Về miền đất Sa Long

Dòng Sa Lung là nhánh lớn nhất của sông Bến Hải. Khi chảy qua địa phận xã Vĩnh Long, sông Sa Lung chứng kiến những thăng trầm, biến cố của một ngôi làng nhỏ mang tên Sa Long. Trên mảnh đất này có di tích lịch sử văn hóa Miếu Bà Vương Phi họ Lê rất linh thiêng, được người dân kính ngưỡng, thờ tự cho đến tận bây giờ.

Ông Lê Phước Bài thắp hương lên bàn thờ bà Vương Phi họ Lê - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Từ dòng sông Sa Lung...

Dòng sông Sa Lung bắt nguồn từ chân dãy núi Trường Sơn, qua vùng đất Bãi Hà (xã Vĩnh Hà), rồi chảy về miền đồng bằng các xã: Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn... Nguyên sơ, tên khai sinh của dòng sông này là Sa Long, gắn với huyền tích “rồng sa” vào thuở hồng hoang.

Thuở xa xưa, không ai nhớ rõ thời gian, vào một ngày nắng đẹp, bỗng dưng mây đen kéo đến che lấp cả bầu trời, sấm chớp dữ dội, mưa gió tơi bời. Một con rồng xuất hiện, cưỡi lên những đám mây đen ngòm bay từ biển vào đất liền theo trận cuồng phong.

Qua khỏi địa phận Hồ Xá, rồng đuối sức sà xuống. Sau một lúc, rồng lại gắng gượng bay lên, hướng về dãy núi Trường Sơn. Lúc đầu rồng chạm vào chân núi Trường Sơn, đột nhiên mưa tạnh, gió tan, trời trở lại xanh trong, nắng vàng rực rỡ.

Rồng hạ mình xuống đây để chuẩn bị cho cuộc sinh nở. Trong lúc quặn mình vật vã, hai chân trước của rồng cào cấu mặt đất, tạo ra hai hồ lớn, nước trong lòng đất trào dâng. Sau khi sinh nở xong, rồng kiệt sức rồi chết, để lại hình hài tạc vào đất đá.

Từ chỗ đầu rồng bổ xuống, nước tuôn chảy theo thân rồng, tạo ra một dòng sông xuôi vào sông Minh Lương (sông Bến Hải ngày nay) ở chặng cuối nguồn. Tên gọi sông Sa Long (tức rồng sa) có từ đó.

Tại hai hồ nước được hình thành khi rồng mẹ vật vã, cào cấu lúc sinh nở, sau này con người thừa hưởng mạch nguồn từ lòng đất phun lên để xây dựng hai công trình thủy lợi lớn có ý nghĩa lớn đối với vùng đồng bằng huyện Vĩnh Linh.

Đó là hồ La Ngà và hồ Bảo Đài. Có một hồ nước nữa ở xã Vĩnh Chấp, người dân địa phương gọi là vũng Sao Sa. Vũng nước ấy chính là đuôi của rồng vẫy vùng lúc sinh.

Làng Sa Nam (thuộc làng Sa Long xưa) nằm phía hữu ngạn sông Sa Lung - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Tự bao đời nay, sông Sa Long cung cấp nguồn nước, phù sa cho một vùng đồng bằng rộng lớn, phong nẫm của huyện Vĩnh Linh. Cũng chính vì thế nên những đoàn người di cư đi mở đất từ phía Bắc vào đã dừng chân lập nghiệp tại đây, tạo nên những làng xóm yên bình, trong đó có làng Sa Long.

Đến ngôi làng Sa Long

Để tìm hiểu ngọn nguồn địa danh làng Sa Long, tôi tìm về làng Sa Nam, xã Vĩnh Long gặp ông Lê Phước Bài (71 tuổi). Ông Bài trước đây công tác trong quân đội, về hưu từ năm 2013 với quân hàm thượng tá.

Sau khi nghỉ hưu, ông trở về quê làm Bí thư Chi bộ thôn Sa Nam 10 năm liền. Hiện, ông là Chủ tịch Hội đồng họ Lê huyện Vĩnh Linh, phó trưởng họ Lê Phước làng Sa Nam, Trưởng Ban quản lý di tích Miếu Bà Vương Phi họ Lê. Ông Bài là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Lê Phước làng Sa Long.

Theo phả hệ họ Lê (một dòng họ được coi là tiền khai khẩn ở làng Sa Long), viết từ thời Cảnh Trị (1663) đến đời Thiệu Trị, người cháu đời thứ 12 là Tiến sĩ Lê Đức (đỗ Tiến sĩ năm 1841, sau đó được bổ nhiệm Hàn Lâm viện Biên tu, Quốc tử giám Tư nghiệp, Chướng ấn hộ bộ cấp sự trung và Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long), nghiên cứu, tu bổ lại sau khi tìm về cố quận là làng Sa Long (tổng Sa Long, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) để xác minh nguồn gốc họ Lê thì ông Thủy tổ của dòng họ Lê có tên là Lê Viết Thức (người huyện Nam Trực, Nam Định) đã có công đầu khai sinh làng Sa Long (châu Minh Linh). Ông sinh được ba người con “Trai vinh, gái quý, trực tiếp khai sơn phá thạch, chiêu dân lập ấp, để lại công lao to lớn trăm đời sau không thay đổi”.

