văn minh đô thị.

Đại biểu tham dự tọa đàm khoa học về chủ đề Huy động nguồn lực con người xây dựng văn minh đô thị Biên Hòa và cư dân Biên Hòa kỳ vọng kết quả tọa đàm sẽ được các cơ quan thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu, vận dụng thực hiện nhằm đáp ứng nguyện vọng của dân, đạt các giá trị của một đô thị văn minh, hội nhập, bản sắc, xứng danh đô thị Biên Hòa truyền thống và hiện đại, đáng sống và đáng tự hào.

Đô thị văn minh là tổng thể các thiết chế và giá trị phục vụ tốt nhất cho đời sống cư dân đô thị theo hướng an toàn, tiến bộ, tiện ích, bền vững; khác với đô thị thông minh (thiên về kỹ nghệ) ở ứng xử của con người, vì con người; tức là ở các giá trị văn hóa - nhân văn trong đời sống, chất lượng sống, môi trường sống.

Để xây dựng đô thị văn minh, thành phố Biên Hòa cần vươn đến các giá trị cao hơn: Phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp; ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám UAV để xác định các chỉ số đô thị xanh; xây dựng không gian văn hóa - mỹ thuật công cộng đẹp và bản sắc; đạt chỉ số về “carbon thấp”; phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Huy động, phát huy nhân tố con người

Muốn có đô thị văn minh phải có con người văn minh đô thị. Cư dân Biên Hòa là người hưởng thụ đồng thời là chủ thể của đô thị văn minh, chủ lực xây dựng đô thị văn minh. Huy động mọi nguồn lực cho việc xây dựng đô thị văn minh, ngoài các nguồn lực về tài vật, trước hết và quan trọng hơn hết là nguồn lực về nhân lực.

Các ý kiến phát biểu và tham luận đều khẳng định: Huy động, phát huy nhân tố con người trong xây dựng đô thị văn minh là nguồn lực quan trọng nhất; trước hết là đề cao trách nhiệm và vai trò nêu gương trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, xã hội; khơi động sức mạnh nội sinh của các đoàn thể, tổ chức nhân dân, nòng cốt là Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở. Trong đó, có vai trò của truyền thông và các nhóm tình nguyện xanh; phát động thực hiện thống nhất và đồng bộ các phong trào xây dựng địa bàn - đường phố xanh, sạch, đẹp, sáng, an ninh, trật tự; nhân rộng các điển hình tốt đã có (như ở các phường Thanh Bình, Quang Vinh, Thống Nhất, Quyết Thắng, Trảng Dài); giáo dục cộng đồng bắt đầu từ gia đình đến nhà trường và các tổ chức đoàn thể, xã hội.

Các nhóm vấn đề cần tập trung xử lý

Trong thực hiện, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa phương hướng, mục tiêu từ “trang giấy” đi vào thực tế cuộc sống; xác định nhiệm vụ cụ thể trước mắt và lâu dài; kiên trì vận động, thuyết phục để tạo thống nhất trong lãnh đạo, đồng thuận trong dân, hiệu quả trong thực tế; chọn các giải pháp khả thi làm trước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tốt thành phong trào chung, xem đó là thi đua yêu nước, yêu thành phố quê hương. Có các nội dung cụ thể, trước mắt được các đại biểu gợi ý cần tập trung lãnh đạo.

Tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục, làm thay đổi nhận thức trong mọi tầng lớp cư dân Biên Hòa, kiên trì vận động để mọi người, mọi tổ chức cơ quan đều hiểu đúng và thực hành đúng theo trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình; tự điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong ứng xử thường ngày; đề cao vai trò tự quản, giám sát của dân.

Xử lý rác thải sinh hoạt đồng bộ, hợp lý các khâu (phân loại, thu gom, tập trung, xử lý) ở các khu vực (nơi ở, đường phố, khu công cộng) bằng nhiều giải pháp (giáo dục, động viên, giám sát, biểu dương, xử phạt) hình thành thói quen (cá nhân và cộng đồng), tạo phong trào đồng bộ, thống nhất, ổn định, bền chắc, sạch và đẹp.

Mọi cư dân Biên Hòa đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ, trong đó cán bộ, công chức, viên chức là nòng cốt, vai trò gương mẫu.

Thống nhất trong việc thực hiện bảng, biểu, thông tin quảng cáo khu vực công cộng, nhất là ven đường đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, trật tự xã hội. Việc này, cần có công trình nghiên cứu khoa học, nghị quyết thống nhất, phân cấp hợp lý và kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Kiểm tra, xử lý hợp lý việc chiếm dụng, làm hại, làm bẩn hành lang, vỉa hè vốn đã được quy định; phát động phong trào tự quản, tự chủ của các tổ chức chính trị đoàn thể, nhân dân làm sạch, làm đẹp, làm sáng ở địa bàn cư trú và các tuyến đường.

Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trồng cây xanh, vun đắp vẻ đẹp xanh ở địa bàn; làm xanh, làm đẹp nhà ở, khu phố, công sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở thờ tự, ven đường, ven sông suối trên toàn địa bàn thành phố. Phong trào “trồng cây” gắn với “giữ cây”; tôn vinh cái đẹp, loại trừ cái xấu.

Các nội dung đề xuất đều là những tồn tại cụ thể, khả thi, ít tốn kém, có thể thực hiện được ngay và duy trì lâu dài; nhưng không dễ đạt được nếu thiếu kiên trì và quyết tâm hành động.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/xay-dung-van-minh-do-thi-thanh-pho-bien-hoa-47e3e7a/