Việt Nam - Đức hợp tác phòng chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường và SCHOTT AG, Tập đoàn thủy tinh chuyên dụng từ Đức đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực phòng chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Buổi làm việc giữa Tổng cục QLTT và SCHOTT AG, ngày 25/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Châu)

Buổi làm việc giữa Tổng cục QLTT và SCHOTT AG, ngày 25/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Châu)

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tiếp tục là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Báo cáo Thương mại hàng giả toàn cầu do OECD và EUIPO công bố, hoạt động giao dịch hàng giả được định giá khoảng 449 tỷ USD và chiếm 2,5% tổng giao dịch thương mại toàn cầu vào năm 2019.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây ra mối đe dọa đáng kể về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp chân chính như mất doanh thu và tăng chi phí thay thế.

Để hạn chế tình trạng này, Tổng cục QLTT và SCHOTT AG dự kiến tăng cường phối hợp trong việc phòng chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, cũng như nâng cao nhận thức về hàng thật và hàng giả.

Theo đó, SCHOTT AG hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ QLTT trong việc phát hiện và xác minh các sản phẩm giả mạo tại thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động như hội thảo/đào tạo kỹ thuật, kiểm tra các hoạt động khác.

Sự hợp tác giữa Tổng cục QLTT và SCHOTT AG sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước nguy cơ mua phải những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo thương hiệu SCHOTT CERAN.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hàng giả, hàng nhái đang được bày bán tràn lan tại Việt Nam, trong đó có các thương hiệu lớn như SCHOTT CERAN.

“Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục QLTT đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong các hoạt động kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động làm hàng giả và truy cứu trách nhiệm các cá nhân vi phạm. Sự phối hợp giữa các nhãn hiệu với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ giúp các đơn vị thực thi nhanh chóng phát hiện các sản phẩm vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”, ông Trần Hữu Linh cho biết.

Lế ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực phòng chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Hồng Châu)

Lế ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực phòng chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Hồng Châu)

Theo ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam, việc ký kết Biên bản ghi nhớ là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và an toàn cho người tiêu dùng.

"Các sản phẩm giả mạo không chỉ gây tổn hại đến uy tín và sự đổi mới của các doanh nghiệp chân chính, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân nói chung. Bằng cách cùng nhau đẩy lùi hoạt động bất hợp pháp này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, mang lại nhiều lợi ích tới nền kinh tế và xã hội của hai nước", ông Simon Kreye cho hay.

Bà Katja Dybowski, Giám đốc Kinh doanh dòng sản phẩm CERAN khu vực châu Á của SCHOTT AG chia sẻ, không có doanh nghiệp nào có thể đơn phương độc mã chống lại mạng lưới sản xuất và phân phối hàng giả được tổ chức rất tinh vi và bài bản.

"Chúng tôi tin rằng sự hợp tác với các cơ quan chức năng hàng đầu như Tổng cục QLTT là chìa khóa để giảm thiểu vấn nạn hàng giả, hàng nhái này", bà Katja Dybowski nói.

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-duc-hop-tac-phong-chong-hang-gia-va-vi-pham-so-huu-tri-tue-224803.html