Làng Sa Long có 5 dòng họ được xem là khai khẩn và đồng khai canh, gồm: Lê Đa, Lê Văn, Lê Phước, Võ, Hồ. Trong đó, thủy tổ dòng họ Lê Đa là ngài Lê Đại Lang (tức Lê Quang Phú), mộ táng trong khu vực Miếu Bà Vương Phi họ Lê (ở Lòi Xó Rọ), được dân làng tôn là ngài tiền khai khẩn. Ngài Lê Quang Phú là cậu ruột và là người trực tiếp nuôi dưỡng ba anh em bà Lê Quý Phi khi bố mẹ của ba người qua đời sớm.

Ngài Lê Viết Đáo là thủy tổ dòng họ Lê Văn và ngài Lê (khuyết danh) là thủy tổ dòng họ Lê Phước. Hai ngài được dân làng tôn là Hậu khai canh. Sau khi ổn định cuộc sống ở vùng đất mới, hai ngài đã trở về quê cũ đưa phần mộ của ngài Lê Viết Thức cùng vợ vào song táng tại xứ Lòi Tai Mang.

Theo sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết năm 1555, vào đương triều Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông có chủ trương mở mang bờ cõi, đưa dân vào Châu Ô lập nghiệp. Hoàng hậu Lê Quý Phi dẫn đầu một đoàn tùy tùng cùng với người anh và em trai của bà là ngài Lê Viết Đáo và Lê (khuyết danh) được vua ban tước hiệu tiến về phía Nam để khai phá đất đai.

Khi đến Truông Nhà Hồ (giáp Hồ Xá), Hoàng hậu Lê Quý Phi cùng đoàn tùy tùng rẽ vào vùng đất có cây cối rậm rạp. Đi thêm chút nữa, họ bắt gặp sông Sa Long. Thấy được vượng khí ở đây, Hoàng hậu cùng đoàn người quyết định dừng chân, chiêu tập dân cư từ các nơi (chủ yếu là phía Bắc) đến dựng làng.

Một miền đất rộng lớn từ Cổ Kiềng (xã Vĩnh Khê), Sen Thủy (Quảng Bình) đến cả vùng đồng bằng huyện Vĩnh Linh được khai phá trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống người dân no đủ. Hoàng hậu cùng các quan dạy dân dựng nhà, biết đoàn kết, thương yêu đùm bọc lấy nhau để chống lại thú dữ, trộm cướp, đề phòng giặc xâm lăng.

Như vậy, làng Sa Long ra đời vào cuối thế kỷ XV và tên Sa Long được lấy từ tên gốc ở đất Bắc là làng Sa Long, tổng Sa Long, huyện Nam Trực, Nam Định. Người có công khai khẩn làng là ngài Lê Quang Phú. Bà Vương phi họ Lê cùng anh trai là ngài Lê Viết Đáo và em trai là ngài Lê (khuyết danh) là những người có công lao to lớn trong việc mở mang cương thổ về phía Nam.

Tên sông Sa Long và làng Sa Long đã có một thời gian dài trong lịch sử. Đến triều đại vua Gia Long, tất cả các địa danh làng xã, kể cả tên người không được đặt tên Long. Nếu lỡ đặt rồi thì phải đổi, không được phạm húy. Vì vậy, sông Sa Long phải gọi chệch thành Sa Lung, còn làng Sa Long đổi sang Sa Trung. “Qua thời gian, dân làng Sa Trung ngày một đông nên sau này, làng Sa Trung được chia thành 4 làng nhỏ, gồm: Sa Nam, Sa Bắc, Hòa Nam và Trung Lập”, ông Bài nói.

Và Miếu Bà Vương Phi họ Lê

Về danh phận bà Vương Phi họ Lê, sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đã đề cập như sau: “Bà phi họ Lê: Bà vốn quê xã Sa Lung, châu Minh Linh, vốn là con gái vào hầu hạ trong cung. Lúc Mẫn Lệ Vương (tức vua Lê Uy Mục) còn ở tiềm đế (nơi ở của các ông hoàng lúc chưa lên ngôi) và đang theo học với vị vương phó, bà cũng đến học tập ở đây. Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau.

Một hôm, Vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng: “Vậy là Vương thử lòng con, sau này nếu con thấy Vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của Vương lại để tỏ ý thân”.

Hôm sau, bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày, Vương rất vừa lòng, từ đó về sau không cố ý chọc ghẹo nữa. Riêng bà cũng giữ kín mối tình đẹp chẳng hề lộ ra. Đến khi Vương lên ngôi, bà được tuyển vào hậu cung. Vốn là người thông minh nên bà được yêu chuộng hơn cả, vì vậy bà được thăng lên làm hàng phi”.

Bà Vương phi họ Lê được vua Lê Uy Mục đưa vào hậu cung, lập làm Vương Phi. Sau khi vua Lê Tương Dực truất ngôi và giáng Lê Uy Mục xuống làm Mẫn Lệ Vương nên sử sách đời sau thường gán tên gọi cho bà Vương Phi họ Lê là Mẫn Lệ Phi.

Làng Sa Long là nơi bà Vương Phi họ Lê ngụ lại trong suốt thời gian chiêu dân mở đất, lập làng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Chúa, Nhân dân làng Sa Long lập miếu thờ ngay khi bà vừa qua đời. Qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có sắc phong, vật tặng cho Bà Chúa tại miếu thờ (hiện nay không còn những thứ sắc phong, vật tặng vì chiến tranh tàn phá, một số bị thất lạc). Miếu Bà Vương Phi họ Lê đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa. Hằng năm, vào ngày 27/3 âm lịch, người dân làng Sa Long tổ chức lễ cúng Bà Chúa theo nghi thức của triều đình ngày xưa.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ve-mien-dat-sa-long-185320.htm