Về Nha Trang tìm cây giá tỵ

1. Sài Gòn đang là mùa mưa. Một hôm, đi bộ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi ngỡ ngàng thấy hàng cây giá tỵ đoạn qua Dinh Độc Lập nở hoa trắng trên cao. Mùa hoa giá tỵ bắt đầu từ cuối hè đến đầu thu, mùa mưa của miền Nam.

Giá tỵ còn gọi là cây gỗ tếch, cây thân gỗ, có giá trị kinh tế cao. Cây trưởng thành cao 30 - 40m, thân thẳng, thuộc giống cây rụng lá theo mùa. Gỗ giá tỵ có vân đẹp, thớ gỗ to, không bị cong vênh, nứt nẻ, không bị mối mọt phá hoại và chịu được mưa nắng theo thời gian. Tôi đã có lần thả bộ trên cầu gỗ U Bein ở Mandalay, Myanmar. Cây cầu được xây dựng từ năm 1800 bởi hàng nghìn tấm ván bằng gỗ tếch với 1.068 trụ cột, bắc qua hồ Taungthaman, dài 1,2km. Đó là cây cầu bằng gỗ tếch nhiều tuổi nhất thế giới, với những nhịp gỗ chắc chắn và tay vịn vững vàng. Một điểm đến hấp dẫn ở Mandalay mà bất cứ ai đến đây đều trải nghiệm.

Cây giá tỵ lá to, cho bóng mát rộng lớn. Đi trên Quốc lộ 20, Sài Gòn lên Đà Lạt, đoạn rất đẹp ngang qua rừng cây giá tỵ từ Định Quán đến Tân Phú (Đồng Nai). Mùa này mưa, có lẽ rừng đang xanh dày lá và những chùm hoa nhỏ li ti, nhìn từ xa từng cụm trắng xóa rất đẹp. Hết năm, rồi đến mùa lá rụng. Mùa nào rừng cây giá tỵ cũng đẹp. Cây giá tỵ còn góp phần lọc không khí, hút các chất bụi bẩn làm cho bầu không khí trong lành.

2. Những cây giá tỵ trên đường Sài Gòn làm tôi nhớ đến Nha Trang, với tên một nhà bác học đã tận hiến cuộc đời cho khoa học và thừa nhận Nha Trang, Khánh Hòa là quê hương của mình, đó là bác sĩ A.Yersin. Chuyện kể rằng, tại ngôi nhà làm việc và tiếp khách cách Trạm nghiên cứu Suối Dầu khoảng 2km, từ năm 1897 - 1915, bác sĩ A.Yersin đã di thực nhiều loài cây, trong đó có cây giá tỵ đem về trồng tại đây. Năm 1943, bác sĩ A.Yersin mất, ngôi nhà thuộc quyền quản lý của Công ty Cao su Suối Dầu. Năm 1958, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận và xây dựng chùa Linh Sơn Pháp Ấn bây giờ.

Chúng tôi đến thăm mộ bác sĩ A.Yersin trước khi đi tìm cây giá tỵ. Từ Nha Trang, theo Quốc lộ 1 đến chân cầu vượt cao tốc Suối Dầu, rẽ phải (đường đi vào Suối Cát) khoảng 100m, nhìn bên tay trái, có một con đường nhỏ, mùa này rợp hoa phượng. Theo con đường này, đi sâu vào bên trong là đến mộ.

Ngược trở lại về Nha Trang theo Quốc lộ 1, chùa Linh Sơn Pháp Ấn nằm bên tay phải. Có 3 cây giá tỵ đang mùa xanh lá, tỏa bóng mát rộng, cây cao khỏe, khẳng định thổ nhưỡng nơi này phù hợp cho cây phát triển. Một cây giá tỵ cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam “Bách niên cổ mộc” được cho rằng do chính tay bác sĩ A. Yersin trồng. Cây cao hơn 30m, đường kính thân cây hơn 1m, lá dày, to và xanh mướt. Tôi cảm nhận được vết thời gian khi nhìn các thớ gỗ thân cây.

Tôi đã đứng lại thật lâu, nhìn ngắm cây giá tỵ đẹp, vững chãi và nghĩ về thời gian trôi, về nhà bác học và tấm lòng của ông với Nha Trang. Rồi chợt nghĩ, sao Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung không nghiên cứu trồng cây này trên đường phố vì những lợi ích của nó, hơn nữa còn là bài học về người bác sĩ đã cống hiến nhiều công trình nghiên cứu giá trị cho nhân loại đã chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202308/ve-nha-trang-tim-cay-gia-ty-d372bfc/