Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng Trung Quốc với giá rẻ bất ngờ

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, cùng là loại hàng thép cán nóng, nhưng thời gian qua, Trung Quốc luôn bán giá rẻ hơn nhiều các quốc gia khác từ 32-59 USD/tấn.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tháng 4, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

2 "ông lớn' sản xuất thép cán nóng trong nước đã nộp đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng HRC nhập khẩu.

2 "ông lớn' sản xuất thép cán nóng trong nước đã nộp đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng HRC nhập khẩu.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73%, với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023.

Điều đáng nói, cùng là loại hàng thép cán nóng, nhưng trong thời gian qua, Trung Quốc luôn bán rẻ hơn nhiều các quốc gia khác.

Cụ thể, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32-59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Mới đây, Mỹ đã công bố tăng thuế xe điện Trung Quốc lên hơn 100%, với lý do ngăn chặn hàng giá rẻ tràn ngập nước Mỹ.

Cụ thể, thuế suất với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 102,5% trong năm nay, từ mức 27,5%.

Một số mặt hàng Trung Quốc khác cũng bị tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ đợt này, gồm tấm pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế.

Hiện, Thái Lan cũng đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng Trung Quốc do thép nhập khẩu giá rẻ tràn ngập khiến doanh nghiệp thép xứ sở chùa Vàng chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á.

So sánh giá bán thép cán nóng Trung Quốc với các thị trường khác.

So sánh giá bán thép cán nóng Trung Quốc với các thị trường khác.

Trước làn sóng đổ bộ của thép Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng những năm gần đây, hai "ông lớn" sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã nộp đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng HRC nhập khẩu.

Các doanh nghiệp này mong muốn có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát sáng 11/4, Chủ tịch tập đoàn Trần Đình Long khẳng định việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và áp thuế phòng vệ thương mại. Quyết định có khởi xướng chống phá giá hay không là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Long cũng bày tỏ: "Trước khi là cổ đông Hòa Phát, chúng ta đều là công dân Việt Nam. Mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Đây là điều xuyên suốt không phải chỉ Việt Nam mà cả thế giới, nước nào cũng ủng hộ sản xuất trong nước.

Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước".

Thép cán nóng HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Theo báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam khoảng 10 – hơn 13 triệu tấn/năm.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viet-nam-nhap-khau-thep-can-nong-trung-quoc-voi-gia-re-bat-ngo-192240517094637788.htm