Vợ chồng họa sĩ 9X khơi dậy đam mê cho trẻ tự kỷ

Cùng nhau dạy vẽ miễn phí cho trẻ tự kỷ, cặp vợ chồng họa sĩ 9X Nguyễn Thu Dung và Bùi Đức Cảnh đã khơi dậy niềm hạnh phúc cho nhiều em nhỏ thiệt thòi ở Hà Nội.

 Vợ chồng họa sĩ Thu Dung và Đức Cảnh

Vợ chồng họa sĩ Thu Dung và Đức Cảnh

Dạy trẻ mắc chứng tự kỷ cũng là dạy cho mình lòng kiên nhẫn

"Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa một tiềm năng có thể chưa được biết đến, trẻ mắc chứng tự kỷ cũng thế. Và môn hội họa lại rất phù hợp với các bạn ấy. Vì thế, vợ chồng mình mong muốn có thể khơi dậy tài năng của các bạn nhỏ, giúp các em có thể tạo ra nhiều giá trị cho bản thân và được nhìn nhận đúng năng lực của mình", vợ chồng họa sĩ, cô giáo Nguyễn Thu Dung chia sẻ.

Theo cô Dung, cũng như những đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ là những em nhỏ có tâm hồn trẻ thơ thuần khiết. Nhưng trẻ mắc chứng tự kỷ thường có cá tính hơn và thể hiện điều đó rất rõ nét. Điều này đòi hỏi người làm thầy phải thật kiên nhẫn để đồng hành, tìm hiểu nét riêng ấy và đôi khi phải thuyết phục, dỗ dành để trẻ lắng nghe và hoàn thành tác phẩm một cách tự nguyện.

Phụ trách dạy 13 trẻ đặc biệt, biết bao kỷ niệm đẹp đã đến với cô Dung trong suốt quãng đường đồng hành cùng các "họa sĩ cá tính" này. Chia sẻ về lần đầu dạy hội họa cho trẻ mắc chứng tự kỷ, cô Dung bày tỏ niềm hạnh phúc và ngạc nhiên bởi "không ngờ các bạn có năng khiếu tốt như vậy". Ví dụ như Văn Duy, "họa sĩ" tài năng vẽ Mr. Bean chỉ trong một đường đi của bút. Điều này khiến cô vừa cảm động, vừa thương vừa phục Văn Duy.

Với cô giáo Thu Dung, mỗi em học sinh mắc chứng tự kỷ mang một màu sắc khác nhau, khiến cho lớp học như một khu vườn trẻ thơ

Với cô giáo Thu Dung, mỗi em học sinh mắc chứng tự kỷ mang một màu sắc khác nhau, khiến cho lớp học như một khu vườn trẻ thơ

Hay kỷ niệm với Hải Long - cậu bé mà lần đầu tiên gặp, cô Dung thấy em hét ú ớ và gần như mất kiểm soát trong hành động. Nhưng sau mấy lần trò chuyện, dạy vẽ, Hải Long đã thay đổi rất nhiều. Cậu bé là người sống rất tình cảm, yêu mến thầy cô và còn biết quan tâm cô bằng cách đề nghị đấm vai khi cô mỏi, hỏi han sức khỏe cô sau những tiết dạy; hay đơn giản là thể hiện sự "ghen tị" một cách đáng yêu khi muốn cô quan tâm đến mình hơn các bạn khác.

Hoặc như bạn Hải, một cậu bé thân thiện, có giọng nói nhẹ nhàng, làm gì cũng sợ phiền cô và các bạn nên luôn xin phép; là Hiếu - một "nghệ sĩ" tài năng không chỉ vẽ đẹp mà còn chơi saxophone giỏi và có khả năng tính toán rất nhanh.

"13 bạn là 13 màu sắc khác nhau khiến cho lớp học thực sự trở thành một "khu vườn trẻ thơ" đáng yêu, ngay cả thầy cô cũng thấy được thư giãn, vui vẻ, hạnh phúc khi đến đây. Dạy trẻ tự kỷ không chỉ là một công việc thiện nguyện mà thực ra là một công việc "có đi có lại". Các em nhận được niềm vui khi thỏa mãn đam mê sáng tạo, còn thầy cô được các em trao cho tình yêu thương và lòng kiên nhẫn", cô Dung chia sẻ.

Lan tỏa giá trị trong cộng đồng

Họa sĩ Bùi Đức Cảnh cho biết, với trẻ mắc chứng tự kỷ, hội họa là một kênh tích cực giúp trẻ tiếp nhận thông tin, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng quan sát. Đây còn là môn học phối hợp tay, mắt, nâng cao khả năng vận động, điều hòa cảm giác - cảm xúc, giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú ý. Từ đó làm chủ các hành vi một cách có ý thức thông qua các chất liệu, dụng cụ và màu sắc.

Với thầy giáo Bùi Đức Cảnh (ở giữa), hội họa chính là ngôn ngữ để trẻ bày tỏ bản thân, cảm xúc

Với thầy giáo Bùi Đức Cảnh (ở giữa), hội họa chính là ngôn ngữ để trẻ bày tỏ bản thân, cảm xúc

Đặc biệt hội họa còn là một công cụ "giao tiếp" của trẻ, giúp các em giảm bớt các rào cản về ngôn ngữ, tự tin thể hiện bản thân và kết nối với thế giới xung quanh tốt hơn. Hội họa cũng có thể giúp giải tỏa căng thẳng để trẻ có tinh thần thoải mái hơn cho những tiết học quan trọng khác.

"Hội họa không phải một môn học, mà chính là một ngôn ngữ để trẻ bày tỏ bản thân, giãi bày cảm xúc cũng như hiểu bản thân hơn. Đối với trẻ bình thường cũng vậy, mà với trẻ mắc chứng tự kỷ thì hội họa còn giúp các em nói nên được khát vọng của bản thân đối với thế giới xung quanh. Thông qua hội họa, trẻ mắc chứng tự kỷ có thể được khai sáng nhận thức về nhiều nút thắt, nhiều xung đột ẩn sâu trong tiềm thức và thể hiện thành các biểu tượng hữu hình. Từ đó, sẽ có những tác động tích cực, đem lại chuyển biến không ngờ", họa sĩ Bùi Đức Cảnh chia sẻ.

Vợ chồng họa sĩ cũng chia sẻ rằng dạy mỹ thuật cho trẻ mắc chứng tự kỷ không khó, chỉ cần "hiểu" được các em và cùng các em tìm cho mình một phong cách riêng để các em tỏa sáng.

"Mỹ thuật không chỉ là vẽ mà còn thể hiện cá tính, tình cảm và giúp các em phát triển nhân cách. Hội họa và triển lãm chính tác phẩm của mình sẽ giúp các em tự tin hơn, tích cực, tự giác tham gia hoạt động xã hội, có ích cho cộng đồng... Chúng tôi luôn mong muốn có thể làm được điều gì đó giúp được trẻ mắc chứng tự kỷ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Chúng tôi hy vọng sẽ luôn được đồng hành cùng các em trong tương lai", họa sĩ Nguyễn Thu Dung bày tỏ.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cap-vo-chong-hoa-si-9x-khoi-day-dam-me-cho-tre-tu-ky-20240519142513566.htm