Vì sao phụ nữ dễ mắc suy giãn tĩnh mạch chân hơn nam giới?

Khoảng gần 1 năm trước, chị Nguyễn Thúy Ngân (36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) phát hiện thấy cả 2 chân nổi gân xanh ngoằn ngoèo sát bề mặt da. Theo thời gian, những gân xanh này xuất hiện nhiều và lớn hơn. Ngoài ra, chị còn có cảm giác tê chân, đau nhức.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh

"Càng ngày, cảm giác đau nhức, khó chịu ngày càng nhiều, nhất là vào buổi chiều tối và sau khi đi, đứng nhiều. Lúc đầu, tôi chỉ thấy việc gân xanh xuất hiện sẽ khiến bản thân khó mặc váy ngắn được nhưng sau đó, tôi tìm hiểu thì thấy đây là dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch", chị Ngân nói. Sau khi được bác sĩ thăm khám, chị được chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch chân và phải điều trị.

Khi đi khám thai theo lịch hẹn ở tuần 12 của thai kỳ, chị Lê Thu Thảo (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng được bác sĩ chỉ định khám thêm khi nhận thấy chị có những dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Kết quả thăm khám sau đó cho thấy, chị bị suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn sớm.

"Các triệu chứng nổi gân xanh, đau nhức chỉ mới xuất hiện sau khi tôi mang thai. Tôi được bác sĩ khuyên khi ngồi cần để cao chân, hạn chế đi đứng nhiều và mang vớ tĩnh mạch thì các triệu chứng sẽ giảm", chị Thảo chia sẻ.

TS.BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), cho biết, theo y văn, tỷ lệ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch ở nữ nhiều hơn nam từ 2 đến 4 lần. Nguyên nhân là do phụ nữ phải trải qua sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai, dùng thuốc tránh thai, chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh…

Bên cạnh đó, bệnh còn có nguyên nhân khác như do tuổi tác, tiền sử gia đình, béo phì. Trong đó, người trên 50 tuổi có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chân cao hơn so với người trẻ tuổi. Theo bác sĩ Vỹ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân sẽ dẫn đến biến chứng về rối loạn huyết động học.

Lúc này, cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới, gây viêm loét, nhiễm trùng, rất khó điều trị. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cũng có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như giãn tĩnh mạch chi dưới ở vận động viên, dị dạng mạch máu bẩm sinh; bệnh lý về xương khớp, thần kinh và bệnh động mạch chi dưới.

Do vậy, người bệnh cần phải đến bác sĩ chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, chẩn đoán chính xác.

"Khi đã được chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ xác định mức độ bệnh chính xác để đưa ra lời khuyên và chỉ định điều trị phù hợp cho từng mức độ bệnh. Bệnh nhân nên tuân theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý điều trị theo các phương pháp chưa được khoa học chứng minh", bác sĩ Vỹ cho biết thêm.

Để phòng bệnh, người dân nên chăm chỉ vận động, hạn chế đứng lâu, ngồi nhiều, mang vớ y khoa, bổ sung các chất chống oxy hóa. Với phụ nữ thì nên hạn chế mang giày cao gót, mặc quần bó sát bởi điều này có thể làm máu lưu thông ở chân bị tắc nghẽn, gây suy giãn tĩnh mạch.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-phu-nu-de-mac-suy-gian-tinh-mach-chan-hon-nam-gioi-20240304145537882.htm