Việt Nam có nên xây dựng nhà máy sản xuất chip?

Việt Nam nên tiếp tục thế mạnh của mình trong lĩnh vực thiết kế, đóng gói, thử nghiệm và lắp ráp để từng bước học hỏi tiến tới mở nhà máy sản xuất chip.

Hãng tin Reuters (Mỹ) mới đây cho biết Việt Nam (VN) đang đàm phán với các công ty sản xuất chip nhằm mục đích xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của mình. Mục tiêu của VN là tạo ra những con chip tầm trung sử dụng cho ô tô và viễn thông.

Việc VN mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất chip được xem là khá hợp lý trong bối cảnh VN và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Mỹ đã cam kết hỗ trợ phát triển hệ sinh thái chip cho VN về cơ sở hạ tầng, nhân lực. Chưa kể nhiều công ty chip hàng đầu của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries, Synopsys… đang đầu tư và hoạt động tại VN.

Từng sản xuất thành công chip

Thực tế VN từng đầu tư bài bản và sản xuất thành công chip vào thập niên 1970. Nhà máy Z181 đã sản xuất thành công những con chip được xem là hiện đại nhất thời điểm đó. Cũng trong thập niên 1970, Samsung mới bắt tay vào sản xuất chip và đến thập niên 1990, Samsung vươn lên là gã khổng lồ trong lĩnh vực này trong khi nhà máy chip đầu tiên của VN không còn nữa.

Đến năm 2013, Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM thiết kế thành công con chip SG8V1. Lúc đó, TP.HCM đặt kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip với nguồn vốn đầu tư dự kiến là 200 triệu USD nhưng không thành vì nhiều lý do.

Xây dựng nhà máy sản xuất chip đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và vi mạch TP.HCM, từng đánh giá rằng VN hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Có đủ hai yếu tố này, VN có thể gia nhập vào nhóm sản xuất chip trên thế giới.

Đài Loan khởi đầu với khâu thấp nhất

Nhiều chuyên gia khuyến nghị VN có thể tiếp cận theo cách Đài Loan để vươn lên vị thế hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chip. Trước đây, Đài Loan cũng khởi đầu ngành này bằng kiểm định, thử nghiệm và đóng gói chip, khâu thấp nhất trong lĩnh vực chip.

Theo thời gian, Đài Loan đã học hỏi kinh nghiệm, đào tạo đủ nguồn nhân lực để đi đến xây dựng nhà máy sản xuất chip. Hiện nay, Đài Loan cung cấp phần lớn chip hiện đại nhất cho cả thế giới.

Cần 50.000 kỹ sư

Thực tế dù các kỹ sư VN đã chứng minh được năng lực của mình nhưng việc thiếu hụt kỹ sư vẫn là thách thức đầu tiên mà VN đối mặt nếu muốn trở thành cường quốc sản xuất chip.

Hiện VN chỉ mới có 5.000-6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo trong lĩnh vực chip. Con số này rất thấp so với yêu cầu cần đến 20.000 kỹ sư trong năm năm và 50.000 kỹ sư trong 10 năm tới.

VN cũng đã có điểm khởi đầu rất tốt về khả năng thiết kế và đóng gói. TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvel VN, thuộc Tập đoàn Marvell Technology, khẳng định các kỹ sư VN đang đảm nhiệm thiết kế những con chip 3nm hiện đại nhất.

Đáng chú ý, Công ty Synopsys VN đang có 600 kỹ sư người Việt thiết kế những vi mạch cao cấp nhất. Tương tự, Tập đoàn Renesas của Nhật Bản có đến 1.200 kỹ sư người Việt chuyên thiết kế vi mạch cho ô tô... Điều này cho thấy các kỹ sư VN đang làm rất tốt việc thiết kế chip. Không chỉ vậy, hơn 10 năm qua Intel VN có nhà máy kiểm định, thử nghiệm và đóng gói chip đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM có rất nhiều người VN làm việc.

Học kinh nghiệm từ các nước

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn, việc xây nhà máy sản xuất chip cần phải tính toán kỹ lưỡng dựa trên hàng loạt yếu tố về mặt kỹ thuật và đầu ra thương mại. Ông Bob Johnson, chuyên gia phân tích Công ty Gartner, chuyên nghiên cứu và tư vấn công nghệ, phân tích: Xây dựng nhà máy sản xuất chip đòi hỏi kỹ thuật cao và nguồn lực tài chính tốn kém.

