Về câu chuyện hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi

Không được tính tiền lương chế độ thừa giờ, cũng không được tính định mức số tiết..., những giáo viên đứng đội tuyển vẫn đăm đắm, chăm lo cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Trường THCS Trung Sơn (TP Sầm Sơn) trao thưởng cho các thầy cô đạt thành tích cao trong năm học 2022-2023. Ảnh nhà trường cung cấp

Định mức tiết dạy của giáo viên THCS là 19 tiết nhưng đối với cô giáo Lê Thị Cúc, giáo viên dạy môn Toán, Trường THCS Trung Sơn (TP Sầm Sơn) thì tiết dạy của chị không chỉ dừng ở con số 19. Ngoài giảng dạy trên lớp theo chương trình học, cô giáo Cúc còn được nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố. Mỗi tuần chị có 1 buổi bồi dưỡng cho học sinh, tương đương với 3 tiết. Một năm học chị có khoảng 25 buổi đứng đội tuyển, tương đương 75 tiết. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, theo như chia sẻ của cô giáo Cúc thì không thể tính bằng 25 buổi này. “Ngoài buổi dạy bồi dưỡng theo lịch phân công của nhà trường thì nếu có thời gian trống lúc nào tôi lại tiếp tục đứng đội tuyển lúc đấy. Đối với giáo viên đứng đội tuyển, nhà trường hỗ trợ 40 nghìn đồng/tiết. Tất nhiên, số tiết tôi tự nguyện bồi dưỡng thêm cho học sinh sẽ không được tính. Tuy nhiên, nếu không có tiền hỗ trợ của nhà trường, vẫn phải xác định trách nhiệm của bản thân là dạy vì học sinh và dạy hết khả năng”, cô giáo Lê Thị Cúc cho biết.

Theo chia sẻ của thầy giáo Bùi Công Tuyến, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn, dù không có quy định tính chế độ thừa giờ hay tính định mức cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng nhà trường vẫn trích một phần ngân sách để hỗ trợ. Hiệu trưởng Bùi Công Tuyến cho hay: “Đầu năm học, họp thống nhất với toàn trường và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ để trích kinh phí hỗ trợ giáo viên đứng đội tuyển. Ngoài ra, nhà trường còn có chế độ khen thưởng cho học sinh đoạt giải và giáo viên có học sinh đoạt giải”.

Ở Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa), nhiều năm nay, nhà trường cũng hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng cho giáo viên đứng đội tuyển. Số tiền không nhiều nhưng đó như sự sẻ chia, động viên đối với giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Lê Văn Tuấn, thì: “Giáo viên đứng đội tuyển rất vất vả. Trong khi đó không có một quy định nào đề cập đến vấn đề hỗ trợ. Nhà trường cũng chỉ biết chia sẻ bằng cách trích một phần quỹ phúc lợi và một phần từ nguồn ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ cho các thầy, cô”.

Một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử và Địa lý của cô và trò Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa). Ảnh nhà trường cung cấp

Cũng như nhiều giáo viên khác đứng đội tuyển ở Trường THCS Hoằng Hải, cô giáo Nguyễn Thị Thuyết, bên cạnh lịch phân công của nhà trường, còn dạy ngoài giờ cho đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn và môn Giáo dục công dân. Có những năm, mình chị đứng 3 đội tuyển.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được xem là điểm nhấn quan trọng cho thương hiệu ở các trường THCS. Thực tế, đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, không phải trường nào cũng có điều kiện để hỗ trợ cho giáo viên. Theo bà Lê Thu Lan, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa thì bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh chưa đạt là nhiệm vụ của giáo viên trong thực hiện chuyên môn của mình. Bà nói: “Trong quy định của ngành, trong điều lệ trường học và nhiệm vụ của giáo viên, không có quy định hỗ trợ giáo viên đứng đội tuyển. Bồi dưỡng, phụ đạo là nhiệm vụ của giáo viên. Giáo viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì song song với công tác chuyên môn chính theo chương trình thì có thêm các nhiệm vụ bồi dưỡng, phụ đạo”.

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ve-cau-chuyen-nbsp-ho-tro-giao-vien-boi-duong-hoc-sinh-gioi-30997.htm