Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Từ 'kho Chàm' đến EFEO

Cách nay hơn 6 năm, Khu trưng bày cổ vật Champa thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế mở cửa đón khách tham quan trở lại sau hàng chục năm đóng cửa. Còn được gọi là “kho Chàm”, khu trưng bày này lưu giữ 88 cổ vật Champa rất quý hiếm, được sưu tầm từ những cuộc khai quật khảo cổ học của Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO).

Được biết, cùng thời với Bảo tàng Henri Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chàm tại Đà Nẵng), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, còn được gọi là Bảo tàng Khải Định (Museé Khai Dinh) được thành lập năm 1923, là một trong số bảo tàng do EFEO thành lập nhằm bảo quản và lưu giữ các hiện vật thu thập được trong quá trình nghiên cứu.

Tôi đã nhớ lại sự kiện này khi mới đây vào giữa tháng 2/2023, ông Nicolas Fíevé, Giám đốc EFEO vừa có chuyến đến Huế. Trong lịch trình, bên cạnh làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chào xã giao lãnh đạo tỉnh, một trong những điểm ghé thăm của ông là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi vào thời điểm này có không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi - cuộc đời và nghệ thuật”.

Với những cựu sinh viên Khoa Sử, cái tên “Viễn Đông bác cổ” không quá xa lạ khi nó được nhắc nhiều trong các giáo trình học. Một trong số những địa chỉ tham quan hay thực tập quen thuộc là những bảo tàng, như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Louis Finot), Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (Blanchard de la Brosse) hay Bảo tàng Điêu khắc Chàm tại Đà Nẵng… được thành lập bởi EFEO.

Nhớ trong chuyến điền dã khảo cổ học tại hang Minh Cầm (Quảng Bình) cách đây 40 năm, tôi đã bắt gặp nhiều hình vẽ và chữ viết trên vách hang cùng một số dấu tích sinh hoạt của con người. Người địa phương đã kể về một bà Đầm sống và làm việc miệt mài trong hang hàng tháng trời ròng rã. Sau này tôi mới biết, đó là bà Madeleine Colani, một nhà khảo cổ học của Sở Địa chất Đông Dương và EFEO. Tôi đã xem Madeleine Colani là thần tượng, một biểu tượng cho sự dấn thân và phụng sự khoa học.

EFEO được thành lập vào năm 1898, đã thực hiện công tác bảo tồn di sản nghệ thuật và khảo cổ Việt Nam không chỉ qua các công trình nghiên cứu và kiểm kê, mà còn bằng việc xây dựng và quản lý nhiều bảo tàng. EFEO cũng đã thu thập nhiều tài liệu bản thảo và in, thành lập một thư viện phong phú và rập hàng nghìn bản văn khắc có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật cao đối với cả Đông Dương nói chung và Huế nói riêng.

Trong buổi làm việc mới đây với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ông Nicolas Fíevé đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ hợp tác, chia sẻ nguồn tư liệu để phát huy được các giá trị di sản văn hóa Huế. Ông cho rằng, nghiên cứu lịch sử và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ sẽ góp phần khẳng định và tôn vinh bản sắc văn hóa của Cố đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Tôi nghĩ, đã có một sự tiếp nối những công việc mà EFEO khởi sự hơn 100 năm trước.

Người ta đã nói nhiều đến sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt mà Huế được xem là tâm điểm. Còn tôi đã nghĩ đến EFEO hay cùng thời là B.A.V.H (Hội Những người bạn Cố đô Huế) như những cầu nối, mang đến một tinh thần khai phóng, nét văn hóa mới và phong cách làm việc khoa học được lan tỏa cho đến tận bây giờ.

Đan Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tu-kho-cham-den-efeo-a124497.html