Ví dụ, nhà máy sản xuất chip yêu cầu phải có phòng sạch và một nền móng rất vững chắc để đảm bảo không có rung động nào tác động đến quá trình sản xuất. Chưa hết, nhà máy cần trang bị máy in thạch bản có giá trị khoảng 150 triệu USD và một nhà máy cần đến 9-15 máy in tùy theo công nghệ chip.

“Việc sản xuất chip cũng đòi hỏi nguồn hóa chất rất đặc biệt, vốn chỉ rất ít công ty đủ khả năng cung cấp. Cuối cùng để nhà máy có thể vận hành, đòi hỏi nguồn nhân lực đủ khả năng làm việc. Để đào tạo được đội ngũ này không đơn giản vì tiêu tốn nhiều thời gian. Thực tế tại các nước và vùng lãnh thổ hàng đầu về sản xuất chip như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực chip” - ông Bob Johnson nêu thực tế.

Các chuyên gia phân tích Tập đoàn VinaCapital cũng lưu ý nhìn vào các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cho thấy để xây dựng nhà máy sản xuất chip cần nhiều điều kiệu. Đó là có lực lượng lao động lành nghề dồi dào với chi phí thấp, lãnh đạo phải giỏi mà thường là chuyên gia trong sản xuất chip từ các công ty hàng đầu trong ngành, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.

Vì vậy, trước mắt VN nên tiếp tục thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế, đóng gói, thử nghiệm và lắp ráp để từng bước học hỏi kinh nghiệm. Một cách tiếp cận khác giúp VN có thể đi đến hoàn thiện con chip một cách tự chủ chính là việc thiết kế, sau đó gửi các nhà máy chip sản xuất chip cho mình. Hiện FPT và Viettel đang đi theo con đường này với việc sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất.

Câu chuyện này cũng có thể thấy qua việc Tập đoàn Marvell, ông lớn chip hàng đầu của Mỹ. Theo TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell VN, mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là mô hình fabless, có nghĩa là thiết kế chip sau đó thuê các nhà sản xuất gia công con chip đó.

“Chúng tôi không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ ba đảm nhiệm, ví dụ như các công ty TSMC, Samsung, UMC… Những công ty này có công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp để sản xuất chip sao cho có hiệu quả lớn nhất về mặt chi phí. Do đó, VN hoàn toàn có thể đi theo con đường này vì các kỹ sư VN đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án trong nghiên cứu và phát triển chip công nghệ mới nhất” - ông Đạm cho biết.

Mô hình thiết kế chip phù hợp với Việt Nam nhất

Quy trình sản xuất chip bán dẫn thường trải qua các công đoạn chính gồm thiết kế, sản xuất và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.

Mảng sản xuất chip luôn gắn liền với nguồn vốn đầu tư khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ USD cho nhà máy. Nó cũng đòi hỏi trình độ công nghệ cao, sự chọn lọc khắt khe và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiếp cận công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định sẽ là một bài toán nhiều ẩn số.

Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP.HCM được thành lập mới đây để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch. Ảnh: MINH HOÀNG

Hơn nữa, những rủi ro từ nhu cầu của thị trường chip sẽ rất phức tạp cho những khoản đầu tư khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất chip, bởi thực tế có rất nhiều nước cùng tham gia thị trường này.

Những thành tựu của FPT, Microchip Technology, SNST, Finger Vina… trong lĩnh vực thiết kế chip set và chip cho IoT (Internet vạn vật) cùng với sự hiện diện của những tập đoàn công nghệ lớn trong mảng thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys cho thấy định hướng tiến tới mô hình Fabless (các công ty thiết kế chip nhưng không sản xuất ra chip) có lẽ phù hợp với VN nhất trong giai đoạn hiện nay.

Điển hình là FPT đã thành công khi thiết kế chip IoT và sản xuất tại đối tác trong chuỗi cung ứng ở Hàn Quốc cho 25 triệu sản phẩm được đặt hàng.

TS NGUYỄN MẠNH HÙNG, ĐH RMIT VN

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-co-nen-xay-dung-nha-may-san-xuat-chip-post761551.html