Xả 'xì trét' bằng những địa danh

Hôm nay xin hầu chuyện quý bạn đọc một bài vui chỉ để cười sảng khoái nhằm nhanh phục hồi sức khỏe. Cuộc sống luôn biến động và địa lý cũng vậy, với mỗi một yêu cầu lịch sử thì các nhà quy hoạch phải khéo léo tách nhập sao cho địa giới hài hòa.

Với hàng ngàn năm phát triển giao thương, chống ngoại xâm, địa giới chạy đi chạy lại không biết mệt thì địa danh cũng đổi mới không ngừng. Chúng ta có nhiều cố đô cũng vì kinh đô luôn chạy “marathon” từ Phú Thọ, xuống Cổ Loa, về Hoa Lư, ra Thăng Long, vào Huế rồi lại ra Hà Nội. Thậm chí năm 1969 đã có dự kiến muốn đưa thủ đô lên Xuân Hòa tựa vào thế núi, tiện bề phòng thủ, đề phòng Mỹ ném bom, vỡ đê lụt lội.

Khi đọc về tiểu sử giáo sư sáng lập ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam, thấy nhiều tài liệu ghi nơi sinh là làng Bạch Mai, lại không ít văn bản nói ông sinh tại Hà Đông. Tra cứu thêm thì Bạch Mai không di chuyển nhưng Hà Đông thì lúc xa lúc gần do tách nhập. Hóa ra đầu thế kỷ XX, cả khu vực Bạch Mai thuộc tỉnh Hà Đông, một tỉnh lớn hơn Hà Nội rất nhiều, địa giới giáp Phúc Yên, Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh. Sau khi chia tách thì Hà Đông trở thành một thị xã bé nhỏ và nay đã nhập vào Hà Nội. Sau này Bạch Mai được nhập vào thủ đô và quen thuộc đến nỗi ít ai nghĩ con phố này từng thuộc tỉnh khác. Thế nên nếu chăm chỉ tra cứu thì sẽ không bị bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và… bật ngửa. Huyện Thọ Xương bao trùm đất của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một phần của Đống Đa, Ba Đình sau này chỉ còn nhắc đến trong tên ngõ Thọ Xương bé như một cái ngách.

Việc tách nhập thì bao giờ cũng có tên mới mang tính tổng hòa những nét cũ. Thời nhập tỉnh sau 1975, các tỉnh Hà Tuyên là Hà Giang và Tuyên Quang; Hà Nam Ninh là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình; Hải Hưng là Hải Dương, Hưng Yên; Cao Lạng là Cao Bằng và Lạng Sơn; Bắc Thái là Bắc Kạn và Thái Nguyên…

Việc nhập hay tách đương nhiên phải xuất phát từ những yêu cầu phát huy thế mạnh địa phương thuận lợi nhất trong từng thời điểm. Đó là công việc hoạch định tầm nhìn xa. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để cho người dân thích thú ghép tên các tỉnh một cách ngộ nghĩnh chỉ để xả “xì trét” sau thời gian làm việc mệt nhọc. Từ quán nước vỉa hè đến quán bia cỏ, nhân dân không bỏ một chủ đề nào, từ chuyện con cháu đến chuyện hòa bình thế giới. Họ ghép mọi địa danh không cần biết địa lý có gần sát nhau không, miễn vui như chương trình Táo quân Gặp nhau cuối năm. Thí dụ: Thanh Hóa với Quảng Trị thành Hóa Trị; Thái Bình và Hải Dương thành Thái Bình Dương; Quảng Bình với Hà Tĩnh thành tỉnh Bình Tĩnh…

Gần đây, có việc rà soát các quận tại Hà Nội, bật ra quận Hoàn Kiếm chưa đạt chuẩn nên có thể được đưa vào diện sáp nhập với đơn vị nào đó. Câu lạc bộ bia cỏ lại rôm rả xả “xì trét” bằng cách sáp nhập tên quận Hoàn Kiếm với quận khác, ví dụ như nếu ghép với Hai Bà Trưng thì sẽ thành quận Kiếm Hai Bà.

Tiện mồm, họ ghép cả tên đường phố dù cách nhau xa lắc xa lơ. Thí dụ: Hàng Gai nhập Hàng Tre ra phố Gai Tre; Thái Hà nhập Hàng Khoai ra phố Thái Khoai; Hàng Khoai nhập Thái Hà ra phố Khoai Hà; Lĩnh Nam nhập Lương Yên ra phố Lĩnh Lương; Lĩnh Nam nhập Ô Quan Chưởng ra phố Lĩnh Chưởng; Mai Xuân Thưởng nhập Tràng Tiền ra phố Thưởng Tiền; Thi Sách nhập Hàng Đậu ra phố Thi Đậu; Chân Cầm nhập Cầu Gỗ ra phố Chân Gỗ; Hàng Quạt nhập với Chả Cá ra phố Quạt Chả; Nguyễn Khoái nhập với Cảm Hội ra phố Khoái Cảm; Phùng Khắc Khoan nhập với Nguyễn Khoái ra phố Khoan Khoái; Yên Phụ nhập với Hàng Bạc ra phố Phụ Bạc; Hàm Long nhập với Hòe Nhai ra phố Hàm Nhai; Hàng Đào, Hàng Ngang nhập với Hàng Đường ra phố Đào Ngang Đường; Hạ Đình nhập Nhà Hỏa ra phố Hạ Hỏa; Chân Cầm nhập Trung Kính ra phố Chân Kính; Quốc Tử Giám nhập Đốc Ngữ ra phố Giám Đốc; Hàng Cháo nhập Hàng Gà ra phố Cháo Gà; Thiền Quang nhập Quán Gánh (Thường Tín) ra phố Quang Gánh; Nguyễn Siêu nhập Đội Nhân ra phố Siêu Nhân; Vân Đồn nhập Đại La ra phố Đồn Đại; Sinh Từ nhập Từ Hoa ra phố Từ Từ; Lê Văn Hưu nhập Hoàng Tích Trí ra phố Hưu Trí; Lạc Trung nhập Dịch Vọng Hậu ra phố Lạc Hậu…

Mời bạn đọc ghép thử xem kết quả thế nào nhé: Lê Văn Hưu nhập Hoàng Tích Trí; Lạc Trung nhập Dịch Vọng Hậu; Trung Liệt nhập với Hàng Chiếu.

Trò chơi chữ này vui sảng khoái không nặng đầu, như thang thuốc bổ vậy. Còn những việc làm hài lòng tất cả thì luôn đau đầu. Nói về tách nhập, mọi đơn vị đều đáp ứng đủ một bộ tiêu chí là không dễ. Ngắm chùa Một Cột thấy ô sao ít cột thế? nhìn chùa Trăm Gian là bảo thừa nhiều gian thế? Hay là…

Các nhà hoạch định tính toán thật khó làm sao để hài hòa bốn phương tám hướng. Hy vọng mọi điều chỉnh luôn có những ích lợi để thay đổi diện mạo thủ đô.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/xa-xi-tret-bang-nhung-dia-danh-i704416/