Vì sao ngộ độc nhưng xét nghiệm không thấy tác nhân?

Bạn đọc ĐINH NGỌC HẠNH (ở TP HCM) hỏi: Mới đây, nhiều học sinh có biểu hiện như ngộ độc thực phẩm (sốt, ói, tiêu chảy...) nhưng kết quả xét nghiệm lại không tìm thấy tác nhân. Tôi có con đi học nên lo lắng. Bác sĩ có thể lý giải vấn đề này và liệu điều này có ảnh hưởng đến việc điều trị?

PGS-TS-BS PHÙNG NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trả lời: Triệu chứng ngộ độc đường tiêu hóa sẽ có các dấu hiệu như ói, tiêu chảy, đau bụng, kèm theo một số biến chứng như sốt, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Có nhiều tác nhân gây ngộ độc thực phẩm như do vi khuẩn E.coli, Salmolnella, tụ cầu. Đây là tác nhân thường gặp nhưng lâm sàng gần như không phát hiện được. Muốn xác định do tác nhân nào phải lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch nôn ói, phân, cấy máu để xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả còn phải tùy thuộc vào kỹ thuật, thiết bị xét nghiệm, số lượng mẫu, thời gian lấy mẫu tương ứng mức độ ngộ độc… Vì vậy, từ trước đến nay, tỉ lệ phát hiện tác nhân gây ngộ độc rất thấp, nhiều trường hợp không phát hiện.

Các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm vừa qua không phải không có tác nhân gây bệnh mà tìm không ra. Bởi phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu, mẫu đó còn tụ khuẩn, còn độc chất hay không, chưa kể kỹ thuật xét nghiệm cũng khác nhau...

Phụ huynh cần lưu ý cho dù bất cứ lý do gì, nếu thấy trẻ liên tục nôn ói, tiêu chảy, lừ đừ thì nhất định phải đưa đến cơ sở y tế. Đa phần các trường hợp bị biến chứng nặng, như trường hợp ngưng tim, ngưng phổi ở Đồng Nai là do nhập viện quá muộn.

Về việc điều trị, các khuẩn gây ngộ độc hiện nay phần lớn có thể điều trị bằng kháng sinh, chỉ cần đưa trẻ đến sớm, không quá muộn thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.

Hải Yến ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-ngo-doc-nhung-xet-nghiem-khong-thay-tac-nhan-196240510213139629.htm