Vì sao cơ thể cần enzyme để tiêu hóa thức ăn?

Thực tế, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến tình trạng kém hấp thụ chất dinh dưỡng do thiếu enzyme tiêu hóa ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết chính xác enzyme tiêu hóa có vai trò gì với cơ thể.

Nội dung

1. Lợi ích của enzyme tiêu hóa đối với cơ thể

2. Ai dễ thiếu hụt enzyme tiêu hóa?

3. Bổ sung enzyme tiêu hóa bằng cách nào?

1. Lợi ích của enzyme tiêu hóa đối với cơ thể

Enzyme tiêu hóa là một nhóm enzyme được cơ thể sử dụng để phân hủy các chất dinh dưỡng đa lượng, ví dụ như carbohydrate, chất béo và protein thành các thành phần riêng lẻ để đảm bảo tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng hợp lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chức năng của enzyme là giúp đẩy nhanh các phản ứng hóa học trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa.

Các chất dinh dưỡng trong thức ăn đều là các chất phức tạp và có thể mất một thời gian dài để phân hủy và hấp thụ vào cơ thể nếu không có sự tham gia của các enzyme tiêu hóa. Enzyme không chỉ có trong nước bọt mà còn xuất hiện trong dịch tiêu hóa của suốt quá trình tiêu hóa. Thậm chí mỗi loại enzyme còn có chức năng phân giải những loại hợp chất khác nhau trong thức ăn.

Cơ thể cần các enzyme tiêu hóa để phân hủy các chất dinh dưỡng.

Các enzyme tiêu hóa được chia thành ba lớp chính:

Các enzyme phân giải protein cần thiết để chuyển hóa protein.
Lipase cần thiết để tiêu hóa chất béo.
Amylase cần thiết để phân hủy carbohydrate.

Mỗi loại enzyme tiêu hóa đóng một vai trò cụ thể trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể. Cách thức hoạt động của từng loại enzyme tiêu hóa trong cơ thể như sau:

Amylase: Được tìm thấy chủ yếu trong nước bọt, amylase giúp phân hủy tinh bột thành đường đơn giản để hỗ trợ tiêu hóa.
Alpha-galactosidase: Cần thiết để phân hủy các loại thực phẩm giàu tinh bột, khó tiêu, bao gồm các thành phần gây đầy hơi như đậu, bông cải xanh và bắp cải.
Cellulase: Chịu trách nhiệm tiêu hóa cellulose, một loại chất xơ có trong thành tế bào của nhiều loại thực vật.
Glucoamylase: Giúp phá vỡ liên kết của các loại tinh bột thông thường trong chế độ ăn uống để giúp hình thành carbohydrate đơn giản.
Invertase: Hỗ trợ quá trình thủy phân sucrose hoặc đường ăn thành fructose và glucose.
Lactase: Xúc tác quá trình phân hủy đường lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa.
Lipase: Một loại enzyme do tuyến tụy sản xuất giúp cơ thể bạn tiêu hóa và hấp thụ chất béo.
Peptidase: Chịu trách nhiệm phân tách chuỗi protein peptide thành các acid amin riêng lẻ.
Phytase: Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa acid phytic, một hợp chất tự nhiên có trong hạt thực vật cũng như các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Protease: Giúp phá vỡ chuỗi protein dài thành các đơn vị nhỏ hơn gọi là acid amin.

2. Ai dễ thiếu hụt enzyme tiêu hóa?

Nghiên cứu cho thấy, người lớn tuổi, người có bệnh lý và các vấn đề về tiêu hóa thường thiếu các enzyme tiêu hóa quan trọng mà cơ thể cần.

Các dấu hiệu cho thấy bạn có thể thiếu enzyme tiêu hóa bao gồm:

Khó tiêu
Trào ngược acid
Ợ nóng, khó tiêu hoặc ợ hơi
Buổi sáng mệt mỏi
Khó ngủ ngon
Tóc mỏng hoặc rụng
Da khô hoặc thiếu sức sống
Khó tập trung
Viêm khớp hoặc đau khớp
Yếu cơ hoặc cảm thấy quá mệt mỏi để tập thể dục
Tâm trạng thất thường, trầm cảm hoặc cáu kỉnh
Nhức đầu hoặc đau nửa đầu…

Khi được bổ sung, enzyme tiêu hóa có thể giúp giảm căng thẳng cho cơ quan tiêu hóa và giảm các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, giảm trào ngược acid và mệt mỏi…

Đu đủ là thực phẩm tự nhiên chứa enzyme tiêu hóa.

3. Bổ sung enzyme tiêu hóa bằng cách nào?

Có thể điều trị tình trạng thiếu hụt enzyme tiêu hóa bằng cách bổ sung thực phẩm chứa enzyme tiêu hóa trong chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm bổ sung.

Nguồn thực phẩm tự nhiên: Có nhiều loại thực vật sống như trái cây và rau sống có chứa các enzyme hỗ trợ tiêu hóa.

Một số loại trái cây và rau sống được trồng trên đất giàu dinh dưỡng là nguồn cung cấp enzyme tiêu hóa tự nhiên tốt nhất như:

Quả dứa
Đu đủ
Quả kiwi
Chuối
Quả xoài
Quả bơ
Sữa chua và kefir
Giấm táo
Miso, nước tương và tempeh (sản phẩm đậu nành lên men)
Dưa bắp cải và kim chi…

Nguồn thực phẩm bổ sung:Các chất bổ sung enzyme tiêu hóa chủ yếu có nguồn gốc từ 3 nguồn:

Nguồn gốc từ trái cây (thường có nguồn gốc từ dứa hoặc đu đủ). Trong đó có bromelain, là một loại enzyme có nguồn gốc từ quả dứa, có khả năng phân hủy nhiều loại protein, có đặc tính chống viêm và có thể chịu được phạm vi pH rộng. Papain là một loại enzyme khác có nguồn gốc từ đu đủ sống, có tác dụng hỗ trợ quá trình phân hủy các protein nhỏ và lớn.

Nguồn gốc động vật, bao gồm cả pancreatin có nguồn gốc từ bò hoặc lợn.

Nguồn gốc từ men vi sinh, nấm men và nấm.

Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng thực phẩm bổ sung enzyme tiêu hóa, bạn nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định loại enzyme tiêu hóa phù hợp và an toàn.

Bị táo bón nên ăn 5 thực phẩm này để cải thiện tiêu hóa.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-co-the-can-enzyme-de-tieu-hoa-thuc-an-169240423174619754.htm